Trải nghiệm tự nguyện được giảm tiết học: Nhiều lãnh đạo THPT thấy cách làm "lạ"

11/04/2025 09:16
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Lãnh đạo nhiều trường trung học phổ thông cho rằng, việc giảm trừ số tiết của HĐTNHN với học sinh tham gia trải nghiệm tự nguyện là không hợp lý.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết đề cập đến việc thực hiện giảm trừ tiết học của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với học sinh đăng ký tham gia các hoạt động trải nghiệm tự nguyện. Sự việc được các phụ huynh tại Trường THCS&THPT Long Bình thuộc tỉnh Tiền Giang phản ánh.

Sau bài viết, vừa qua đã có nhiều độc giả gửi thư về tòa soạn bày tỏ băn khoăn về vấn đề này. Trong đó nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại việc này sẽ tạo ra sự bất công trong giáo dục giữa học sinh có điều kiện và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, tạo ra sự xáo trộn về nội dung chương trình học khi số tiết học chính khóa bị ngắt quãng, ảnh hưởng đến chất lượng môn học.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang cho rằng, đây là cách làm "lạ".

"Tôi công tác và làm công tác quản lý trong ngành giáo dục đã nhiều năm nhưng chưa từng thấy trường học nào làm như vậy.

Bởi lẽ, nếu tính tiết trong chương trình của một môn học thì nó phải được xây dựng từ đầu năm và được phê duyệt. Trong chương trình được phê duyệt đó thì nội dung học phải nêu cụ thể là gì và có sự phân công thống nhất. Không phải cứ đi trải nghiệm tự nguyện xong lại lấy đó để quy đổi với số tiết học của môn học chính khóa bắt buộc. Làm gì có quy định nào cho quy đổi số tiết học như vậy", lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang cho hay.

thầy Bắc.jpg
Thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NTCC

Cũng theo thầy Bắc, đã là tiết học với một chương trình chính khóa thì nó phải được phân phối theo thời lượng năm học và được sự phê duyệt của cơ quan quản lý. Đặc biệt, với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nó là một môn học bắt buộc nên số tiết học được cụ thể thành hàng tuần, hàng tháng và áp dụng với toàn bộ học sinh trong trường.

Qua đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh việc: "Đã gọi là trải nghiệm tự nguyện thì chỉ đơn thuần là hoạt động giáo dục kỹ năng sống để bổ sung cho học sinh chứ không coi đó là môn học. Hơn nữa, nếu không có kế hoạch và kịch bản cụ thể của chuyến đi thì các nội dung sẽ thực hiện đối với trải nghiệm tự nguyện chỉ giống như một chuyến đi dã ngoại, tổ chức đi chơi, xả stress cho học sinh.

Vì thế, tính chất và nội dung truyền tải trong các chuyến đi tự nguyện đó nó không thể bằng ngang với các tiết học có tính chất bắt buộc được cơ quan quản lý phê duyệt được. Rõ ràng đây là hai hoạt động khác nhau hoàn toàn, không thể giảm trừ sang cho nhau như vậy được.

Nếu đã là hoạt động tự nguyện mà vẫn được giảm trừ số tiết của môn học bắt buộc thì những học sinh không có tiền tham gia sẽ ra sao? Điều này không chỉ tác động đến tâm lý học sinh, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn mà nó còn tạo ra độ "vênh" trong chương trình học của học sinh".

Chia sẻ về cách làm của nhà trường trong việc xây dựng chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp để đảm bảo việc học sinh vừa tiếp thu tốt kiến thức vừa không làm ảnh hưởng đến mục đích tốt đẹp mà môn học này, thầy Bắc cho rằng, các tiết học phải phù hợp với từng đối tượng học sinh. Trong đó, nếu tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ngoài nhà trường thì cần bám sát vào các chương trình khung đã được cấp trên phê duyệt từ đầu năm học.

"Khi xây dựng kế hoạch của môn học này cũng cần căn cứ vào yếu tố phù hợp với từng đối tượng học sinh. Nghĩa là các khối lớp khác nhau sẽ có chương trình khác nhau để không tạo ra sự chồng chéo hoặc trùng lắp. Quan trọng nhất là thông qua mỗi chuyến đi, mỗi học sinh phải tích lũy được các yếu tố cần thiết mà môn học này hướng đến", thầy Bắc cho hay.

Cùng quan điểm về vấn đề này, cô Vũ Thị Nụ - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế (Hà Nội) cho rằng, theo quy định, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có 105 tiết/ năm học, bao gồm một số tiết trải nghiệm thực tế.

Qua đó, nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế theo đúng quy định và đã được phê duyệt và nội dung chương trình thì học sinh tham gia cũng là đang học các tiết học trong kế hoạch giáo dục.

Việc thực hiện các hoạt động trải nghiệm thực tế là dựa trên các kế hoạch được xây dựng từ đầu năm học, khác với các hoạt động trải nghiệm tự nguyện nên việc miễn trừ các tiết học của môn học bắt buộc dựa trên căn cứ là học sinh đó đã tham gia trải nghiệm tự nguyện là không hợp lý.

Cũng theo lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế, cách bố trí các buổi trải nghiệm thực tế để đảm bảo yêu cầu mỗi học sinh tham gia hoạt động đó được coi là đang học các tiết của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thì ngoài việc tổ chức tập trung, các học sinh đều phải tham gia thì nội dung phải tuân thủ theo đúng quy định.

"Theo Công văn 5636/BGD ĐT-GDTrH ngày 10/10/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc xây dựng thời khóa biểu hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bảo đảm sự linh hoạt sao cho mỗi chủ đề được tổ chức thực hiện trong một khoảng thời gian phù hợp với kế hoạch của giáo viên trong thời gian đó.

Quá trình trải nghiệm có thể là hoạt động của cá nhân, nhóm nhỏ hoặc nhóm lớn, ở các không gian khác nhau trong và ngoài lớp học, trong và ngoài nhà trường tùy theo nội dung và tính chất của hoạt động.

Mỗi nhà trường sẽ xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình, thực hiện linh hoạt các văn bản chỉ đạo.

Phương thức tổ chức các buổi trải nghiệm thực tế là một trong rất nhiều phương thức tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm thế giới tự nhiên, thực tế cuộc sống và công việc, phát hiện vấn đề từ môi trường xung quanh, bồi dưỡng những cảm xúc tích cực và tình yêu quê hương đất nước", cô Nụ chia sẻ.

Cô Nụ.jpg
Cô Vũ Thị Nụ - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế (Hà Nội). Ảnh: maihacde.edu.vn

Liên quan đến nội dung này, Phó Hiệu trưởng của một trường trung học phổ thông công lập tại tỉnh Nghệ An cũng đã bày tỏ một số quan điểm.

Theo vị Phó Hiệu trưởng này, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thiết kế với một số tiết trải nghiệm thực tế ngoài nhà trường đan xen với tiết học trong trường để tránh tạo ra sự nhàm chán của học sinh với môn học.

Vì thế, vị này cho rằng đa phần học sinh rất hứng thú với các tiết học ngoài nhà trường nên có thể một số nhà trường đã lợi dụng điều này làm "biến tướng" hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Vị này cho hay: "Khi xây dựng kế hoạch môn học từ đầu năm học, nếu muốn tổ chức các tiết học trải nghiệm thực tế ngoài nhà trường thì cần có sự thống nhất với cha mẹ học sinh để lựa chọn nội dung và địa điểm trải nghiệm để trình cấp quản lý phê duyệt.

Vì thế, nếu chỉ áp dụng phương pháp "miễn trừ" tiết học từ việc các học sinh bỏ tiền tham gia các hoạt động trải nghiệm tự nguyện như vậy có thể gây xáo trộn nội dung chương trình học. Thậm chí, với các đối tượng được miễn trừ số tiết học đó có thể bị rỗng kiến thức môn học nếu các tiết học được miễn trừ đó có nội dung định hướng nghề nghiệp".

Qua đó, vị Phó Hiệu trưởng này cho rằng, nếu trường học nào đang áp dụng cách giảm trừ tiết học đối với học sinh tham gia trải nghiệm tự nguyện như vậy cần được cơ quan quản lý xem xét cụ thể.

Vị này nhấn mạnh: "Cách làm của nhà trường về việc miễn trừ tiết học của môn học bắt buộc mà chỉ cần đóng tiền để tham gia các buổi trải nghiệm tự nguyện không khỏi khiến cho nhiều người đặt ra các nghi vấn tiêu cực.

Trong đó, nghi vấn lớn nhất là việc có phải nhà trường đang dùng hình thức miễn trừ tiết học để "kích thích" nhu cầu đăng ký tham gia của học sinh với hoạt động trải nghiệm hay không?

Việc này cần được cơ quan quản lý sớm làm rõ để đảm bảo tất cả các học sinh trong trường đều được học tập như nhau. Đồng thời, đảm bảo thực hiện được mục đích mà hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đang hướng tới".

Trung Dũng