Em Bùi Thị Hà, quê ở Hà Giang, tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.
Hà được Thành phố Hà Nội vinh danh là một trong 100 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện của thủ đô năm 2016.
Tốt nghiệp, mong muốn được trở về Hà Giang làm cô giáo dạy văn, nhưng hơn một năm qua Hà chấp nhận ở nhà nuôi heo, làm vườn, bán trái cây thuê phụ ba mẹ để chờ đợi do thời gian qua tỉnh chưa có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên.
Trong buổi trao đổi về giáo dục đại học thời đại mới, Tiến sĩ Đàm Quang Minh – Tân Hiệu trưởng trường Đại học Thành Tây cho rằng, việc sinh viên đạt điểm thủ khoa là chứng tỏ nỗ lực học tập của em đó.
Tuy nhiên, cuộc sống thực sẽ không ai trả lương cho việc học thi lấy điểm cao mà trả lương cho những người hoàn thành tốt công việc và mang giá trị cho cuộc sống. Thi điểm cao không có nhiều giá trị.
Theo tân Hiệu trưởng Đại học Thành Tây, ở nước ngoài, thủ khoa tốt nghiệp một trường đại học sẽ được chào đón và rước về ngay từ khi biết sinh viên đó có khả năng trở thành thủ khoa. (Ảnh: website trường Đại học Thành Tây ) |
“Thế nên việc đạt thủ khoa không có gì đảm bảo cho việc cử nhân đó chắc chắn có việc làm tốt. Bởi đó là hai việc khác nhau”, ông Minh nhấn mạnh.
Hơn nữa, theo vị tân Hiệu trưởng này, cuộc sống luôn thay đổi và biến động.
Học sinh có thể là học sinh giỏi ở cấp tiểu học nhưng không chắc em đó sẽ là học sinh giỏi ở cấp trung học, học sinh giỏi cấp trung học thì không chắc đã học hỏi ở đại học, và học giỏi ở đại học cũng không có gì chắc chắn sẽ thành công trong công việc tương lai.
Chàng thủ khoa kép năm 2017 mong muốn về quê trồng rừng |
“Việc là thủ khoa chỉ minh chứng việc cử nhân có thể hoàn thành một cách máy móc các bài học và trả điểm cao nhất.
Nó không chứng minh được năng lực về sự sáng tạo, về khả năng hợp tác trong công việc và nhiều kỹ năng khác.
Trong khi đó thế kỷ này là thế kỷ của công nghệ 4.0, là thế kỷ của những kỹ năng sáng tạo.
Việc em viết thư xin việc với Bí thư tỉnh uỷ một lần nữa lại thể hiện điều đó. Nơi em xin việc không phải là Bí thư tỉnh uỷ mà phải là nơi nào họ cần em.
Nếu Bí thư tỉnh uỷ không trả lời liệu em có nghĩ là phải gửi thư cho Thủ tướng hay Chủ tịch nước không?
Đó không phải là câu trả lời đúng đắn cho việc đi tìm việc làm nói riêng và xây dựng một sự nghiệp nói chung”, ông Minh nói.
“Tại sao em không chủ động tìm cho mình việc khác hoặc đơn giản là việc trở thành giáo viên ở nơi khác?”, ông Minh băn khoăn.
Nói đến đây, ông Minh đánh giá, kể cả việc nuôi lợn như em đang làm đi chăng nữa thì cũng có rất nhiều cách để phát triển.
Nữ thủ khoa đi chăn lợn từng rơi nước mắt gửi thư tới Bí thư Triệu Tài Vinh |
Ở trường đại học không phải em đã học được về tư duy nghiên cứu khoa học?
Em có thể áp dụng để tìm những giải pháp nuôi lợn tốt hơn những người xung quanh và đạt lợi nhuận cao hơn.
Em có thể không chỉ nuôi lợn thông thường mà còn nuôi lợn đặc sản. Giá trị đàn lợn của em sẽ tăng thêm nhiều lần.
Không phải ở đại học ngành sư phạm em được học về tâm lý học? Em hãy áp dụng nó để đưa sản phẩm của mình ghi dấu ấn vào tâm lý khách hàng, hãy đưa đến tận nơi tiêu thụ cuối để có lợi nhuận cao nhất.
Cuộc sống của mình là của chính mình, nếu tự mình không lo được thì cũng đừng mong ai có thể giúp đỡ.
Nhìn nhận từ câu chuyện của thủ khoa xuất sắc Bùi Thị Hà, ông Minh lý giải nguyên nhân mà tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta gia tăng mỗi năm.
“Tôi cho rằng, thất nghiệp này là giả vì những đơn vị mong muốn tuyển được nhân viên thì không tuyển được, do vậy, những người thất nghiệp chủ yếu là những người thiếu năng lực làm việc chứ không phải thị trường không có đủ chỗ làm việc”, ông Minh đánh giá.
Theo đó, ông Minh chỉ rõ, cử nhân thiếu năng lực do nhiều nguyên nhân trong đó do kiến thức lạc hậu, thiếu tài liệu chuyên môn.
Bởi lẽ, giờ sống trong thời đại 4.0 thì liệu rằng kiến thức từ những năm 60, 70 của thế kỉ trước có còn giúp ích gì cho các bạn sinh viên?
Là người từng đi và nghiên cứu nhiều nền giáo dục khác nhau, ông Minh đánh giá, ở nước ngoài, thủ khoa tốt nghiệp một trường đại học sẽ được chào đón và rước về ngay từ khi biết sinh viên đó có khả năng trở thành thủ khoa.
Vì sao lại như vậy?
Bởi lẽ, thủ khoa chính là sản phẩm tốt nhất, giá trị cao nhất của một trường đại học.
Còn ở ta thì thủ khoa không được chào đón như vậy? Vì sao?
Vì sản phẩm tốt nhất nhưng lại không đúng đòi hỏi của thị trường lao động điều này chứng tỏ ở đâu đó trường đại học đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội.
Từng đảm nhận vị trí quan trọng của một tập đoàn lớn (tập đoàn FPT), từng phỏng vấn nhiều ứng viên ở những vị trí khác nhau, ông Minh thấy, sinh viên Việt Nam khá thụ động, không ít sinh viên vô cùng rụt rè.
Có nhiều trường hợp đã tốt nghiệp đại học ở ngưỡng tuổi gần 30 nhưng khi đi xin việc bố mẹ vẫn phải dắt đi.
Thậm chí, nhiều phụ huynh còn xin được ngồi cùng con trong buổi phỏng vấn để có cơ hội nói đỡ cho con.
Kể đến đây, ông Minh giãi bày: “Đây là sự không trưởng thành thái quá nhất của sinh viên Việt Nam do sự bao bọc, che chở quá kĩ của cha mẹ”.
Ngày 10/10, Đại học Thành Tây vinh dự đón nhận Bằng khen của Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng phát triển giai đoạn 2007 - 2017. Tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập trường, Tiến sĩ Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng trường nhiệm kỳ III đã công bố nhận diện thương hiệu Đại học Thành Tây – Đại học thời đại mới cùng những chia sẻ về chiến lược của nhà trường trong giai đoạn 2017 – 2022. “Chúng tôi mong muốn những sinh viên Đại học Thành Tây thế hệ mới sẽ là những công dân toàn cầu được trang bị đầy đủ bộ kỹ năng thế kỉ 21, gồm: kỹ năng tư duy, kỹ năng làm việc, kỹ năng sử dụng công cụ, kỹ năng sống trong thời đại toàn cầu hóa” – Tiến sĩ Đàm Quang Minh chia sẻ. Được biết, tháng 7/2017, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ký quyết định công nhận hội đồng quản trị và chủ tịch Hội đồng quản trị của Trường Đại học Thành Tây. Và Trường Đại học Thành Tây chính thức trở thành thành viên của Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ (IAE) cùng các thương hiệu giáo dục tên tuổi khác như EQuest, Ivyprep, Ismart, Trường Cao Đẳng Việt Mỹ (APC), Broward College, Học viện thiết kế ADS ... |