Trẻ em như tờ giấy trắng, người lớn đã vẽ lên đó những gì?

07/05/2019 06:58
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Nhiều những câu chuyện đau lòng xảy ra, nhiều thói xấu được hình thành ở trẻ nhỏ mà khi xảy ra khiến những bậc làm cha, làm mẹ và thầy cô đau lòng, ân hận.

Giáo dục cho trẻ em để khi trưởng thành có đủ trí tuệ, tài năng, đức độ thì việc đầu tiên là người lớn phải thực sự là những tấm gương sáng cho trẻ.

Trong gia đình được cha mẹ yêu thương, chăm sóc, gương mẫu trong lời ăn, tiếng nói. Ở trường, thầy cô tận tình dạy dỗ, khích lệ khả năng của trò, giúp trò hòa vào các hoạt động tập thể, biết sẻ chia cùng cộng đồng.

Điều không kém phần quan trọng là môi trường sống xung quanh trẻ phải an toàn. Trên các trang báo, phim ảnh hạn chế những cảnh cướp giật, đánh nhau, chém giết, hãm hiếp...

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế ta thấy những tấm gương xấu lại được phơi bày nhiều hơn là những tấm gương tốt.

Gieo yêu thương sẽ gặt hái những yêu thương (Ảnh minh họa: TTXVN)
Gieo yêu thương sẽ gặt hái những yêu thương (Ảnh minh họa: TTXVN)

Trẻ em sẽ không học được điều tốt đẹp nếu cha mẹ ít khi quan tâm, hỏi han việc học tập hàng ngày ở trường.

Một số phụ huynh kệ mặc con học được chữ nào ở trường thì học, về nhà chẳng bao giờ nhìn vào bài vở của con, chẳng bao giờ ngồi bên con trò chuyện, khuyên bảo học hành, định hướng cho con.

Làm sao con em mình lại không có thể bắt chước nếu cha mẹ nói tục, chửi thề, suốt ngày cắm cúi vào màn hình điện thoại. Làm sao trẻ em học được điều hay lẽ phải nếu cha mẹ các em hàng ngày hạch sách, vô lễ, thậm chí có người chửi bới ông bà mình.

Làm sao có thể trẻ con tốt lên khi hàng ngày cha mẹ nhậu nhẹt, cá độ, cờ bạc. Dù đứa trẻ đó có ngoan hiền bao nhiêu nhưng sống trong gia đình mà cha mẹ các em chưa gương mẫu chắc chắn sẽ bị tiêm nhiễm dần dần.

Học sinh sẽ không phục nếu thầy cô đối xử không công bằng giữa các học trò trong lớp với nhau. Những học sinh học thêm nhà thầy cô thì được nương nhẹ trong chấm điểm, trong trả bài hàng ngày trên lớp. Học sinh không học thêm thì bị phân biệt...

Học sinh sẽ bị tiêm nhiễm thói xấu nếu thầy cô chưa thực sự là tấm gương sáng để các em soi hàng ngày. Những ngôn ngữ “mày- tao” những hình phạt phi giáo dục trong lớp đâu đó vẫn cứ xảy ra sẽ ra tấm gương “rất xấu” trong mắt học trò.

Trẻ em như tờ giấy trắng, người lớn đã vẽ lên đó những gì? ảnh 2Phụ huynh ơi, sao lại đánh cô, chửi thầy?

Học sinh sẽ bắt chước chúng bạn  của mình khi vào lớp cứ mải mê vào màn hình điện thoại.

Những clip nhố nhăng, những game bạo lực, những bài hát nhảm nhí, những thần tượng xấu xí được đăng tải trên mạng Internet thì các em thích thú, bình phẩm, làm theo rất nhanh.

Những điều hay lẽ phải chẳng mấy khi các em nhìn đến nhưng những cái nhố nhăng thì lại bắt chước, học đòi!

Khi đi trên trường, nhiều khi các em phải chứng kiến người lớn vượt đèn đỏ, người lớn gây lộn khi vi phạm giao thông, người lớn đánh nhau khi xảy ra xích mích nho nhỏ trên đường.

Rồi những cảnh cướp giật, nẹt pô inh ỏi phố phường của những anh chị thanh niên đang phóng xe bạt mạng. Những điều này, chưa hẳn các em học theo ngay nhưng nó là hình ảnh sẽ lưu trong đầu trẻ nhỏ.

Biết đâu, khi trưởng thành thì các em sẽ làm những điều tương tự.

Học sinh sẽ ngại ngùng, hoảng sợ khi ra công viên gặp những cảnh yêu đương của một số anh chị lớn tuổi, sẽ giật mình khi nhìn thấy góc này một vài anh cầm kim tiêm chích vào tay, góc kia là những kim tiêm nằm chỏng chơ đầy sợ hãi.

Vì thế nên bây giờ khi hết giờ học ở trường thì cha mẹ nhiều khi không dám cho con mình ra khỏi nhà bởi sợ những rủi ro có thể xảy ra. Nhất là trong xóm, trong khu phố có một vài người nghiện thì cha mẹ lại càng đề phòng cao độ.

Vậy nên, các em chỉ ngồi thui thủi một mình trong nhà và làm bạn với màn hình điện thoại, laptop. Sự giao lưu, tiếp xúc với môi trường sống xung quanh của nhiều em cũng bị hạn chế.

Nhiều học sinh chỉ sống với thế giới ảo khi ở nhà và trở nên những con người lầm lì, ngại nói, ngại giao tiếp với mọi người.

Trẻ em như tờ giấy trắng, người lớn đã vẽ lên đó những gì? ảnh 3Tôi tự hào khi nhìn thấy những niềm vui ánh lên từ đôi mắt của các em

Trên các trang mạng thì bên cạnh cái tốt, cái hay cũng đan xen nhiều cái xấu, cái ác, cái không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Khổ nỗi, những cái hay cái tốt thì học sinh lại ít chú ý. Những cái nhảm nhí lại hay xem, hay thuộc và dễ bắt chước nhất.

Chính vì một số người lớn chưa gương mẫu, người lớn áp đặt tư tưởng, suy nghĩ cho trẻ nhỏ. Trong khi, môi trường sống bị thu hẹp khiến cho một bộ phận trẻ nhỏ bây giờ thụ động, thiếu nhiều kỹ năng sơ đẳng nhất trong cuộc sống hàng ngày.

Đây là điều mà mỗi bậc cha mẹ cũng cần thiết lưu tâm trong việc giáo dục trẻ nhỏ.

Ông bà ta xưa có câu: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nên cũng không thể bắt người này phải giống người kia. Nhà này phải giống nhà khác.

Song, có lẽ sẽ tốt hơn nếu mỗi bậc làm cha, làm mẹ biết bớt đi những thói vui riêng, những sở thích hàng ngày để dành cho con mình những khoảng thời gian nhiều nhất.

Mỗi thầy cô giáo ở trường hãy luôn là những tấm gương sáng trước học trò. Luôn đối xử bình đẳng với trò, biết hướng các em luôn làm những điều hay, lẽ phải.

Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người lớn chúng ta bớt đi cái tôi cá nhân để biết nhường nhịn nhau, đối xử nhân ái với nhau. Và, những cái hay, cái tốt của người lớn sẽ là tấm gương phản chiếu để học trò, để con em mình soi rọi hàng ngày.

Nhiều những câu chuyện đau lòng xảy ra, nhiều những thói xấu được hình thành ở trẻ nhỏ mà khi xảy ra khiến những bậc làm cha, làm mẹ và thầy cô phải đau lòng, ân hận...

Vì thế, quan tâm đến trẻ nhỏ hôm nay là đầu tư cho tương lai của gia đình và đất nước mình. Mỗi người lớn cần có một trách nhiệm với trẻ em, với gia đình, với xã hội mà mình đang sống mới mong có một tương lai tốt đẹp về sau.

NGUYỄN CAO