Diễn tập hải quân đa quốc gia "Vành đai Thái Bình Dương" (ảnh tư liệu) |
Tờ "The Stars and Stripes" Mỹ ngày 16 tháng 4 đã khái quát đặc điểm lớn nhất của cuộc diễn tập liên hợp đa quốc gia "Vành đai Thái Bình Dương" (RIMPAC) năm 2014, đó là "Trung Quốc tham gia, Nga rút lui".
Bài báo tiết lộ, Hải quân Trung Quốc sẽ cử tàu bệnh viện Hòa Bình Phương Châu, tàu khu trục và tàu hộ vệ lần đầu tiên tham gia diễn tập, khi diễn tập tàu chiến Trung Quốc sẽ còn tránh để Mỹ trực tiếp chỉ huy.
Theo bài báo, cuộc diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương" lần này sẽ là một cuộc diễn tập có quy mô lớn nhất kể từ năm 1971 đến nay, 25.000 người đến từ 23 quốc gia sẽ tham gia các nội dung diễn tập quân sự như bắn đạn thật, chống khủng bố trên biển.
Từ ngày 7 đến ngày 17 tháng 4, các nước tham gia diễn tập tổ chức một hội nghị chuẩn bị cuối cùng tại Mỹ, đồng thời đệ trình danh sách tàu chiến chuẩn bị tham gia diễn tập, tình hình chi tiết sẽ được công bố vào tháng tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc trong một chuyến thăm Mỹ vào tháng 8 năm 2013 |
Bài báo tiết lộ, Hải quân Trung Quốc sẽ cử 1 tàu khu trục, 1 tàu hộ vệ và tàu bệnh viện Hòa Bình Phương Châu. Bài báo nhấn mạnh, tàu Hòa Bình Phương Châu đã có vai trò nổi bật trên phương diện cứu trợ nhân đạo và cứu nạn, vì vậy đối với giao lưu quân sự Trung-Mỹ, nó tham gia diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương" có ý nghĩa thực tiễn và giá trị chiến lược.
Bài báo còn dẫn truyền thông Australia tiết lộ, Trung Quốc yêu cầu phân đội tàu chiến tham gia diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương" khi cần thiết tham diễn dưới sự chỉ huy của Quân đội Australia, chứ không phải do Quân đội Mỹ trực tiếp chỉ huy. Một quan chức Mỹ tiết lộ: "Quân đội Mỹ đã đồng ý với lời đề nghị này".
Tuy nhiên, chủ tịch Trung tâm diễn đàn Thái Bình Dương nghiên cứu về chiến lược và quốc tế ở Honolulu là Ralph Cossa khẳng định: “Nhưng, vào cuối ngày, chỉ huy chung của RIMPAC vẫn là một người Mỹ”.
Hai năm nước (2012), diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương” đã thu hút 22 quốc gia với 25.000 người, hơn 40 tàu chiến và tàu ngầm, hơn 200 máy bay tham dự, địa điểm diễn tập ở xung quanh quần đảo Hawaii.
Tàu bệnh viện Hòa Bình Phương Châu của Hải quân Trung Quốc |
Theo bài báo, Hải quân Trung Quốc thiếu kinh nghiệm thực tiễn tham gia diễn tập trên biển liên hợp đa quốc gia, gia nhập vào đội ngũ do Hải quân Australia chỉ huy có lợi cho Hải quân Trung Quốc tích lũy nhiều kinh nghiệm diễn tập hơn.
Phóng viên tờ "Thời báo Hoàn Cầu" ngày 17 tháng 4 dẫn nguồn tin từ Trung Quốc cho biết, trong diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương", tàu chiến các nước sẽ phân làm nhiều biên đội tiến hành diễn tập, mỗi biên đội đều sẽ cử tàu chỉ huy, bất kể tàu chiến nước nào làm tàu chỉ huy đều là sự "sắp xếp bình thường".
Hiện nay, nội dung do truyền thông Mỹ đưa tin còn chưa được xác nhận, Quân đội Trung Quốc sẽ lựa chọn thời cơ thích hợp để công bố tình hình tham gia diễn tập cụ thể.
Đô đốc Harry B. Harris, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, sự tham gia cuộc diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương 2014” của Trung Quốc là một cột mốc quan trọng.
Ông bày tỏ mối quan ngại về các hoạt động hung hăng của Quân đội Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc thiếu minh bạch và có các hành động ngày càng cứng rắn ở Biển Đông và Hoa Đông.
Tàu khu trục Hải quân Trung Quốc (ảnh minh họa) |
Đô đốc Harry B. Harris nói thêm rằng, những hành động này của Trung Quốc đã bị các nước láng giềng phản đối, các nỗ lực làm thay đổi hiện trạng của Trung Quốc đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của khu vực. “Mỹ hoan nghênh sự nổi lên của một Trung Quốc thịnh vượng, đóng góp tích cực cho sự ổn định của châu Á”.
Harris nói, vì lợi ích tốt nhất của nhau, Mỹ và Trung Quốc cần quản lý va chạm và ngăn chặn những hiểu lầm trên biển. Diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương” cũng là một công cụ để làm điều đó.
Trang mạng “Đài tiếng nói nước Nga” dẫn bài viết trên tờ “Sydney Morning Herald” Australia vào đầu tháng 4 cũng cho biết, Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu để cho Australia chỉ huy khi họ tham gia diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương 2014”.
Theo bài báo, cuộc diễn tập hải quân đa quốc gia này có quy mô lớn nhất trong lịch sử, do Mỹ tổ chức, diễn ra vào tháng 7 năm 2014 (từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8), tại vùng biển quần đảo Hawaii.
Tàu hộ vệ tên lửa của Hải quân Trung Quốc (ảnh minh họa) |
Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston không bình luận về yêu cầu của Trung Quốc, nhưng bày tỏ hoan nghênh Trung Quốc tham gia diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương 2014”. Ông cho biết: “Trung Quốc đóng vai trò trung tâm trong việc bảo đảm ổn định khu vực. Chúng tôi hoan nghênh đóng góp tích cực của Trung Quốc, đồng thời trông đợi tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy minh bạch và lòng tin ở khu vực”.
Cho đến nay, Trung Quốc tham gia rất ít các cuộc diễn tập quốc tế. Năm 2014, Quân đội Trung Quốc sẽ lần đầu tiên tham gia cuộc diễn tập do lực lượng vũ trang các nước phương Tây chỉ huy. Năm 2012, Australia đã lãnh đạo một bộ phận diễn tập trên biển, dưới sự chỉ huy của họ có hơn 40 tàu chiến và 6 tàu ngầm.
Theo bài báo, hiện còn chưa rõ ngoài Mỹ thì có những nước nào sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc diễn tập năm 2014. Được biết, Nhật Bản – đối thủ truyền thống của Trung Quốc cũng sẽ tham gia cuộc diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương 2014”.
Báo Australia cho biết, năm 2013, Thủ tướng Australia Abbott tuyên bố, Nhật Bản là “người bạn tốt nhất ở châu Á” của Australia và là “đồng minh” của Australia.
Ngoài ra, khi Trung Quốc tuyên bố lập Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông, Chính phủ Australia từng triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Australia để phản đối, khiến Trung Quốc rất tức giận, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã trực tiếp công khai chỉ trích.
Diễn tập hải quân đa quốc gia "Vành đai Thái Bình Dương 2012" do Mỹ tổ chức, có sự tham gia của 22 quốc gia |