Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Nam Hải bắt đầu giữ khoảng cách với Bình Nhưỡng, động thái được Đa Chiều cho là Bắc Kinh muốn thoát ra khỏi ràng buộc "đồng minh máu" tiến tới bình thường hóa quan hệ. |
Tờ Đa Chiều ngày 15/10 đưa tin, hôm 14/10 khi tiếp Kim Moo-sung lãnh đạo đảng Saenuri, Hàn Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc tới việc 3 quan chức cấp cao Bắc Triều Tiên sang miền Nam dự lễ bế mạc ASIAD và bày tỏ hoan nghênh dấu hiệu cải thiện quan hệ 2 miền bán đảo.
Tuy nhiên ông Bình nói rằng vấn đề Bắc Triều Tiên không thể "giải quyết riêng", đàm phán 6 bên vẫn là trục xuyên suốt không thể xoay chuyển. Điều này cho thấy Trung Nam Hải dù rất khó chịu, nhưng vẫn không quay lưng lại với Bình Nhưỡng được.
Giới phân tích hầu hết cho rằng việc Bình Nhưỡng có dấu hiệu muốn cải thiện quan hệ với Mỹ - Nhật - Hàn khiến Bắc Kinh bất mãn, nhừng dù Triều Tiên có lạnh nhạt thì Bắc Kinh sẽ vẫn tiếp tục chịu đựng chứ không dám lật bài ngửa với nước láng giềng này.
Việc Bắc Triều Tiên bất mãn với láng giềng và cũng là đồng minh của mình không phải điều gì mới mẻ. Năm nay dịp kỷ niệm 61 năm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, Bình Nhưỡng không nhắc tới 1 chữ Trung Quốc, Bắc Kinh kỷ niệm ngày thành lập quân đội Tùy viên Quân sự Triều Tiên cáo bận, cử trợ lý đi dự.
Tại diễn đàn khu vực ASEAN tổ chức ở Myanmar hôm 10/8 Ngoại trưởng Triều Tiên bóng gió mỉa mai Bắc Kinh và gần nhất, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ông đã không gặp người đồng cấp Vương Nghị. Trung Quốc vẫn phải nhịn.
Tuy muốn "thoát Trung", nhưng Kim Jong-un không thể công khai đoạn tuyệt với Bắc Kinh. Lý do đầu tiên là bởi Bình Nhưỡng vẫn chưa được Mỹ - Nhật - Hàn hoàn toàn thừa nhận. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn là con bài mặc cả giữa Mỹ - Hàn và Trung Quốc.
Mặt khác, dù Bình Nhưỡng có quay sang tìm cách ve vãn Moscow thì trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây cô lập như hiện nay, Điện Kremlim chỉ còn biết dựa lưng vào Trung Nam Hải để chống đỡ nên khó có khả năng Nga có điều gì khiến Trung Quốc phật ý. Nhật Bản thì hầu như không có tiếng nói trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Theo Đa Chiều, Trung Nam Hải đã "nắm được thóp" Bình Nhưỡng nên dù Triều Tiên có bất mãn hay lạnh nhạt, Bắc Kinh cũng không quá lo ngại. |
Những điều này cho thấy lựa chọn ngoại giao của Bình Nhưỡng rất hạn chế. Bắc Kinh đã và đang nắm chắc quyền chủ đạo trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, công khai đoạn tuyệt với Bắc Kinh chỉ dồn Bình Nhưỡng tới chỗ bị cô lập hơn về mặt chiến lược.
Thứ hai về mặt kinh tế, khi Kim Jong-un liên tục đi thăm các công trình xây dựng, thiết lập 19 đặc khu kinh tế và bắt đầu chuyển giao quyền điều hành nền kinh tế cho chính phủ. Ít nhà phân tích nào hoài nghi quyết tâm cải cách kinh tế của Kim Jong-un. Trong khi Seoul vẫn không từ bỏ cấm vận với Bình Nhưỡng, Moscow còn cần Bắc Kinh đầu tư để phát triển Viễn Đông, Bắc Triều Tiên không thể bỏ qua sự hậu thuẫn từ Trung Quốc.
Trên thực tế, mặc dù quan hệ chính trị ngày một lạnh nhạt nhưng trên phương diện kinh tế đầu tư của Bắc Kinh vào quốc gia láng giềng này không thay đổi. Năm 2011 tổng kim ngạch thương mại Trung - Triều ước khoảng 5,6 tỉ USD, năm 2012 là 5,9 tỉ USD, năm 2013 tăng lên 6,5 tỉ USD.
Quan chức Bắc Triều Tiên vẫn liên tục sang Trung Quốc xúc tiến đầu tư. Trong lúc Mỹ - Hàn chưa mang lại lợi ích kinh tế nào đáng kể cho Bình Nhưỡng, Bắc Kinh vẫn là thị trường và đối tác lớn nhất của Bắc Triều Tiên nên dù có muốn "thoát Trung" cũng khó lòng thoát nổi.
Về mặt quân sự theo Đa Chiều, Mỹ - Hàn vẫn chưa từ bỏ uy hiếp quân sự đối với Bình Nhưỡng. Hiện nay cũng chỉ có duy nhất Trung Quốc có thể giúp Triều Tiên tránh được nguy cơ một cuộc xung đột quân sự trên bán đảo. Dù có bất mãn với Bắc Kinh đến mấy thì Bình Nhưỡng cũng không đủ can đảm cùng lúc đối đầu với cả Mỹ và Trung Quốc. Đa Chiều bình luận, chính quyền Kim Jong-un vừa muốn thoát Trung, nhưng vừa cần Trung Quốc làm hậu thuẫn trong đàm phán với Mỹ.
Ngược lại, Trung Nam Hải dù chẳng ưa gì Bình Nhưỡng nhưng cũng chỉ có thể ngầm gây sức ép chứ không bất mãn ra mặt, càng không thể lật bài ngửa với chính quyền Kim Jong-un lúc này.
Choe Ryong-hae đi Trung Quốc gặp Tập Cận Bình với tư cách đặc sứ của Kim Jong-un. Không hiểu sao về nước không lâu, ông bị mất chức. |
Đầu tiên về mặt chiến lược đối ngoại, Trung Quốc đã xác định phải duy trì bằng được cục diện hiện nay để đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực. Theo tờ báo của người Hoa hải ngoại, Trung Nam Hải buộc phải duy trì quan hệ với Triều Tiên cũng như Việt Nam, mặc dù mâu thuẫn trên Biển Đông đã gia tăng thành khủng hoảng nhưng Bắc Kinh sẽ không để cho nó đi quá xa.
Hiện nay vấn đề nghiêm trọng mà Bắc Kinh phải đối mặt là Biển Đông, Hoa Đông chứ không phải bán đảo Triều Tiên bởi vấn đề này vẫn luôn nằm trong khả năng kiểm soát của Trung Nam Hải. Trung Quốc chưa phải dùng đến thủ đoạn "đánh dập đầu" để dọa Bắc Triều Tiên.
Mặt khác, vấn đề căn bản đối với Bắc Kinh trong quan hệ với Bình Nhưỡng là hạt nhân và sự ổn định ở Đông Bắc Á. Trung Quốc không phải bên liên quan, mà là kẻ điều đình. Nếu lật bài ngửa với Bình Nhưỡng thì chẳng khác nào đứng về cùng phe với Mỹ.
Quan hệ Trung - Triều lạnh nhạt hiện nay ngoài thái độ muốn thoát Trung của chính quyền Kim Jong-un gây ra còn xuất phát từ phía Trung Quốc. Từ khi lên cầm quyền, Tập Cận Bình bắt đầu giữ khoảng cách với Bình Nhưỡng. Bắc Kinh cũng muốn thoát thân khỏi cái gọi là "đồng minh máu" để bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng.
Những động thái ngoại giao liên tục ve vãn Mỹ - Nhật - Hàn - Nga vừa rồi của Bình Nhưỡng, Trung Quốc không lạ gì. Đó là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Kim Jong-un muốn cải cách, phá vỡ thế cô lập về ngoại giao. Chỉ cần tỉnh táo và bình tĩnh kiềm chế Bình Nhưỡng, thì dù Triều Tiên có bất mãn thế nào cũng là chuyện của họ, cục diện bán đảo không bị đẩy lên căng thẳng đỉnh điểm và Trung Quốc căn bản không cần phải lật bài ngửa với Bắc Triều Tiên.