Giáo viên đang trực tiếp dạy môn tích hợp: "Thực sự chúng tôi đang rất khổ!"

15/10/2022 06:53
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên dạy môn tích hợp đang quay cuồng với sự thay đổi của chương trình cũng như việc sắp xếp thời khoá biểu, kiểm tra và đánh giá học sinh.

Năm học 2022 – 2023 là năm thứ hai cấp trung học cơ sở thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Dù đã có 1 năm kinh nghiệm triển khai đối với khối lớp 6 nhưng đến năm học này, các trường vẫn không khỏi loay hoay trong việc bố trí giáo viên dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên (gồm 3 phân môn Vật lý, Hoá học, Sinh học); Lịch sử và Địa lí (gồm 2 phân môn Lịch sử và Địa Lí) đối với lớp 7.

Không riêng các nhà trường khó khăn trong việc bố trí đội ngũ mà người trực tiếp thực hiện giảng dạy môn tích hợp là giáo viên cũng vấp phải không ít khó khăn.

Khi bước sang năm thứ 2 triển khai dạy học môn tích hợp, nhiều giáo viên đang dạy môn tích hợp Lịch sử và Địa lí chia sẻ bản thân đang xoay sở với một số điểm trùng lặp, bất cập trong nội dung chương trình, với việc sắp xếp thời khoá biểu, chất lượng giảng dạy cũng như việc kiểm tra, đánh giá học sinh.

Cô P.N.T, giáo viên môn Lịch sử của một trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hải Phòng chia sẻ: “Thực chất môn học này là 2 phân môn khác nhau được ghép lại trong một quyển sách với nửa đầu là môn Lịch sử và nửa sau là môn Địa lí nhưng quá trình thực hiện chương trình lại yêu cầu giảng dạy song song vì lý do có những nội dung của môn Lịch sử liên quan đến Địa lí.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng chỉ có một số nội dung liên quan đến nhau và chương trình còn có sự trùng lặp kiến thức giữa 2 phân môn được tích hợp thể hiện trong các chủ đề “Các cuộc phát kiến địa lí” và “Đô thị lịch sử và hiện tại”.

Ví dụ trong chủ đề “Các cuộc phát kiến địa lí” của môn Địa lí có một số nội dung liên quan đến Lịch sử nhưng đồng thời có sự trùng lặp tương tự ở chương trình phân môn Lịch sử.

Ở 2 phân môn đều thể hiện được việc trình bày các cuộc phát kiến địa lí, tác động và hệ quả của các cuộc phát kiến đến kinh tế, xã hội; chứng minh được trái đất hình tròn, khám phá những vùng đất mới, con đường mới mở ra thời kỳ toàn cầu hoá về sự trao đổi văn hoá, cây trồng, vật nuôi giữa các châu lục;…

Đó là tác động hay hệ quả tích cực ở trong phân môn Lịch sử mà chủ đề này đã nêu. Tuy nhiên, lại có những kiến thức trùng lặp với phân môn Lịch sử ở bài 2 bộ sách Chân trời sáng tạo và Cánh diều.

Vấn đề thứ hai là việc chuẩn bị bài của học sinh, hai phân môn khác nhau mà lại dạy song song nên có trường yêu cầu học sinh phải sử dụng quyển vở khác nhau, có trường yêu cầu dùng 1 quyển vở nhưng nửa đầu ghi phân môn Lịch sử, nửa sau ghi môn Địa lí.

Từ đó, dẫn đến tình trạng học sinh mang nhầm vở hoặc ghi nhầm nội dung phân môn.

Thứ ba là việc xây dựng phân phối chương trình và trao quyền chủ động cho các nhà trường. Hiện tại, hai phân môn này song song với thời lượng 3 tiết/tuần.

Như vậy mỗi môn 1,5 tiết/tuần nên có trường xây dựng đảo Lịch sử và Địa lí sau 1 tuần, trường thì sau 2 tuần, có trường sau 4 tuần".

Các thầy cô quay cuồng chạy theo các yêu cầu của môn học tích hợp (Ảnh minh hoạ: NXBGDVN)

Các thầy cô quay cuồng chạy theo các yêu cầu của môn học tích hợp (Ảnh minh hoạ: NXBGDVN)

Cô giáo T.N chia sẻ thêm: "Về xây dựng và phối chương trình, giáo viên đã chuẩn bị xong từ tháng 8 nhưng khi thực hiện chuyển đổi số, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng yêu cầu các trường đưa kế hoạch giáo dục, kế hoạch thực hiện các hoạt động giáo dục và đặc biệt là phân phối chương trình của cá nhân lên “app ôn luyện”.

Tôi rất tán đồng với chủ trương chuyển đổi số nhưng bất cập ở đây là phân phối chương trình đã được lập trình sẵn dạng file excel có mặc định tên bài, số tiết (thứ tự sắp xếp từ nhỏ đến lớn cách nhau bởi một dấu gạch ngang), tuần dạy dự kiến (nếu một bài có nhiều tuần thì cách nhau bởi dấu phẩy).

Nhưng vì hai phân môn khác nhau mà chạy song song nên tiết thứ tự của môn Lịch sử, Địa lý khác nhau.

Như ở trường tôi, tôi sắp xếp môn Lịch sử là 53 tiết (từ thứ tự tiết số 1 đến 53) và Địa lý từ tiết thứ 54 đến 105. Nhưng khi sắp xếp như thế và đưa lên thì hệ thống không nhận.

Buộc chúng tôi phải chuyển sang cách thứ 2 là tách 2 file excel nhưng khi đưa lên thì hệ thống nhận nhưng nhà trường không đồng ý vì như thế là tách ra thành 2 môn khác nhau chứ không phải môn Lịch sử và Địa lý nữa.

Theo đó, chúng tôi lại phải tìm cách thứ 3 là chọn môn Lịch sử và Địa lý. Ví dụ, tuần 1 (tiết 1, 2 là Lịch sử; tiết 3 là Địa lý), tuần 2 (tiết 4 Lịch sử, tiết 5 Địa lý).

Ngoài ra, về kiểm tra đánh giá, hai nội dung khác nhau nhưng một đề kiểm tra với tỷ lệ 50/50, Lịch sử riêng, Địa lý riêng. Điều này rất khó cho cả ban giám hiệu và giáo viên bộ môn”.

Cô giáo T.N nhấn mạnh: “Tôi mong các cấp hãy tháo gỡ những khó khăn, bất cập, hạn chế của môn Lịch sử và Địa lý.

Chúng tôi hiện tại đang rất khó khăn khi thực hiện chương trình ghép 2 môn Lịch sử và Địa lý lại với nhau. Thực sự chúng tôi đang rất khổ!”.

Phạm Linh