Trường Quốc tế Hội An thuê CSVC, chuyên gia lo ngại hoạt động GD có ổn định?

11/04/2025 06:32
Tuệ Nhi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Độc giả lo lắng, Trường Quốc tế Hội An có mức thu học phí khá cao nhưng cơ sở vật chất đi thuê, làm sao đảm bảo sự ổn định môi trường học tập cho học sinh?

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết phản ánh băn khoăn của bạn đọc liên quan đến việc Trường Quốc tế Hội An (Hoi An International School - HAIS) thuê mặt bằng, cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy lợi miền Trung để hoạt động giáo dục phổ thông liên cấp.

Độc giả bày tỏ nhiều băn khoăn xung quanh việc hoạt động của Trường Quốc tế Hội An.

Lo ngại về hoạt động giáo dục có ổn định?

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên, Luật sư Phan Xuân Xiểm - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, trong mọi trường hợp cần ưu tiên đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh.

gdvn-pxx-194.jpg
Luật sư Phan Xuân Xiểm - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Thành An.

Ông Phan Xuân Xiểm cho rằng, nhà trường mở mô hình đào tạo, tuyển sinh, thì phải có sự cam kết để phụ huynh, học sinh an tâm. Đặc biệt, các điều kiện để đảm bảo chất lượng giáo dục phải luôn được nâng cao.

Ngoài ra, với mức học phí từ 130-510 triệu đồng/ năm của Trường Quốc tế Hội An, đây không phải là mức thu học phí thấp.

Việc trường thu học phí cao nhưng cơ sở vật chất đi thuê, theo thông tin bạn đọc phản ánh thời gian thuê cơ sở vật chất là 08 năm (từ ngày 15/6/2018 đến ngày 15/6/2026). Như vậy, có thể thấy, chỉ còn hơn 01 năm nữa là hết thời gian thuê. Ông Xiểm cho rằng, nhà trường cần có những phương án cụ thể để đảm bảo sự học tập ổn định của học sinh.

Bên cạnh đó, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chia sẻ thêm, các cơ quan quản lý cũng cần có trách nhiệm, siết chặt thanh tra, kiểm tra hoạt động của những trường có yếu tố nước ngoài đi thuê cơ sở vật chất như thế này.

Là một nhà quản lý giáo dục lâu năm, cùng bàn luận về vấn đề trên, thầy Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ những lo lắng khi một cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài đi thuê cơ sở vật chất dễ rơi vào trạng thái bấp bênh, đặc biệt là bài học đắt giá từ trường hợp của Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông quốc tế Chồi Xanh đã từng xảy ra ở khu vực này.

"Một cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, nếu gặp trục trặc, các vấn đề về quyền lợi học tập cho học sinh, tài chính của phụ huynh ai sẽ chịu trách nhiệm? Việc trường đi thuê cơ sở vật chất như thế này thì tính ổn định trong không gian học tập và sự bền vững của các môi trường giáo dục khó đảm bảo", thầy Ngai nhìn nhận.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cần có các quy định chặt chẽ hơn nữa trong việc cho phép thành lập, quản lý hoạt động của các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, đặc biệt trong trường hợp nhà trường còn phải đi thuê cơ sở vật chất như Trường Quốc tế Hội An. Do đó, vị này cũng bày tỏ những lo ngại bởi mô hình cơ sở vật chất đi thuê khó đảm bảo được tính bền vững lâu dài cho hoạt động của cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài.

th-ngai-4517-9134.jpg
Thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Theo thầy Ngai, đối với việc quản lý các trường có yếu tố nước ngoài, trong một chừng mực nào đó của công tác tổ chức, kiểm tra, xử lý vi phạm vẫn chưa được chặt chẽ. Do đó, các cơ quan quản lý cần có sự rà soát, chấn chỉnh, quy định chặt chẽ để không ảnh hưởng đến học sinh, phụ huynh.

Việc trên website của Trường Quốc tế Hội An hiện đang thiếu nhiều thông tin công khai theo Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thầy Ngai thẳng thắn nhìn nhận, những gì đã quy định mà cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng thì cần xử lý nghiêm. Việc thông tin công khai cần có sự minh bạch hơn để phụ huynh có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu thông tin cần thiết về cơ sở giáo dục đó.

Cũng theo thầy Ngai, dù là đối với trường công lập hay tư thục, hệ thống trường trong nước hay có yếu tố nước ngoài, thì vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng đều rất quan trọng.

"Cơ quan quản lý địa phương này cần nhìn nhận thẳng thắn, rút kinh nghiệm, bài học sâu sắc từ vụ việc tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông quốc tế Chồi Xanh để quản lý hoạt động giáo dục một cách chặt chẽ, tốt hơn", thầy Ngai bày tỏ.

Cơ sở vật chất đi thuê sẽ khó giữ chân nhà đầu tư nước ngoài

Cùng bàn luận về vấn đề này, một nhà đầu tư giáo dục chia sẻ, với một nhà đầu tư giáo dục tư nhân lâu năm thì vấn đề thành lập một trường phổ thông, đặc biệt là trường có yếu tố quốc tế thì thủ tục và cấp phép hoạt động rất khắt khe.

Vị này thông tin: "Một trường được xem là đạt chuẩn và bền vững thì phải có quy hoạch, đất đai, phải xây dựng các phòng học, các phòng chức năng đầu tư rất tốn kém, thông thường mỗi một trường đầu tư khoảng 50 tỷ đồng trở lên. Các tài sản gắn liền với đất như trường học, các thiết bị cơ sở vật chất chuyên môn….

Trong trường hợp của Trường Quốc tế Hội An thì vấn đề lớn nhất lại được giải quyết chỉ bằng mấy chục triệu đi thuê của trường công là điều rất khó hiểu. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về tính công bằng giữa các nhà đầu tư, sự minh bạch trong việc sử dụng tài sản công, và nguy cơ làm lệch chuẩn mô hình đầu tư giáo dục. Thời điểm thành lập, trường chỉ đi thuê cơ sở vật chất mấy chục triệu 1 tháng là đã có thể hoạt động giáo dục thì quả thực làm giáo dục quá dễ dàng".

 anh.jpg
Ảnh: Hoi An International School.

Bên cạnh đó, theo vị này, với điều kiện cơ sở vật chất đi thuê như Trường Quốc tế Hội An sẽ khó giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.

Người học Việt Nam và người học là người nước ngoài học tập ở cơ sở đó sẽ không yên tâm. Chúng ta đã có bài học năm 2023 về câu chuyện của Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông quốc tế Chồi Xanh. Nhà đầu tư nước ngoài thuê cơ sở vật chất để mở trường, thu học phí cả năm rồi rời đi khiến học sinh bơ vơ, gia đình phụ huynh mất tiền, mất niềm tin. Không chỉ phụ huynh Việt Nam mà đó còn là cả phụ huynh người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống và làm việc.

Điều đó làm ảnh hưởng rất lớn về sự hoạt động của trường có yếu tố nước ngoài được đầu tư bài bản và cũng ít nhiều ảnh hưởng đến đánh giá của phụ huynh nước ngoài với giáo dục. Những người làm đầu tư về giáo dục cần phải có tầm nhìn dài hạn, không thể đi thuê tạm bợ để đào tạo học sinh với một mức học phí như vậy", vị này nhìn nhận thêm.

Ngoài ra, theo vị này: "Nếu tình trạng đi đường vòng qua hình thức thuê tài sản công mà không có cơ chế kiểm soát minh bạch vẫn tiếp diễn, chúng ta không chỉ đối mặt với nguy cơ bị lợi dụng chính sách xã hội hóa giáo dục, mà còn mất đi cơ hội thu hút những nhà đầu tư quốc tế uy tín, có chiến lược phát triển bền vững và lâu dài cho ngành giáo dục nước nhà".

Cho thuê tài sản công cần đảm bảo sự minh bạch, đúng quy định

Điểm c, Khoản 2, Điều 11, Nghị định 60/2021/NĐ-CP cho phép cơ sở giáo dục được gia tăng nguồn thu từ cho thuê tài sản công: "Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công".

Chia sẻ với phóng viên, một tiến sĩ là quản lý tại một trường cao đẳng ở phía Bắc cho hay, quy trình cho thuê tài sản công cần được tiến hành một cách chặt chẽ, có tuần tự và đúng các quy định của pháp luật.

Đầu tiên, có sự phối hợp với các đơn vị được giao quản lý tài sản của nhà trường, theo dõi, quản lý thời gian nhàn rỗi cơ sở vật chất của nhà trường. Đặc biệt, việc cho thuê này cần có đề án và được cơ quan chủ quản phê duyệt thì trường mới được thực hiện.

Nhà trường cũng tiến hành đấu giá để lựa chọn đơn vị cho thuê.

"Khi đề án được phê duyệt, có một tổ chức đứng ra là đấu giá để còn mời các đơn vị vào thuê một cách công khai, minh bạch, đúng thủ tục. Về mức giá, thông thường sẽ có một mức sàn, qua đấu giá, các đơn vị sẽ đưa ra các mức tùy theo nhu cầu, tiềm năng thực tế", vị quản lý cho hay.

Trước đó, vào tháng 9/2023, vụ việc Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông quốc tế Chồi Xanh bất ngờ đóng cửa trước khai giảng khiến dư luận xôn xao.

Thời điểm đó, đại diện Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông quốc tế Chồi Xanh lý giải nguyên nhân đóng cửa do hết hợp đồng thuê nên bị lấy lại cơ sở vật chất, thu lại địa điểm dạy học. Trường hứa “sẽ mượn cơ sở vật chất của một đơn vị khác để tiếp tục giảng dạy theo chương trình của nhà trường”.

Theo báo cáo của nhà trường, từ năm 2022, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giáo dục Chồi Xanh Việt Nam đã có kế hoạch thuê địa điểm của Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Hoàng Sa nhưng sau đó, hợp đồng đã được hủy bỏ.

Trong thông báo đến phụ huynh nhà trường, vào cuối năm học (tháng 7/2023), Công ty thông báo kế hoạch chuyển địa điểm của trường sang nơi khác tại Đà Nẵng

Tuy nhiên, sau đó hai bên không ký được hợp đồng do không thống nhất các điều khoản. Do thời điểm đó đã cận kề năm học mới, địa điểm cũ không còn, các phương án chuyển địa điểm mới chưa được thực thi. Nhiều gia đình học sinh đã nộp trước học phí, song chủ sở hữu trường đã ngừng hợp đồng giáo viên, nhân viên làm việc.

Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông quốc tế Chồi Xanh (địa chỉ: phường Cẩm Châu, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) do bà Catherine Clare Mckinley, quốc tịch Anh, làm chủ sở hữu. [1]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/so-gddt-quang-nam-truong-quoc-te-choi-xanh-se-hoat-dong-tro-lai-vao-tuan-toi-post237849.gd

Tuệ Nhi