Tổng chủ biên chương trình 2018 nên đăng đàn nói về môn tích hợp để GV an lòng

24/10/2022 06:42
NGUYỄN ĐĂNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lúc này, giáo viên đang cần những người “đứng mũi chịu sào” lên tiếng và gỡ rối về những môn tích hợp ở trung học cơ sở.

Bắt đầu từ năm học 2021-2022, ngành Giáo dục triển khai giảng dạy chương trình 2018 ở lớp 6 và năm học 2022-2023 này triển khai ở lớp 7 với một số môn học tích hợp.

Nhiều trường và giáo viên trung học cơ sở gặp khó khăn vì đây là những môn học mới so với các chương trình trước đây.

Chẳng hạn như môn tích hợp Khoa học tự nhiên ở các lớp 6, 7, 8, 9 đều có ba phân môn được sắp xếp tương ứng với kiến thức Vật lý, Sinh học, Hóa theo tỉ lệ từng phân môn cụ thể từng năm.

Đối với lớp 6: Hóa học (20%); Sinh học (38%); Vật lý (32%). Lên đến lớp 7: Hóa học (24%); Vật lý (28%); Sinh học (38%). Ở lớp 8: Hóa học (31%); Vật lý (28%); Sinh học (31%). Lớp 9: Vật lý (30%); Hóa học (31%); Sinh học (29%) và mỗi năm có 140 tiết cho cả 3 phân môn.

Tuy nhiên, dù là môn học tích hợp nhưng các chủ đề thuộc mỗi lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học đều do giáo viên có chuyên môn tương ứng giảng dạy và tất nhiên điểm trung bình bộ môn sẽ do 3 giáo viên dạy đánh giá riêng biệt.

Vậy nên, thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến lên tiếng về những bất cập trong quá trình thực hiện các môn học tích hợp nhưng những chuyên gia là Tổng chủ biên Chương trình môn học, mà đặc biệt là Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất hiếm khi lên tiếng để làm rõ những bất cập nhằm an lòng dân và tạo sự an tâm cho đội ngũ nhà giáo giảng dạy.

Các môn học tích hợp đang tồn tại nhiều bất cập (Ảnh minh họa: Nhật Duy)
Các môn học tích hợp đang tồn tại nhiều bất cập (Ảnh minh họa: Nhật Duy)

Thầy Nguyễn Minh Thuyết khi chưa làm Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã hoài nghi về các môn học tích hợp

Khi bắt đầu manh nha ý tưởng đưa các môn học tích hợp vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục nước ta chưa có chuyên gia tích hợp, các trường sư phạm cũng chưa có khoa đào tạo giáo viên tích hợp.

Chính vì vậy, khi Bộ chủ trương đưa các môn học này vào chương trình mới khiến cho việc chỉ đạo, thực hiện ở các nhà trường trở nên lúng túng, khó khăn.

Điều đáng nói nhất là ngay cả Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng mời đảm nhận nhiệm vụ Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng từng hoài nghi về chủ trương dạy môn học tích hợp trước khi ông đảm nhận cương vị này.

Ngày 19/8/2015, chia sẻ với báo chí, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (khi đó chưa là Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018) đã có những chia sẻ về việc xây dựng các môn học tích hợp ở chương trình 2018.

Thầy Thuyết đã đặt vấn đề như sau: “Ai là người viết sách để chuyển tải được tinh thần “tích hợp”? Bởi vì hiện chúng ta chưa có chuyên gia tích hợp mà chỉ có chuyên gia từng môn học. Làm sao để cuốn sách đúng là sách dạy kiến thức tích hợp có ích cho đời sống, chứ không phải là cuốn sách mang tính tổng hợp, gộp hai - ba môn lại in trong cùng một cuốn sách. Thứ hai là người dạy, vì hiện nay các trường sư phạm vẫn đào tạo giáo viên theo từng môn. Dạy được môn tích hợp, đó là câu chuyện rất khó”. [1]

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm: “Dĩ nhiên để thực hiện điều này, ngay từ lúc này các trường sư phạm sẽ phải thay đổi phương thức đào tạo. Nhưng để thay đổi như vậy phải có nội dung giảng dạy, mà hiện nay nội dung tích hợp chưa có.

Giáo trình dạy tích hợp ở trường sư phạm phải có nội dung cụ thể, chứ không đơn giản là một sinh viên vừa học Lý vừa học Hóa, tự sinh viên đó tổng hợp lại thành một cái gì đó gọi là tích hợp. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, điều cơ sở vật chất của các trường cũng cần tính đến.

Ở các thành phố lớn, sĩ số các lớp học rất đông. Một lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tối đa là 35 em, nhưng thực tế có những lớp học tới 50-60 em, giáo viên khó có thể áp dụng phương pháp dạy học tích cực, rồi lại còn tích hợp liên môn…”. [1]

Những chia sẻ của thầy Thuyết lúc đó nhận được nhiều ý kiến đồng tình của xã hội, nhất là đội ngũ nhà giáo. Bởi, những khó khăn, bất cập khi Bộ chủ trương xây dựng các môn học tích hợp ở chương trình mới là như vậy. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là khi mọi thứ cần thiết để xây dựng môn tích hợp của ngành đều chưa có.

Điều đáng tiếc là sau này, khi thầy Thuyết làm Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cá nhân người viết theo dõi các bài viết mỗi khi chia sẻ với báo chí về các môn học tích hợp, thầy không còn đề cập đến những khó khăn như trước khi đảm nhận công việc này mà chỉ còn là những thuận lợi, ưu điểm.

Không biết rõ người viết không tìm đúng kênh hay thực tế thầy Thuyết không chia sẻ mà người viết tuyệt nhiên, không thấy thầy Thuyết hoài nghi về các môn học tích hợp và thầy Tổng chủ biên chương trình 2018.

Những chia sẻ của thầy Thuyết trước khi làm Tổng chủ biên chương trình 2018 vẫn còn nguyên giá trị

Kể từ năm học 2021-2022 đến nay là giai đoạn mà giáo viên dưới cơ sở rất muốn nghe ý kiến của thầy Tổng chủ biên chương trình 2018 cũng như ý kiến của các thầy là Tổng chủ biên môn học tích hợp trước những bất cập mà giáo viên dưới cơ sở phản ánh.

Bởi lẽ, cấp trung học cơ sở đến thời điểm này vẫn còn ngổn ngang các công việc khi vẫn đang phải bố trí giáo viên dạy theo phân môn đối với những môn học tích hợp vì 1 giáo viên chưa thể cáng đáng được.

Chính vì vậy, điều mà các trường đang phải đối mặt là việc phân công giáo viên giảng dạy, sắp xếp thời khóa biểu mỗi khi đến phân môn khác rất vất vả - họ phải tính toán cho phù hợp với số tiết của môn học, số tiết học sinh học trong tuần.

Nhiều thời điểm, có giáo viên phải dạy vượt quá định mức rất nhiều vì đến phân môn của mình nhưng lại có những lúc thảnh thơi vì không còn dạy phân môn tích hợp đó nữa.

Song, giáo viên dạy nhiều hay ít thì không phải là vấn đề quá lớn vì họ đang dạy theo định mức. Vấn đề đáng lo ngại là chất lượng đối với môn học tích hợp vì một môn học mà có nhiều giáo viên cùng dạy ở các thời điểm khác nhau.

Một môn học mà học sinh có tới 2-3 quyển vở ghi chép, nhưng khi kiểm tra định kỳ thì lại gộp lại với nhau thành một đề, một con điểm và 2-3 giáo viên cùng đảm nhận.

Điều oái oăm nhất là việc đánh giá kết quả học tập của học sinh đối với chương trình mới hiện nay đang được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, mà theo thông tư này, giáo viên vừa cho điểm, vừa phải đánh giá bằng nhận xét.

Việc cho điểm số thì phân chia theo tỉ lệ nhưng nhận xét môn học thì phân chia làm sao? Có em học tốt phân môn Hóa nhưng chắc gì các em học tốt được cả Lý, Sinh và ngược lại, nên khi nhận xét rất khó.

Một giáo viên nhận xét thì không chính xác vì có đến 2-3 phân môn, thậm chí 6 phân môn nhưng nếu tất cả giáo viên cùng nhận xét thì nhận xét ở chỗ nào? Rắc rối vô cùng và thực tế năm học vừa qua thì các trường phân công 1 giáo viên nhận xét và bám vào điểm số của học trò để nhận xét.

Việc bồi dưỡng giáo viên dạy cả môn học tích hợp cũng chưa đâu vào đâu mà nếu bồi dưỡng xong cũng rất khó dạy vì sách giáo khoa đang bố trí các phân môn theo từng phần riêng hoặc chủ đề riêng.

Trong thâm tâm các nhà giáo, họ không sợ vất vả vì họ cũng đã quen thuộc với những đổi mới của ngành nhưng họ vẫn đang cảm thấy băn khoăn, ái ngại khi Bộ chủ trương tích hợp nhiều môn học độc lập thành môn học tích hợp…

Lúc này, nghĩ về những chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trước khi thầy làm Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng tôi nhận thấy rất nhiều điều vẫn nguyên vẹn giá trị.

Chỉ tiếc, thầy Thuyết và các thầy Tổng chủ biên các môn học tích hợp lại không lên tiếng, không chia sẻ gì thêm nữa kể từ khi các môn học tích hợp được giảng dạy.

Có lẽ hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước không có ai phản đối việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thay thế cho chương trình 2006 nhưng ít nhiều họ cảm thấy băn khoăn khi Bộ đưa nhiều môn học tích hợp vào chương trình mới.

Lúc này giáo viên cần những người “đứng mũi chịu sào” lên tiếng và gỡ rối nhưng rồi mọi thứ cứ trôi vào cõi thinh không, gần như không một tiếng trả lời.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/doi-moi-giao-duc-pho-thong-chuyen-gia-mo-xe-tinh-kha-thi-423732.vov

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG