EAUT tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo ứng dụng khóa đầu tiên có gì đặc biệt?

14/04/2025 06:51
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Năm 2025, Trường ĐH Công nghệ Đông Á tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng với chương trình đào tạo bài bản, chất lượng gắn với thực tiễn.

Hiện nay, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo - AI đang được áp dụng vào nhiều hoạt động sản xuất, thay thế sức lao động của con người. Để làm chủ và phát triển công nghệ AI, đòi hỏi cần có những kỹ sư, chuyên gia với trình độ chuyên môn cao.

Nhiều trường đại học cũng đang chạy đua đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng để cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường.

Năm 2025, Trường Đại học Công nghệ Đông Á bắt đầu tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng.

Để tìm hiểu về những sự chuẩn bị về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất... của nhà trường khi mở ngành học trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Ths. Lê Trung Thực - Trưởng Bộ môn Công nghệ phần mềm, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Công nghệ Đông Á.

Phóng viên: Thầy vui lòng chia sẻ về việc nhà trường mở ngành đào tạo Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng, khi công nghệ AI bùng nổ trong mọi lĩnh vực?

Thạc sĩ Lê Trung Thực: Việc nhà trường mở ngành Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng bắt nguồn từ nhu cầu cấp thiết trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ số, khoa học dữ liệu và AI.

Nhận thấy xu thế toàn cầu và định hướng phát triển của quốc gia trong việc chuyển đổi số, nhà trường đã chủ động nghiên cứu, xây dựng đề án mở ngành Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động.

Năm 2024, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp khảo sát thị trường lao động, tham khảo các chương trình đào tạo tiên tiến trong và ngoài nước. Đồng thời tham khảo ý kiến từ chuyên gia, doanh nghiệp để đảm bảo nội dung đào tạo sát với thực tiễn.

Sau đó, Khoa Công nghệ thông tin thiết kế chương trình, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi như Học máy, Xử lý dữ liệu lớn và ứng dụng các mô hình, công cụ AI hiện đại, kết hợp với các dự án thực hành để sinh viên có thể phát triển kỹ năng ngay từ đầu.

Năm 2025, nhà trường triển khai tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng.

Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của AI, Trường Đại học Công nghệ Đông Á tin rằng, chương trình đào tạo ngành học này sẽ sớm trở thành một điểm sáng trong đào tạo công nghệ, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành AI tại Việt Nam.

tri-tue-nhan-tao-ung-dung-truong-dai-hoc-cong-nghe-dong-a-02-768x512.png
Năm 2025, Trường Đại học Công nghệ Đông Á tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng. (Ảnh: website nhà trường)

Phóng viên: Thí sinh đang có mong muốn lựa chọn ngành Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng, cần chuẩn bị những kỹ năng, năng lực ra sao? Thầy vui lòng chia sẻ về tiêu chí xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường với ngành học này?

Thạc sĩ Lê Trung Thực: Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng là ngành đòi hỏi sự kết hợp giữa tư duy logic, khả năng phân tích, kỹ năng lập trình và kỹ năng giải quyết vấn đề một cách tối ưu, sáng tạo. Vì vậy, thí sinh quan tâm đến ngành này nên có một số kỹ năng và năng lực cơ bản.

Cụ thể, người học cần có năng lực về nền tảng toán học và tư duy logic. Đó là khái niệm cơ bản về đại số tuyến tính, xác suất thống kê và giải thuật. Khả năng tư duy toán học tốt để hiểu và áp dụng các mô hình AI.

Kỹ năng lập trình: Các ngôn ngữ như Python, R, Java, C#,… thường được sử dụng trong AI.

Tư duy giải quyết vấn đề tối ưu và sáng tạo: AI không chỉ là kỹ thuật mà còn là việc tìm ra các giải pháp mới cho các bài toán thực tiễn. Do đó, thí sinh theo đuổi ngành cần phải có năng lực nhận diện, giải quyết vấn đề dựa trên mô hình hoặc ứng dụng AI. Đồng thời, là khả năng cải tiến những mô hình hiện đại nhằm vận dụng tốt hơn cho từng lĩnh vực cụ thể.

Về tiêu chí xét tuyển đối với ngành Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng, nhà trường dự kiến áp dụng các phương thức xét tuyển phổ biến như xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét học bạ, hoặc kết hợp với các chứng chỉ quốc tế nếu có.

Tổ hợp xét tuyển có thể bao gồm các khối như A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh) hoặc D01 (Toán, Văn, Anh), … theo quy định cụ thể của nhà trường trong Thông tin tuyển sinh năm 2025.

Phóng viên: Hiện nay, công nghệ AI đang phát triển mạnh mẽ, sinh viên khi theo học ngành học này sẽ được trang bị những kiến thức, trải nghiệm thực tế để đáp ứng nhu cầu thị trường ra sao, thưa thầy?

Thạc sĩ Lê Trung Thực: Công nghệ AI đang phát triển mạnh mẽ và được ứng dụng gần như trong mọi lĩnh vực, ngành nghề: từ kinh doanh, y tế, đến giáo dục hay sản xuất… Với ngành Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng của Khoa Công nghệ thông tin, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Cụ thể, chương trình đào tạo được thiết kế với thời gian đào tạo là 4 năm sẽ cung cấp cho sinh viên một nền tảng vững chắc về AI, bao gồm: Học máy (machine learning), Học sâu (deep learning), Xử lý dữ liệu lớn (big data), Khai phá dữ liệu (data mining), Tính toán mềm, Tính toán tối ưu và lập trình ứng dụng AI với các ngôn ngữ phổ biến như Python, Java hoặc C#.

Bên cạnh đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến tính ứng dụng, giúp sinh viên hiểu cách triển khai AI vào các tình huống thực tế.

Giả dụ, xây dựng hệ thống nhận diện hình ảnh với các mô hình CV (Computer Vision); Khai phá và phân tích dữ liệu doanh nghiệp, hay phát triển trợ lý ảo...

Sinh viên cũng sẽ được học về các xu hướng mới nhất trong AI, như tự động hóa với AI Agent, đạo đức AI… để sẵn sàng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của ngành.

tri-tue-nhan-tao-ung-dung-trong-nganh-giao-thong.jpg
Ngành Trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong ngành Giao thông. (Ảnh: website nhà trường)

Mục tiêu của chúng tôi là đào tạo nguồn nhân lực không chỉ đáp ứng về nền tảng, kỹ thuật mà còn có khả năng tự chủ trong giải quyết vấn đề, vận dụng thực tiễn, đáp ứng yêu cầu từ doanh nghiệp.

Ngoài đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm thực tiễn tại Khoa Công nghệ thông tin, đơn vị còn có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực AI, như các thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu.

Đơn cử như, giảng viên đến từ Viện Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện Công nghệ thông tin – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Giao thông Vận tải,....

Trong quá trình học tập, sinh viên sẽ được học hỏi trực tiếp từ các thầy cô thông qua các bài giảng, dự án thực hành và các seminar (tạm dịch: hội thảo, thảo luận) khoa học...

Khoa cũng kết nối với các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm AI, nhằm giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp, thực tiễn ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường.

Với sự kết hợp giữa chương trình đào tạo thực tiễn, đội ngũ giảng viên chất lượng và sự hợp tác với các doanh nghiệp, chúng tôi tin rằng, sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng sẽ được trang bị đầy đủ các kỹ năng để trở thành những nhân tố quan trọng trong thị trường lao động AI đang phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Phóng viên: Sinh viên học ngành Trí tuệ nhân tạo ứng dụng có những cơ hội rộng mở sau khi tốt nghiệp ra sao?

Phóng viên: Nhà trường có Trung tâm hướng nghiệp và phát triển doanh nghiệp có trách nhiệm liên kết doanh nghiệp kết nối với sinh viên, tìm kiếm cơ hội đầu ra cho sinh viên. Thầy chia sẻ thêm về đơn vị này?

Thạc sĩ Lê Trung Thực: Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI trên thế giới và tại Việt Nam, sinh viên tốt nghiệp ngành Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng sẽ có nhiều lựa chọn, cơ hội nghề nghiệp trong thị trường lao động.

Cụ thể như, kỹ sư thiết kế - vận hành hệ thống AI; Kỹ sư học máy (machine learning engineer); Chuyên gia phân tích dữ liệu (data analyst); Lập trình viên phát triển các ứng dụng AI; Các nhà nghiên cứu AI tại các công ty công nghệ hoặc trong doanh nghiệp về lĩnh vực tài chính, y tế, giáo dục hay sản xuất…

Thị trường lao động hiện nay đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực AI. Các công ty như FPT, Viettel, VNG, các ngân hàng… hay các tập đoàn quốc tế tại Việt nam như Google, Microsoft đều đang tìm kiếm những ứng viên có kỹ năng về AI.

Hơn nữa, mức lương cho các vị trí liên quan đến AI thường rất cạnh tranh, đặc biệt khi sinh viên tích lũy được kinh nghiệm thực tế. Đây chính là cơ hội để sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng khẳng định năng lực và phát triển sự nghiệp.

tri-tue-nhan-tao-ung-dung-trong-nganh-giao-duc.jpg
Ngành trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục.

Nhằm hỗ trợ sinh viên trong việc định hướng nghề nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động, nhà trường đã thành lập Trung tâm Hướng nghiệp và Phát triển Doanh nghiệp. Trung tâm đóng vai trò là đầu mối phối hợp với các khoa trong việc tư vấn hướng nghiệp, cung cấp thông tin tuyển dụng, cũng như kết nối với các doanh nghiệp nhằm tạo cầu nối hiệu quả giữa sinh viên và nhà tuyển dụng.

Cụ thể, Trung tâm tổ chức các hoạt động hỗ trợ như: tư vấn lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và xu hướng thị trường; Tập huấn kỹ năng mềm (viết CV, kỹ năng phỏng vấn, xây dựng hồ sơ năng lực cá nhân); Tổ chức các buổi giao lưu, ngày hội việc làm, và hội thảo với doanh nghiệp. Đồng thời, Trung tâm cũng hỗ trợ sinh viên tiếp cận cơ hội thực tập, việc làm thông qua các thỏa thuận hợp tác với đối tác trong và ngoài nước.

Thông qua các hoạt động này, nhà trường không chỉ giúp sinh viên có thêm cơ hội việc làm phù hợp với ngành đào tạo mà còn góp phần phát triển năng lực toàn diện, chuẩn bị hành trang vững vàng để sinh viên tự tin tham gia và cạnh tranh trong thị trường lao động, đặc biệt trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) – một ngành đang có nhiều tiềm năng và nhu cầu nhân lực cao.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thầy về cuộc trao đổi!

Mạnh Đoàn