"Chỉ mặt" những cái khó trong chuyển giao công nghệ ở trường đại học

26/09/2023 06:38
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Một trong những khó khăn khi chuyển giao công nghệ là việc nhà khoa học chưa được cấp bằng sở hữu trí tuệ, hoặc chưa hoàn tất việc đăng ký bản quyền sáng chế.

Hiện nay việc thực hiện thủ tục cấp bằng sở hữu trí tuệ, khó định giá công nghệ đang là điểm nghẽn gây nên một số khó khăn trong quá trình chuyển giao công nghệ.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Văn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cho rằng, việc xác lập quyền sở hữu và định giá công nghệ đang là hai nút thắt cần được tháo gỡ để có thể hình thành cơ chế chuyển giao công nghệ hiệu quả cho trường đại học.

Theo thầy Văn, việc xác lập quyền sở hữu với các sản phẩm công nghệ hiện nay gặp khó có thể là do các quy định và trình tự thủ tục phức tạp.

Cũng theo thầy Văn, để chuyển giao công nghệ từ trường đại học ra doanh nghiệp, nếu có đơn vị định giá công nghệ thì sẽ rất thuận lợi.

Tuy nhiên, hiện chưa có đơn vị làm chuyên nhiệm vụ định giá công nghệ. Thực tế hiện nay, việc chuyển giao công nghệ được thực hiện là trong đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh có thể có sản phẩm là các quy trình công nghệ. Nếu quy trình đó có ý nghĩa khoa học và tính ứng dụng tốt thì sẽ được các hội đồng khoa học công nghệ nghiệm thu, công nhận.

Trên cơ sở đó, các đề tài, dự án khác hoặc các cơ quan doanh nghiệp muốn ứng dụng thì hợp tác với nhà trường. Theo đó, tác giả/nhóm tác giả của các quy trình đó sẽ chuyển giao theo hợp đồng.

Khó chuyển giao công nghệ vì chưa được cấp bằng sở hữu trí tuệ

Tiếp cận dưới góc độ nhà khoa học trực tiếp nghiên cứu và tham gia chuyển giao công nghệ, chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Quang Khởi – Giảng viên Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, một trong những khó khăn khi chuyển giao công nghệ là việc nhà khoa học chưa được cấp bằng sở hữu trí tuệ, hoặc chưa hoàn tất việc đăng ký bản quyền sáng chế.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Khởi – Giảng viên Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Khởi – Giảng viên Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Lý giải nguyên nhân của khó khăn này, theo thầy Khởi, bởi lẽ nếu công nghệ chưa được công nhận về mặt sở hữu trí tuệ sẽ khiến nhiều doanh nghiệp e ngại vấn đề tranh chấp pháp lý có thể phát sinh trong tương lai khi thương mại hoá sản phẩm.

Do đó, trước khi tiến hành chuyển giao công nghệ hay thậm chí khi có một ý tưởng công nghệ giá trị, việc cần đăng ký sáng chế để được bảo hộ sở hữu tài sản trí tuệ là rất quan trọng để chứng minh công nghệ muốn chuyển giao là của tác giả có nhu cầu chuyển giao công nghệ, chứ không phải sao chép.

Theo thầy Khởi, ở những nước tiên tiến, khi có phát kiến, phát minh mang lại giá trị về kinh tế sẽ được quan tâm về việc đăng ký bản quyền ngay. Chẳng hạn, trong môi trường học thuật ở đại học, quá trình đăng ký sáng chế được nhà khoa học đề xuất nộp đơn lên văn phòng nghiên cứu và phát triển trực thuộc trung tâm điều hành hợp tác công nghiệp – học thuật (Industrial-Academic operation center).

Sau đó, ở cấp trường, các chuyên gia đầu ngành của trường, viện (thuộc trường) hoặc bên độc lập thứ ba tiến hành xét duyệt đánh giá, kết luận đơn có thể tiếp tục được đăng ký tại quốc gia sở tại hoặc ở khu vực khác (như Mỹ, Pháp, Nhật) hay không.

Khi được thông qua, văn phòng tài sản trí tuệ được ủy quyền (Intellectual Property Office) phụ trách giúp nhà khoa học thực hiện các bước tiếp theo của quá trình nộp đơn xin cấp bằng sáng chế. Ví dụ như gặp gỡ nhà khoa học để hoàn thiện bản thảo đơn sáng chế, nội dung, tính năng kỹ thuật, hình vẽ, sáng chế của những tác giả, xin chữ ký của các tác giả theo quy định. Các thủ tục hoặc vướng mắc liên quan đến quá trình cấp bằng cũng sẽ thường xuyên được cập nhật và giải quyết cho đến khi bằng sáng chế được cấp.

"Theo tôi tìm hiểu, hiện trong nước có số lượng sản phẩm công nghệ đã được đăng ký sở hữu trí tuệ chưa nhiều. Nguyên nhân có thể do chi phí cao, tốn nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ và thẩm định; thông tin về quy trình viết và đăng ký sáng chế cũng chưa được phổ biến rộng rãi tới các đối tượng liên quan. Mặt khác, thị trường khoa học công nghệ liên quan đến thương mại hoá sáng chế cũng chưa được hình thành rõ ràng", thầy Khởi chia sẻ.

Bên cạnh vấn đề sở hữu trí tuệ, thầy Khởi cho rằng mô hình chuyển giao công nghệ nào cũng là yếu tố then chốt nhằm đạt kết quả của chuyển giao. Để có kết quả vượt trội nào đó luôn cần mô hình làm việc (working model) phù hợp và hiệu quả từ đầu vào cho đến đầu ra. Trong đó, đầu vào là công nghệ từ trường, viện và nhu cầu từ doanh nghiệp, đầu ra là giải pháp công nghệ giúp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

“Để doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, cần thiết phải có một kênh trung gian làm cầu nối nhằm nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp cần gì, cũng như năng lực của trung tâm, viện nghiên cứu và nhà khoa học đáp ứng nhu cầu khoa học công nghệ của doanh nghiệp”, thầy Khởi nêu.

Cụ thể, theo thầy Khởi, bản thân nhà khoa học cần nỗ lực để chứng minh năng lực cụ thể như số lượng bằng sáng chế, số ấn phẩm khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học công nghệ uy tín có tầm ảnh hưởng cao, có uy tín học thuật trong cộng đồng hội chuyên môn quốc tế.

Bên cạnh đó, để doanh nghiệp biết và đặt hàng nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, từ đó tạo nguồn thu cho trường, thu nhập cho nhà khoa học thì bản thân nhà khoa học cũng cần chủ động gặp gỡ các doanh nghiệp để nắm bắt vấn đề của doanh nghiệp, làm tiền đề cho các giải pháp khoa học công nghệ nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp.

Để đạt kết quả cao, nhà khoa học cần đứng ở vị trí nhà doanh nghiệp để đưa ra giải pháp khoa học công nghệ có tính giải quyết vấn đề khoa học công nghệ, tiết kiệm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, giá cả chuyển giao phải chăng, sao cho phù hợp với điều kiện từng doanh nghiệp.

Ngọc Mai