Nguyễn Đức Quỳnh – sinh viên Đại học Lâm nghiệp là một trong số 84 Thủ khoa được Thành phố Hà Nội tuyên dương tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào ngày 8/10 vừa qua.
Chàng sinh viên lớp K58E khoa Quản lý tài nguyên rừng và Môi trường (Đại học Lâm nghiệp) không chỉ là thủ khoa có bảng thành tích cao trong học tập, mà còn là thủ khoa kép đã từng được vinh danh khi đỗ điểm cao nhất vào trường.
Năm 2013, Nguyễn Đức Quỳnh vượt chặng đường hơn 500km từ bản Tân Bình, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu và trở thành thủ khoa của trường trong mùa tuyển sinh năm đó.
Chia sẻ với tôi, tân cử nhân tâm sự: “Đạt được thủ khoa kép với em là một sự tình cờ vì ngay từ đầu em cũng không đặt mục tiêu học trở thành thủ khoa khi ra trường mà chỉ tự nhủ cố gắng phấn đấu hết sức để học tập và theo đuổi đam mê, em rất vui khi lại một lần nữa trở thành thủ khoa tốt nghiệp của trường”.
Nguyễn Đức Quỳnh – sinh viên Đại học Lâm nghiệp là một trong số 84 Thủ khoa được Thành phố Hà Nội tuyên dương tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào ngày 8/10 vừa qua. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Quỳnh là con út trong gia đình có bốn anh em. Bố mẹ em vốn là người gốc Thái Bình lên Lai Châu lập nghiệp từ những năm 1975.
Hiện nay bố mẹ Quỳnh đều đã gần 60 tuổi, sức khỏe kém, lại đều làm nghề nông nên cuộc sống gia đình đều trông vào đồng ruộng.
Được biết, các anh chị của Quỳnh khi đi học đều phải kết hợp vừa đi làm vừa đi học để có thêm chi phí trang trải cho cuộc sống bớt đi nỗi nhọc nhằn cho cha mẹ.
Nhờ những ảnh hưởng đó từ gia đình, chàng trai trẻ luôn tự hứa với bản thân phải nỗ lực không ngừng để vươn lên thoát nghèo.
Nhớ lại những ngày đầu khi trở thành sinh viên, Quỳnh kể: "…nhờ khoản tiền thưởng thủ khoa 10 triệu đồng của Nhà trường mà bước vào năm học đầu tiên, em vững tin hơn để phấn đấu học tập thật tốt…".
Rồi để có tiền cho con ăn học, ngoài việc đồng án, bố mẹ Quỳnh phải trồng rau, làm vườn tới tối muộn mới về và dậy từ 4-5 giờ sáng để gánh rau ra chợ huyện bán.
Quỳnh mong muốn sẽ được về công tác tại tỉnh Lai Châu để được cống hiến sức mình xây dựng quê hương cũng như có điều kiện gần gũi gia đình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Nói về phương pháp học tập của bản thân, Quỳnh cho rằng: Mỗi sinh viên cần lên lớp đầy đủ để lắng nghe bài giảng kết hợp với tìm hiểu thêm tài liệu trên thư viện hoặc mạng Internet.
Và cần phân bổ thời gian hợp lý giữa chơi, học và hoạt động tình nguyện để có thời gian cũng như tinh thần học tập tốt nhất.
“Tập trung cao độ trước mỗi kì thi để hệ thống lại và nắm vững được kiến thức của môn học và quan trọng nhất là học tất cả các môn học bằng một sự say mê, yêu thích thật sự sẽ giúp việc học đạt được hiệu quả cao nhất”, Quỳnh chia sẻ.
Ngoài học tập, Quỳnh đã tham gia vào nhiều hoạt động tình nguyện bởi chàng trai này, muốn được rèn luyện bản thân trong một môi trường năng động, nâng cao hơn các kĩ năng sống và làm việc cũng như muốn có được một thời gian sinh viên ý nghĩa.
Và chính hoạt động tình nguyện đã giúp Quỳnh rất nhiều cho sự phát triển toàn diện của sinh viên các hoạt động đoàn, hội và tình nguyện giúp sinh viên trở nên năng động hơn, hòa nhập hơn tăng cường các kĩ năng sống cần thiết…
Kỉ niệm đáng nhớ nhất mà chàng thủ khoa kép nhớ nhất là những ngày tháng thực tập gian khổ của bọn em tại Vườn quốc gia Cát Bà khi cùng các bạn thực tập tại nơi thiếu thốn, công việc vất vả hàng ngày chỉ được ăn một bữa cơm tối lại phải đi bộ hàng chục cây số trong rừng để điều tra nghiên cứu ở đây.
Tuy vất vả nhưng tình cảm bạn bè cùng nhau vượt khó, gắn bó trở nên thân thiết trong những lúc khó khăn là điều vô cùng đáng nhớ mà đến giờ ai nấy cũng xúc động mỗi khi nhắc đến tên nhau.
Nói về những dự định của mình trong tương lai, Quỳnh mong muốn sẽ được về công tác tại tỉnh Lai Châu để được cống hiến sức mình xây dựng quê hương cũng như có điều kiện gần gũi gia đình.
Dù chưa biết tại địa phương có những chính sách tạo điều kiện cho các thủ khoa hay không nhưng Nguyễn Đức Quỳnh vẫn tin rằng việc chọn lựa về quê để lập thân, lập nghiệp sẽ có ý nghĩa.