Tết về, ngoài chuyện tiền thưởng Tết được nhiều thầy cô quan tâm thì câu chuyện được không ít giáo viên đề cập nhất là “Tết nay đi sếp quà gì?”
Nỗi lo tiền quà biếu sếp
Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi ở không ít địa phương ngay thời điểm này, đang lo lắng, chuẩn bị quà để đi Tết nhà sếp.
Những món quà nặng ân tình (Ảnh minh họa Báo Hà Nội mới) |
Nói lo lắng vì không biết đi quà gì cho sếp vui lòng mà chính mình cũng không phải bỏ ra một số tiền quá sức.
Một vài đồng nghiệp ngoài Thanh Hóa cho biết “Đâu phải đi quà cho mình hiệu trưởng là xong? Hiệu phó, thậm chí cả tổ trưởng chuyên môn cũng phải đủ cả”.
Một số đồng nghiệp đang dạy trên Đăk Nông cũng nói rằng “Cả trường ai cũng đi quà sếp, lẽ nào mình không đi hả chị? Chưa nói đến vụ sếp của trường em còn gợi ý cho giáo viên nên đi quà gì nữa đó”.
Các bạn cho biết, giáo viên trên này, đã không có tiền thưởng Tết dù chỉ một đồng, nay phải lo thêm tiền đi Tết quả là gánh nặng.
Nhiều thầy cô giáo không có thu nhập gì thêm, cả tháng chỉ trông chờ vào đồng lương còm. Cuối năm, cũng chỉ có tháng lương cuối cùng sau khi đã trừ đi một số khoản nợ vay cũng chỉ còn lại vài ba triệu đồng lo sắm sửa Tết.
Nhưng trăm thứ phải lo đều nhìn ngó, đều bấu víu vào mấy đồng bạc ít ỏi ấy nên chi tiêu cái gì phải đắn đo dữ lắm.
Đối tượng nào hay đi quà, phong bì trong dịp Tết? |
Có giáo viên buồn rầu nói rằng “Mình bớt chút khẩu phần ăn, phần chi tiêu của cả nhà để mua quà đi biếu sếp cho giống với thiên hạ, cho bản thân mình đỡ khổ, đỡ bị làm khó”.
Rồi bạn kể, có khi đi quà cho sếp cũng đâu có yên.
Bởi thiên hạ đi quà sang, quà đắt tiền còn mình chỉ món quà làng nhàng thì cũng khổ.
Thế nên, không ít giáo viên nơi này, mới nói nhỏ với nhau “đi quà cũng chết mà không đi cũng chết”.
Chúng tôi trong này hầu như không phải lo chuyện đi quà cho sếp
Khác với những đồng nghiệp của mình ở nhiều nơi, giáo viên chúng tôi trong này (cụ thể là thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận) lòng thật nhẹ nhỏm, thanh thản vì không phải mang nỗi lo “Đi quà cho sếp” vào mỗi dịp Tết.
Bởi, gần như trong những trường học nơi đây, giáo viên không có thói quen, cũng chẳng có phong trào đi quà cho lãnh đạo nhà trường.
Đã không đi quà cho sếp, nhiều khi chúng tôi cũng chẳng đến nhà chúc Tết sếp luôn. Thế mà chẳng ai bị làm khó vì điều này.
Có hiệu trưởng cho biết “Vậy cho tâm hồn thanh thản. Nhận quà của người trây lười, bê trễ cũng khó làm việc lắm thay”.
Lại có hiệu trưởng vì sợ cảnh giáo viên mang quà đến biếu và nhọc công giằng qua trả về nên ghi luôn lên bảng tin nhà trường “Không nhận quà biếu tặng dịp Tết”.
Tết đến, cấp trên đừng có "tranh thủ" cấp dưới, cấm biếu quà lãnh đạo |
Động thái này cũng bị một số giáo viên phản ứng. Bởi, có thầy cô biếu quà Tết không mang mục đích nịnh nọt lấy lòng, không mong được sếp du di ưu ái…
Bởi, họ luôn là giáo viên dạy tốt, năng nổ trong mọi hoạt động. Món quà ấy chỉ đơn giản là món quà nghĩa tình, quà ơn nghĩa vì chính họ trước đó đã nhận được sự giúp đỡ rất chân tình từ sếp.
Người viết bài cũng đã có không ít lần cùng đồng nghiệp mang quà biếu sếp và chúng tôi gọi đó là món quà nặng ân tình.
Người biếu tự nguyện mà không hề bị áp lực nào chi phối. Người nhận cũng vui vì họ chẳng lo phải ưu ái người biếu thế nào khi chính họ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Và ngay cả bây giờ, sếp của chúng tôi đã về hưu hay chuyển trường khác, chúng tôi vẫn thường xuyên đến thăm, có khi tặng quà (một món quà nho nhỏ) nhưng mang đậm nghĩa tình như thế, sao có thể cấm đoán được?