Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000 - 2018.
Thông báo nêu rõ, Ðảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển văn hóa, xã hội.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII xác định Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một chủ trương lớn, giải pháp quan trọng về xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, với mục tiêu chung là “Đoàn kết xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống tốt đẹp”, “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá phong phú, lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội”, được cụ thể hóa, triển khai sâu rộng trong cả nước, với 5 nội dung, 7 phong trào cụ thể.
Những năm qua, phong trào đã thực sự trở thành cuộc vận động văn hóa lớn, nhận được sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, là một sợi dây gắn kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động trên toàn quốc. Năm 2017, đã công nhận hơn 19 triệu gia đình văn hóa.
Đến nay, cả nước đã có trên 1,2 triệu tấm gương người tốt, việc tốt; đã công nhận hơn 69 nghìn làng, thôn, ấp, bản, buôn, tổ dân phố văn hóa; đã có gần 3.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 38,9%), 55 đơn vị cấp huyện được công nhận huyện nông thôn mới, đây có thể coi là những hạt nhân, điểm sáng cần tiếp tục được nhân rộng; đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đến tận cấp cơ sở, tâm huyết, trách nhiệm.
Thành công của Phong trào chính là đã tập hợp, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và phát triển đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, phát huy hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, các cán bộ làm công tác phong trào, nhất là các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân đã tích cực hưởng ứng và luôn đồng hành thực hiện hiệu quả, thiết thực các nội dung của Phong trào ở cơ sở.
Bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để tập trung khắc phục: Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của Phong trào; chưa sâu sát trong việc lãnh đạo, chỉ đạo dẫn đến việc triển khai, thực hiện còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích, nặng về số lượng, nhẹ về chất lượng.
Công tác phối hợp của các cấp, các ngành, cộng đồng và toàn dân trong triển khai thực hiện Phong trào còn thiếu chặt chẽ, chưa rõ nhiệm vụ được phân công nên chất lượng hoạt động ở một số nơi chưa cao, chưa toàn diện; năng lực cán bộ còn hạn chế; việc huy động các nguồn lực còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu.
Chất lượng các danh hiệu văn hóa chưa thực chất, chưa đồng đều, thực sự bền vững giữa các vùng, miền, nhiều thôn, làng, ấp, bản còn tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, trẻ em, ô nhiễm môi trường, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, một số giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một, vấn đề đạo đức, lối sống, nếp sống có những biểu hiện xuống cấp, đi ngược với những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc...
Để tiếp tục đổi mới nhận thức và hành động, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện phong trào, thời gian tới Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xây dựng kế hoạch phối hợp các bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của Phong trào.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về Phong trào gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác.
Chú trọng truyền thông và nêu gương các điển hình tiên tiến. Đặc biệt phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của mỗi đảng viên, người lãnh đạo, vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trong việc tự quản, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ nhân dân với nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.
Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ để nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động của Phong trào; tạo mọi điều kiện cần thiết để nhân dân chủ động, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, phát triển và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở.
Phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến và phát huy hiệu quả các danh hiệu văn hóa; có cách nghĩ, cách làm tích cực, sáng tạo; kịp thời bổ sung những giải pháp đặc thù trong quá trình thực hiện Phong trào phù hợp với thực tiễn vùng, miền; cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở cần ưu tiên dành nhiều nguồn lực và thời gian hơn nữa cho việc thực hiện Phong trào nói riêng và phát triển văn hóa nói chung.