“Trắng” giảng viên có chức danh giáo sư nhiều năm, ĐH Văn hóa Hà Nội nói gì?

30/09/2023 06:26
Hồng Giang
GDVN-Trong giai đoạn từ năm học 2019 - 2020 đến 2021 - 2022, giảng viên cơ hữu Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chủ yếu có trình độ thạc sĩ và không có giáo sư.

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tiền thân là Trường Cán bộ Văn hóa được thành lập ngày 26/3/1959 theo Quyết định số 134/VH-QĐ của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Trường là cơ sở đào tạo và nghiên cứu các ngành thuộc lĩnh vực Nhân văn, Du lịch, Báo chí và Thông tin. Trường cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ cho sự nghiệp phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước.

Thực hiện Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân và Công văn số 603/TB-ĐHVHHN ngày 5/10/2018 của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội về triển khai thực hiện Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT, nhà trường công khai các thông tin theo quy định.

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ảnh: Hồng Giang.

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ảnh: Hồng Giang.

Quy mô đào tạo giảm

Theo báo cáo 3 công khai năm học 2021 - 2022 (công khai thông tin quy mô đào tạo từ 15/7/2021 đến 30/09/2022) cho thấy, quy mô đào tạo sau đại học là 175 học viên, trong đó 57 tiến sĩ và 118 thạc sĩ; đào tạo 5.918 sinh viên đại học chính quy và 482 sinh viên hệ vừa học vừa làm.

So sánh với báo cáo 3 công khai năm học trước đó, quy mô đào tạo năm học 2021 - 2022 giảm đáng kể ở hầu hết các chương trình đào tạo.

Quy mô đào tạo của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trong 2 năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022.

Quy mô đào tạo của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trong 2 năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022.

Cụ thể, quy mô đào tạo tiến sĩ năm học 2021 - 2022 giảm 88 người (tương đương 60,6%), quy mô đào tạo thạc sĩ giảm 281 người (giảm 70,4%), giảm 168 sinh viên hệ vừa học vừa làm (tương đương 25,8%), chỉ có quy mô đào tạo sinh viên đại học chính quy tăng 270 sinh viên (tăng 4,8%). Nhìn chung, quy mô đào tạo năm học 2021 - 2022 giảm 267 người học (giảm 6,5%) so với năm học trước đó.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng - Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội). Ảnh: website trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng - Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội). Ảnh: website trường.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Trương Đại Lượng - Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đi vào thực chất, đặc biệt là đào tạo sau đại học. Chính vì vậy, ngay từ quy chế tuyển sinh đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ hiện nay cũng ngày càng có những yêu cầu cao hơn.

Cụ thể, quy chế tuyển sinh đào tạo thạc sĩ năm 2021, yêu cầu đầu vào của học viên là B1, đầu ra là B2 theo khung tham chiếu 6 bậc ngoại ngữ; còn tuyển sinh trình độ tiến sĩ, quy định đối với nghiên cứu sinh cần phải có những bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí được hội đồng chức danh phó giáo sư nhà nước công nhận… Những định hướng nâng cao chất lượng giáo dục này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã góp phần tác động đến đầu vào của đào tạo hệ sau đại học.

Bên cạnh đó, thầy Lượng cũng thông tin thêm, hiện nay đào tạo sau đại học lĩnh vực Văn hóa - Nghệ thuật của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chủ yếu là các cán bộ văn hóa, làm việc chủ yếu tại các cơ quan nhà nước, mà hiện nay các cơ quan nhà nước đang thực hiện sáp nhập, tinh giản bộ máy; do vậy, nhu cầu học cũng đi vào thực tế, chuyên sâu hơn, không còn đại trà như trước, những người thực sự có nhu cầu học tập, nghiên cứu, học để giải quyết công việc mới học lên cao học.

Nguồn thu từ học phí lớn nhất

Theo báo cáo 3 công khai năm học 2021 - 2022, tổng thu của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đạt 100,1 tỷ đồng; trong đó nguồn thu từ học phí là 54,5 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước 32 tỷ đồng, từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 8 tỷ đồng và từ nguồn thu hợp pháp khác là 5,6 tỷ đồng. Như vậy, 54,4% tổng nguồn thu đến từ học phí.

Nhìn vào bảng thống kê, nguồn thu của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội năm học 2021 - 2022 không có sự thay đổi so với năm học 2020 - 2021; tăng 27,1 tỷ đồng (tăng 37,1%) so với năm học 2019 - 2020.

Cụ thể, nguồn thu từ học phí tăng từ 40 tỷ đồng lên 54,5 tỷ đồng (tương ứng 36,2%); từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tăng 7 tỷ. Năm học 2019 - 2020, nhà trường không có nguồn thu từ nguồn hợp pháp khác nhưng ở 2 năm học tiếp theo nhà trường đã có nguồn thu 5,6 tỷ đồng/năm.

Chia sẻ về nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tăng mạnh, thầy Trương Đại Lượng cho hay, ở năm học đó nhà trường nhận được 6 đề tài nghiên cứu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, 3 đề tài của Thành phố Hà Nội, bên cạnh đó còn nhận được một số đề án của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp thông qua một số dự án chuyển giao công nghệ (như đào tạo về lĩnh vực Quản trị điểm đến, Quản trị du lịch cho 6 tỉnh: Huế, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị…). Vì vậy, ngân sách từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng tăng.

“Có những năm nhận được nhiều dự án thì nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tăng lên, có những năm nhận được ít dự án thì lại giảm đi. Thêm nữa, thời gian thực hiện đề tài cấp Bộ là 2 năm, cấp thành phố là 1,5 năm và cấp trường là 1 năm nhưng đôi khi có năm chỉ được giải ngân 30% và năm sau giải ngân 70% nên nguồn thu mỗi năm cũng có sự tăng giảm khác nhau”, thầy Lượng nói.

Bên cạnh đó, thầy cũng chia sẻ thêm những công khai về nguồn thu trong báo cáo 3 công khai thường mang tính dự kiến, dựa trên những căn cứ cơ sở của năm trước, dựa trên thông tin về nguồn ngân sách của năm học đó, dựa vào quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng giảm học phí, dựa trên quy mô đào tạo… để có thể đưa ra những con số dự kiến.

Mức học phí/người học/năm học của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trong 3 năm học liên tiếp không có biến động mạnh, cụ thể như sau:

Bảng thống kê mức học phí theo tứng năm học của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. (đơn vị: triệu đồng/năm).

Bảng thống kê mức học phí theo tứng năm học của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. (đơn vị: triệu đồng/năm).

“Trắng” giảng viên có chức danh giáo sư trong nhiều năm liên tiếp

Về giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, theo thống kê báo cáo 3 công khai 3 năm học liên tiếp từ 2019 - 2020 đến 2021 - 2022 cho thấy số lượng giảng viên của trường có rất ít biến động.

Năm học 2021 - 2022, nhà trường có 180 giảng viên cơ hữu, trong đó có 12 phó giáo sư (chiếm 6,6%), 43 tiến sĩ (chiếm 23,8%), 121 thạc sĩ (chiếm 67,2%) và 4 giảng viên trình độ đại học (chiếm 2,2%).

Số lượng giảng viên cơ hữu năm học 2021 - 2022 tăng lên 10 người (tăng 5,9%) so với năm học 2020 - 2021, tăng 2 người (tăng 1,1%) so với năm học 2019 - 2020.

Theo số liệu công bố trong báo cáo 3 công khai, cả 3 năm học từ 2019 - 2020 đến 2021 - 2022 không có giảng viên có trình độ giáo sư. Nhìn chung, số lượng giảng viên trong 3 năm học này không có sự biến động lớn. Giảng viên cơ hữu của trường chủ yếu có trình độ thạc sĩ.

Chia sẻ về đội ngũ giảng viên của nhà trường, thầy Trương Đại Lượng thông tin, theo quy chế đào tạo trình độ sau đại học, đối với trình độ thạc sĩ, giảng viên được giảng dạy là người có bằng từ tiến sĩ trở lên; còn với đào tạo tiến sĩ, giảng viên giảng dạy và ngồi hội đồng phải có học vị tiến sĩ, học hàm phó giáo sư. Như vậy, đối với đào tạo sau đại học, giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư là đạt yêu cầu.

Thầy Lượng cũng nói thêm, hiện nay nhà trường có 12 phó giáo sư cơ hữu, bên cạnh đó, hằng năm khi mời giảng viên hướng dẫn cho thạc sĩ và nghiên cứu sinh hay tổ chức các hội đồng, nhà trường đều có một đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các nhà khoa học, nhiều giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư…

Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trung bình đạt 93,8%

Qua số liệu thống kê tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường cho thấy, kết quả khảo sát năm 2022, tỉ lệ sinh viên (tốt nghiệp năm 2021) có việc làm có tỉ lệ 93,8%. Tỉ lệ này cao hơn 4,8% so với năm 2020 và cao hơn năm 2019 là 3,6%.

Trong đó, đối với ngành Sáng tác văn học, Thông tin - Thư viện và Thông tin học, tình hình sinh viên tốt nghiệp có việc làm năm 2021 đạt tới 100%.

Các ngành Báo chí, Văn hóa học, Quản lý văn hóa, Việt Nam học, Bảo tàng học, Kinh doanh xuất bản phẩm, Luật, Quản trị dịch vụ du lịch có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường khá cao, dao động trong khoảng từ 84,4% - 98,2%.

Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam thấp nhất, đạt 78,6%.

Cũng trong báo cáo này, sinh viên có việc làm đúng ngành đào tạo là 192 sinh viên/tổng số 595 sinh viên tốt nghiệp phản hồi, đạt 32,3%; sinh viên có việc làm liên quan đến ngành đào tạo là 32,1%; sinh viên có việc làm không liên quan đến ngành đào tạo chiếm 27,9% và sinh viên chưa có việc làm chiếm tỉ lệ 6,2%.

Hồng Giang