Có hay không việc nhận thức máy móc về “dạy học tích hợp” khi xây dựng chương trình mới?
Năm 2015, khi ngay khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần đầu tiên được công bố, nhiều người đã lên tiếng chất vấn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về vấn đề dạy học theo quan điểm “tích hợp”.
Còn nhớ, khi ấy, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có nêu quan điểm của mình về vấn đề này như sau:
“Theo tôi, việc tích hợp kiến thức có nhiều ưu điểm hơn hạn chế. Nói cho dễ hiểu, tích hợp giống như làm một món ăn. Thay vì dọn riêng món cà rốt sống, hành tây luộc, nước mắm, gia vị, thịt bò xào…, chúng ta xào tất cả với nhau thành một món ăn thì món ăn ấy sẽ đủ chất, đủ vị mà có thể ngon miệng hơn. Sự ngon miệng chỉ kém nếu người nấu kém tài hoặc mỗi người nấu vẫn muốn giữ riêng món độc lập của mình”. [1]
Có thể nói, chủ trương và quan điểm dạy học tích hợp là không sai. Nhưng dạy học tích hợp không thể hiểu một cách máy móc như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết được. [2]
Đến năm 2017, dự thảo chương giáo dục phổ thông tổng thể được công bố lần cuối trước khi chính thức ban hành vào năm 2018, vấn đề dạy học tích hợp cũng như việc biên soạn sách giáo khoa, đào tạo, tập huấn giáo viên dạy các môn học mới một lần nữa được đông đảo thầy cô giáo cùng các chuyên gia giáo dục đặt ra.
Rất nhiều bài viết về chủ đề này đã được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận, phản ánh và đăng tải nhằm góp thêm tiếng nói góp ý, phản biện gửi đến cá nhân Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn và các cộng sự. [3]
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sau đó được chính thức ban hành năm 2018 và từng bước triển khai cho đến nay.
Các môn tích hợp đang được đa số các trường bố trí 2-3 giáo viên cùng giảng dạy. Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn |
...Đến những bất cập trong thực hiện
Hiện tại, dù đã bước sang năm thứ ba thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và bước sang năm thứ hai áp dụng dạy môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở, nhưng vấn đề tổ chức dạy học theo quan điểm tích hợp mà trước đây Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và các cộng sự đã thiết kế đang khiến các thầy cô, học sinh triển khai gặp nhiều bất cập.
Nói cách khác, những lo ngại của các thầy cô giáo trước đây về việc dạy học tích hợp liên quan đến các môn học mới giờ đã hiển hiện trước mắt. Có thể nhận ra những bất cập này ở các biểu hiện sau:
Thứ nhất, trong khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thiết kế và xây dựng các môn học mới theo quan điểm dạy học tích hợp nhưng việc xây dựng và thiết kế chương trình đào tạo giáo viên sư phạm ở đa phần các trường đại học sư phạm trên cả nước hầu như chưa có nhiều thay đổi.
Đến nay, vẫn chưa có giáo viên sư phạm được đào tạo tích hợp mới ra trường để đảm nhiệm các môn tích hợp.
Thứ hai, công tác tập huấn cho các giáo viên để đảm nhận việc dạy các môn học mới theo quan điểm dạy học tích hợp cũng có phần chậm trễ…
Hệ quả là, việc triển khai và phân công giáo viên dạy học các môn học này đang gặp rất nhiều khó khăn, gây “đau đầu” cho Ban giám hiệu các trường phổ thông các cấp.
Ngoài ra, các thầy, cô giáo hiện cũng rất hoang mang vì theo quy định mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên phải tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về “dạy học tích hợp” mới được tham gia giảng dạy các môn học mới. [4]
Ngoài việc nhiều nơi, giáo viên phải tự túc kinh phí tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng các thầy cô giáo cũng rất lo lắng và khổ sở vì những kiến thức nền tảng của các môn học tích hợp (theo chương trình đào tạo giáo viên sư phạm đơn môn trước đây) họ không được học. Với các thầy cô giáo đã lớn tuổi thì việc củng cố và tiếp thu lại càng vất vả hơn.
Quan trọng hơn, liệu rằng, chỉ qua vài buổi bồi dưỡng thì một giáo viên trước đây vốn chỉ dạy Vật Lý hay Sinh học có thể củng cố và nâng cao kiến thức về Hóa học không?
Thứ ba, có thể nói, nhìn vào việc biên soạn nội dung các bộ sách giáo khoa, quan điểm “dạy học tích hợp” được thể hiện rất mờ nhạt.
Trước đây, khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và các cộng sự luôn đề cao quan điểm “dạy “tích hợp theo chủ đề”, “tích hợp liên môn”, “tích hợp xuyên môn”… Thế nhưng theo phản ánh của thầy cô, sách giáo khoa được tổ chức biên soạn đa số đều tách bạch và xé lẻ các phân môn ít thấy sự tích hợp.
Qua tìm hiểu ban đầu, chúng tôi nhận thấy việc biên soạn sách giáo khoa của các môn học như Hoạt động trải nghiệm (lớp 1, lớp 2) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (lớp 10) có nội dung và chủ đề gần như trùng lặp với nội dung ở môn học Đạo đức (lớp 1), Giáo dục công dân (lớp 2) và Giáo dục kinh tế và pháp luật, Giáo dục quốc phòng và an ninh (lớp 10)…
Hay việc biên soạn nội dung sách giáo khoa môn Lịch sử và Địa lý (lớp 6) theo chương trình mới về cơ bản cũng giống như cách biên soạn sách giáo khoa Lịch sử, Địa lý theo chương trình trước đây, chỉ khác là giờ đây chúng được “dồn” chung vào một quyển sách mà thôi.
Tương tự như thế là nội dung sách giáo khoa các môn Khoa học tự nhiên (gồm các phân môn Vật lý, Sinh học, Hóa học), hay tài liệu của môn học Giáo dục địa phương (do các địa phương tự biên soạn và ban hành bao gồm nội dung của các phân môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục công dân…)
Một vấn đề khác, với đối tượng học sinh lớp 1 thì có cần biên soạn sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm hay Giáo dục thể chất rất nặng về lý thuyết suông không?
Các cháu chỉ mới tập đọc, tập viết thì làm sao mà vừa đọc các bộ sách giáo khoa này vừa thực hành theo? Tại sao không lồng ghép, “tích hợp liên môn”, “xuyên môn” để dạy cùng với các chủ đề trong sách giáo khoa Đạo đức hay sách giáo khoa Tiếng Việt?
Thay lời kết
Từ những bất cập trên, người viết cho rằng, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết với tư cách của một Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cần lên tiếng.
Cụ thể là vai trò tham mưu, tham vấn, đề xuất liên quan đến các vấn đề như: thiết kế và xây dựng các môn học mới theo quan điểm “dạy học tích hợp”; tổ chức biên soạn các bộ sách giáo khoa mà bản thân ông cũng tham gia với tư cách Tổng chủ biên kiêm chủ biên; hay vạch ra lộ trình, kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng, đặc biệt là vấn đề đào tạo giáo viên sư phạm nhằm thích ứng với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thời gian qua.
Trước nhiều than phiền về môn tích hợp thời gian qua, giáo viên cả nước cũng mong GS Thuyết và các cộng sự sẽ lên tiếng trao đổi lại các nội dung được phản ánh để dư luận, giáo viên hiểu các bất cập này có thể gỡ được không và gỡ thế nào?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/viec-len-tieng-mon-lich-su-bi-khai-tu-la-phan-ung-qua-voi-vang-20151116231305383.htm
[2] https://giaoduc.net.vn/3-thay-1-sach-va-nguy-co-tich-hop-thit-cho-nuoc-che-post179022.gd
[3] https://giaoduc.net.vn/tich-hop-1-sach-3-thay-ban-soan-thao-cang-ngay-cang-roi-post178817.gd
[4] https://giaoduc.net.vn/gv-khong-co-chung-chi-tich-hop-khong-duoc-bo-tri-giang-day-co-trai-luat-gd-post229219.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.