Trăn trở của "u Hoa" về sinh kế cho những đứa trẻ tật nguyền

24/07/2021 06:19
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trước đại dịch Covid-19, sản phẩm thủ công do các em tật nguyền làm bán chậm, bà Đoàn Thị Hoa mong muốn có công việc mới cho các em để ổn định cuộc sống.

Clip: Bà Đoàn Thị Hoa nói về mong muốn cho các em tật nguyền

14 năm qua, trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa (nay là Hợp tác xã sản xuất kinh doanh giấy cuộn Quỳnh Hoa, địa chỉ tại thôn Thanh Oai, xã Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội) đã nuôi dạy nghề cho hơn 500 em tật nguyền.

Các em sống tại trung tâm đều gọi bà Đoàn Thị Hoa tiếng thân thương là U, bởi U là người chăm sóc, dạy cho các em cái nghề, U như người mẹ thứ hai mang đến tương lai và hi vọng cho các em.

Chuẩn bị bước sang tuổi 60, đôi chân giờ cũng bước đi tập tễnh sau mổ nhưng bà Đoàn Thị Hoa vẫn tràn đầy nhiệt huyết với công việc, cùng trăn trở tương lai cho các em khi dịch Covid-19 lây lan.

Bà Hoa chia sẻ, thời gian đầu khi mới mở trung tâm, các em được dạy nghề may, làm vàng mã, chuỗi hạt… Khó khăn đối với các em là không thể kể hết, bởi người khuyết tật thì khó khăn trong vận động, còn những em bị thiểu năng trí tuệ thì học trước quên sau.

Bà Đoàn Thị Hoa chỉ bảo các em khuyết tật làm nghề. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Bà Đoàn Thị Hoa chỉ bảo các em khuyết tật làm nghề. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Để giải quyết vấn đề trên, vào năm 2009, bà Hoa tìm tòi được nghề thủ công giấy cuộn, giúp tất cả các em đều có thể làm được việc.

“Khi đó, tôi nhờ cô giáo đến dạy cho các em và dần dà công việc đi vào tâm trí của mọi người, trẻ khuyết tật vận động hay có vấn đề về trí tuệ đều làm được”, bà Hoa chia sẻ.

Bà Hoa chia sẻ thêm, các sản phẩm do các em làm đều mang cả tâm hồn vô tư, hồn nhiên vào bức tranh, bưu thiếp. Khi du khách đến thăm trung tâm thì họ đều rất thích thú theo dõi các em làm và sau đó là mua về làm quà.

Để có đầu ra cho sản phẩm, bà Hoa cũng kết nối với các khu du lịch trên cả nước. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, do dịch Covid-19 các khu du lịch đóng cửa, đầu ra bị ảnh hưởng.

Trước thực trạng trên, bà Hoa mong muốn các em có thêm được cái nghề để ổn định hơn.

“Tôi mong muốn làm sao mà các mạnh thường quân hay công ty, có nghề nào giúp cho các em để có thêm công việc, cuộc sống của các em được ổn định”, bà Hoa hi vọng.

Chia sẻ về hoạt động thiện nguyện đang làm, bà Hoa cho hay, trước khi mở trung tâm, bà từng tham gia hoạt động thiện nguyện và là Phó giám đốc trung tâm. Trong một lần đi từ thiện, bà Hoa gặp một em khuyết tật nhưng em này không lên nhận quà.

Công đoạn cuốn giấy cuộn của các em để làm nên những sản phẩm thủ công đẹp mắt như chiếc giỏ mini, con thú... (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Công đoạn cuốn giấy cuộn của các em để làm nên những sản phẩm thủ công đẹp mắt như chiếc giỏ mini, con thú... (Ảnh: Mạnh Đoàn)

“Khi tôi hỏi chuyện thì em cảm ơn chúng tôi đã tặng quà nhưng em nói mong muốn có một cái nghề. Điều này khiến tôi trăn trở và quyết mở cho được trung tâm dạy nghề”, bà Hoa nhớ lại.

Nói là làm, về nhà bà Hoa kể lại mong muốn của mình với chồng, con nhưng bị mọi người phản đối kịch liệt, bởi nuôi dạy người bình thường đã khó, người khuyết tật còn khó hơn gấp bội. Bên cạnh đó, nhiều người cũng bảo bà dở hơi nhưng người phụ nữ này vẫn quyết tâm làm cho bằng được. Sau đó, gia đình đã ủng hộ bà.

Gia đình bà dựng 3 gian nhà nhỏ để các em ở, sinh hoạt và một gian để làm phòng sinh hoạt chung, dạy nghề cho các em.

Giờ đây, trước vườn cây xanh ngát, rợp bóng lối đi là căn nhà nơi các em học nghề và làm việc. Hiện trung tâm có khoảng hơn 30 em, nhưng do dịch Covid-19 nên các em về quê hết, chỉ còn hơn chục em ở lại.

Nghị lực vươn lên

Tại trung tâm từng có nhiều em học được nghề và ra ngoài làm. Tuy nhiên, công việc bên ngoài khiến các em khó khăn trong đi lại, thời gian làm việc… nên nhiều em đã quay trở lại làm việc tại đây. Điều này khiến bà Hoa cũng rất trăn trở.

Ví dụ như trường hợp của em Trần Văn Đại (sinh năm 1987), bị liệt nửa người, được trung tâm cho đi học photoshop, sau đó Đại xin đi làm công ty ở trung tâm Hà Nội được lương 4 triệu đồng nhưng không phù hợp bởi sức khỏe yếu, Đại phải nghỉ việc.

“Các em đi làm ra môi trường ngoài thì không hợp với sức khỏe thì lại quay lại trung tâm thì tôi thấy thương lắm”, bà Hoa bộc bạch.

Bà Hoa chia sẻ thêm về trường hợp của em Nguyễn Đăng Dương (ở Bắc Giang) rất éo le. Dương bị khuyết tật xương sống, bố và hai bác bị thiểu năng, mẹ em thì bình thường nhưng khi trèo lên hái quả mướp ngã xuống sân thiệt mạng.

“Mẹ mất thì em về quê 5-6 năm và xuống lại trung tâm. Khi em xuống thì muốn học photoshop và chúng tôi kêu gọi được trường Lê Văn Tám tài trợ cây máy tính 6 triệu đồng. Dương cũng lấy vợ, chưa có con nhưng đã li hôn. Vừa qua, em về quê chăm bố bị đột quỵ. Những hoàn cảnh như thế khiến chúng tôi luôn day dứt làm sao có được sinh kế hỗ trợ các em có cuộc sống ổn định", bà Hoa nói.

Em Nguyễn Lan Anh (22 tuổi, nhà ở Cự Khê, Cự Đà, Thanh Oai), một người gắn bó với trung tâm này đã được 8 năm. Hàng ngày, bố mẹ đưa em đến và đón về nhà. Được sống tại đây, em cảm thấy trung tâm như ngôi nhà thứ hai của em, các bạn cùng cảnh ngộ như anh chị em ruột thịt trong nhà.

“Em ở đây được 8 năm rồi, em coi anh chị em ở đây như người thân của mình. Em cảm thấy môi trường ở đây có nhiều hoàn cảnh tương tự mình. Được làm việc để thấy mình có ích”, Lan Anh chia sẻ.

Mạnh Đoàn