Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông (ảnh tư liệu) |
Trang mạng "Nam Hoa buổi sáng" Hồng Kông ngày 27 tháng 7 có bài viết cho rằng, Trung Quốc thất bại trong chiến tranh Giáp Ngọ và đổ lỗi điều này cho sự rối loạn về tổ chức hải quân.
Mặc dù về hỏa lực, thủy quân Bắc Dương (Trung Quốc) và Hải quân Nhật Bản thời kỳ Minh Trị ngang nhau, nhưng do giữa các lực lượng thiếu phối hợp, thủy quân Bắc Dương bị tiêu diệt hoàn toàn.
Có nhà phân tích cho rằng, đến nay, tuy Hải quân Nhật Bản có thể chiếm ưu thế chất lượng so với Hải quân Trung Quốc, nhưng Hải quân Trung Quốc đang nỗ lực đuổi theo.
Theo bài báo, đơn thuần về nhân lực, Trung Quốc chiếm thượng phong, binh lực hải quân của Trung Quốc là 235.000 quân, gấp trên 5 lần Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Nhưng, chuyên gia quân sự Macao Hoàng Đông cho rằng, mấy chục năm qua, Hải quân Nhật Bản luôn được huấn luyện chiến lược chiến tranh hiện đại, đồng thời cùng huấn luyện với các quân đội khác nhau.
Trung Quốc ưu tiên triển khai tàu chiến mới ở Biển Đông. Trong hình là tàu hộ vệ tên lửa Hoàng Sơn Type 054A, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
Hoàng Đông nói: "Quân đội Trung Quốc vẫn đang nghiên cứu triển khai hành động liên hợp, có thể sẽ để cho các hệ thống vũ khí khác nhau hòa nhập trong phương thức mới".
Hoàng Đông còn cho rằng, về tàu ngầm, Nhật Bản chiếm ưu thế. Quân đội Trung Quốc hiện nay sở hữu các loại tàu ngầm (trong đó có rất nhiều là loại cũ) bị dư luận phương Tây cho là "tiếng ồn quá lớn, quá dễ bị phát hiện", trong khi đó Nhật Bản sở hữu nhiều tàu ngầm diesel-điện có công nghệ tiên tiến nhất thế giới.
Phó giáo sư Toshi Yoshihara, Học viện quân sự hải quân Mỹ cho rằng, tuy về tính tiên tiến công nghệ và kinh nghiệm, Hải quân Nhật Bản vẫn chiếm ưu thế, nhưng Trung Quốc đang nhanh chóng đuổi kịp.
Toshi Yoshihara nói: "Trên phương diện chế tạo vũ khí, Trung Quốc trên thực tế đang vượt qua Nhật Bản toàn diện".
Tháng 3 năm 2013, biên đội cơ động liên hợp, Hạm đội Nam Hải tập trận trên Biển Đông |
Ông cho rằng, Hải quân Trung Quốc đang triển khai tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu tên lửa và tàu ngầm hiện đại, "Nhật Bản đã gặp phiền phức trên phương diện đuổi theo tốc độ sản xuất của Trung Quốc".
Toshi Yoshihara cho rằng, do Trung Quốc đưa vào sản xuất nhiều tàu chiến như vậy, làm cho quy mô tàu chiến của họ lớn hơn, bố trí cân bằng hơn, Nhật Bản đã không còn có thể dựa vào ưu thế chất lượng của họ.
Phó giáo sư Lyle J Goldstein, Viện nghiên cứu vận tải biển Trung Quốc, Học viện quân sự hải quân Mỹ cho rằng, Trung Quốc đến nay có lẽ đã chiếm ưu thế.
Lyle J Goldstein nói: "Theo tôi, quân đội hai nước hiện nay đã thế lực ngang nhau, hơn nữa, trong những năm gần đây, Trung Quốc có thể thậm chí vượt lên trước".
Hoàng Đông cho rằng: "Do Bắc Kinh coi tăng cường chi tiêu quốc phòng là vấn đề cân nhắc ưu tiên, khoảng cách giữa sức mạnh quân sự hai nước đã thu nhỏ, đặc biệt là về phần cứng".
Tàu tiếp tế tổng hợp Thiên Đảo Hồ, Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc trong diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2014 |
Trang mạng BBC Anh ngày 25 tháng 7 cũng có bài viết cho rằng, Trung Quốc đang tổ chức hoạt động kỷ niệm chiến tranh Giáp Ngọ rầm rộ, dùng truyền thông để kêu gọi tăng cường sức mạnh hải quân.
Trên tờ “Nhân Dân nhật báo” Trung Quốc đã đăng bài viết của nhà nghiên cứu Trương Quân Xã, Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc cho rằng: “Hiện nay, mối đe dọa an ninh của Trung Quốc chủ yếu đến từ biển.
Chúng ta (Trung Quốc) cần xây dựng sức mạnh to lớn trên biển lấy hải quân làm lực lượng cơ bản, nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, để bi kịch chiến tranh Giáp Ngọ không còn tái diễn”.
Các phương tiện truyền thông đặc biệt nhấn mạnh rút ra bài học lịch sử từ chiến tranh Giáp Ngọ để tập trung kêu gọi tăng cường hiện đại hóa hải quân. Trên thực tế, bối cảnh của những lời kêu gọi này là Trung Quốc đang thực hiện chính sách xây dựng “cường quốc biển”.
Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản thông qua chiến tranh Giáp Ngọ cướp đi đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là đảo Senkaku). Ngoài ra, Trung Quốc còn nhảy vào đòi cướp biển đảo của Việt Nam, Philippines, nên đây cũng là nguyên nhân mà báo chí Trung Quốc kêu gọi đầu tư cho hải quân – một lực lượng dùng để xâm lược các hòn đảo và vùng biển trên Biển Đông trong tương lai.
Trung Quốc cho tàu chiến, máy bay quân sự vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam hỗ trợ cho giàn khoan 981 cắm phi pháp, khoan thăm dò dầu khí - chẳng khác nào một hành vi xâm lược; hơn nữa còn cho tàu đâm chìm tàu cá, định đâm chìm tàu chấp pháp của Việt Nam tại vùng biển chủ quyên của Việt Nam... - chẳng khác nào một hành vi khủng bố, cướp biển nhà nước. |
Theo bài báo, Chính phủ Trung Quốc đang lợi dụng cơ hội kỷ niệm chiến tranh Giáp Ngọ để thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận đối với tầm quan trọng của “quyền lợi biển”.
Đúng là, các nước xung quanh sẽ không phàn nàn với Trung Quốc khi họ xây dựng cường quốc biển, thực hiện quyền lợi chủ quyền, kinh tế… trên biển theo luật pháp quốc tế.
Nhưng, trên thực tế, Việt Nam và các nước cần phải luôn cảnh giác, đề phòng và kiên quyết hành động ứng phó với Trung Quốc, vì Trung Quốc có lòng tham vô độ, mưu mô đen tối, muốn biến tất cả các hòn đảo và vùng biển liên quan trong “đường lưỡi bò” trên Biển Đông của Việt Nam và các nước xung quanh thành của họ. Họ đang dốc sức hiện thực hóa cuồng vọng đó.