Để tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 nên có phần mềm học miễn phí, dễ tiếp cận

21/10/2024 06:36
Lương Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo các chuyên gia, để phổ cập tiếng Anh có thể kết hợp học với các công cụ trí tuệ nhân tạo, khuyến khích giáo viên nước ngoài tới Việt Nam giảng dạy.

Tại kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trình về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, một trong những nội dung được yêu cầu tập trung thực hiện là "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".

Bên cạnh đó, tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ tổ chức với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - ông Phạm Nhật Vượng đề xuất Chính phủ phổ cập tiếng Anh không chỉ ở trường công lập mà còn cho toàn dân... [1]

Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là cần thiết nhưng còn nhiều thách thức

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Ngô Huy Tâm - Chủ nhiệm Chương trình quốc tế, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa chia sẻ, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học đã được nhắc tới từ lâu.

Nếu coi tiếng Anh là ngoại ngữ, ngôn ngữ này sẽ được giảng dạy theo khung chương trình phổ thông với số tiết học, giáo trình, lộ trình và cách đánh giá riêng biệt. Tuy nhiên, khi tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, trẻ em có thể tiếp cận ngôn ngữ này từ khi còn nhỏ, trước độ tuổi tiểu học, thông qua môi trường ngôn ngữ xung quanh.

“Cần phân biệt rõ ràng giữa ngoại ngữ cần phải học (second language learning) và ngôn ngữ thứ hai cần thụ đắc (second language acquisition). Học là quá trình tư duy chủ động, trong khi thụ đắc có hướng tư duy thụ động, tương tự như cách chúng ta học tiếng Việt thông qua giao tiếp tự nhiên từ nhỏ.

Cá nhân tôi ủng hộ định hướng này, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, phát triển của công nghệ. Tuy nhiên, các bước và lộ trình cụ thể cần được làm rõ để chuẩn bị nguồn lực cần thiết và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội”, thầy Tâm nêu quan điểm.

Thầy Ngô Huy Tâm (bên trái) - Chủ nhiệm Chương trình quốc tế, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa. (Ảnh: NVCC)
Thầy Ngô Huy Tâm (bên trái) - Chủ nhiệm Chương trình quốc tế, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa. (Ảnh: NVCC)

Theo thầy Tâm, sự đồng thuận của xã hội là một dạng cam kết cộng đồng vì một mục tiêu chính sách chung của quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 cũng có nhiều thách thức. Dù chỉ đặt phạm vi trong ngành giáo dục hay trường học, chúng ta cũng làm rõ các thách thức này.

Thầy Tâm đặt ra những câu hỏi cần được làm rõ khi đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai như: Định nghĩa chính xác và nhất quán về ngôn ngữ thứ hai trong trường học là gì? Các rào cản về nguồn lực con người có được giải quyết triệt để trước khi tiến tới việc phổ cập tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai? Lộ trình xây dựng, thí điểm và đánh giá khả năng mở rộng mô hình này có khả thi trên phạm vi toàn quốc hay không?

Một thách thức khác là cần điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông hiện hành để phù hợp với yêu cầu mới, để tiếng Anh tác động tới mọi môn học. Theo thầy Tâm, nếu những lo ngại này được giải quyết thỏa đáng, Việt Nam có thể huy động tối đa các nguồn lực để tiến tới đạt mục tiêu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

“Nếu nhìn vào dữ liệu phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn tiếng Anh những năm gần đây, có thể đánh giá sơ bộ ngay về hiện trạng học tiếng Anh ở bậc phổ thông. Đánh giá cụ thể hơn, khi tham chiếu các báo cáo trên thế giới, Việt Nam vẫn là nước bị đánh giá có năng lực tiếng Anh trung bình.

Một hiện thực theo tôi chúng ta buộc phải đối diện là nguồn nhân lực về đào tạo ngoại ngữ hiện vẫn chưa đạt độ đồng đều về chất lượng lẫn số lượng, từ cấp địa phương đến quy mô toàn quốc, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa. Để đạt được mục tiêu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai, cần có những đột phá về các cơ chế liên quan đến cơ cấu, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục”, thầy Tâm cho biết.

Trong khi đó, cô Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu, người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam cho rằng: “Hiện tại, công nghệ đã phát triển vượt bậc, điện thoại thông minh đã có tính năng dịch tự động tại chỗ và sắp tới còn có nhiều công cụ hơn như tai nghe dịch. Giáo dục nên tập trung vào việc dạy tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề cho học sinh.

Ở vùng sâu, vùng xa, việc phổ cập tiếng Anh sẽ gặp nhiều khó khăn như thiếu giáo viên tiếng Anh hoặc giáo viên nước ngoài không muốn đến vùng sâu, vùng xa giảng dạy. Bên cạnh đó, chi phí học tập tiếng Anh cũng là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, hiện nay trí tuệ nhân tạo có thể đóng vai trò như gia sư tiếng Anh tại nhà, giúp học sinh tự học”, cô Quyên nhận định.

gdvn-cotothuydiemquyen1-giaoduc-net-vn-2350.jpg
Cô Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu, người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam. (Ảnh: Phạm Minh)

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông VIGER, chuyên gia cao cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành viên Ban điều hành Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới cho biết: “Việc phổ cập tiếng Anh lẽ ra cần được triển khai từ rất lâu, nhưng cách tiếp cận hiện nay vẫn còn lạc hậu.

Ở các trường trung học phổ thông, giáo viên thường chỉ dạy để học sinh biết chữ, không phải để sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày. Việc dạy học đang tập trung quá nhiều vào kiểm tra, thay vì trang bị kỹ năng sử dụng ngôn ngữ thực tế.

Tiếng Anh chưa thể trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam ngay, nhưng hướng tới điều này là rất cần thiết. Đây là một yêu cầu bắt buộc trong thời đại toàn cầu hóa. Nếu không biết tiếng Anh, chúng ta khó có thể giao tiếp với thế giới, vì hiện nay, hầu hết các quốc gia đều sử dụng tiếng Anh. Tri thức toàn cầu đang phát triển nhanh chóng và nếu không tiếp cận được kiến thức mới nhất từ thế giới, chúng ta sẽ bị tụt hậu. Để đi tắt đón đầu, cần nắm bắt những công nghệ, thông tin mới nhất và tiếng Anh là chìa khóa quan trọng".

Cần làm gì để từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2?

Theo thầy Ngô Huy Tâm, để từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 cần có những yêu cầu cao hơn với đội ngũ giáo viên thế hệ mới. Trước mắt cần có những đột phá trong cơ chế tuyển dụng, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực giáo dục. Giáo viên thế hệ mới cần sử dụng tiếng Anh thành thạo.

Tại các vùng sâu, vùng xa, “khoảng cách giáo dục” vẫn còn khá lớn so với thành thị. Giáo viên và học sinh vẫn gặp những hạn chế trong việc tiếp cận, tiếp nhận nguồn lực. Chẳng hạn, nếu trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp giáo viên ở thành thị nâng cao năng lực nhanh chóng, thì việc đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất cho các vùng núi, vùng sâu, vùng xa để giáo viên có thể ứng dụng công nghệ thông tin, làm chủ các công cụ AI trong giảng dạy tiếng Anh lại là một thách thức lớn.

Ngay cả các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ cũng phải đối mặt với khoảng cách giáo dục và cần nhiều biện pháp để thu hẹp. Đây là một nỗ lực liên tục của mỗi quốc gia và là mục tiêu phát triển bền vững mà UNESCO theo đuổi. Để giải quyết vấn đề này, cần có những chính sách mạnh mẽ hơn, như khuyến khích sinh viên sư phạm trở về công tác và cống hiến cho quê hương ở các vùng sâu, vùng xa.

Thầy Tâm cho biết thêm: “Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đã liên kết với các bên thứ ba nhằm giúp học sinh tiếp cận tiếng Anh với các giáo viên quốc tế. Các trường song ngữ, trường quốc tế cũng đã có cơ chế sử dụng giáo viên quốc tế để triển khai các chương trình song ngữ, chương trình liên kết nước ngoài.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm cá nhân trong tuyển dụng, sử dụng nhân lực quốc tế trong giáo dục, tôi đánh giá rằng việc này sẽ khó có thể nhân rộng ra quy mô toàn quốc.

Thứ hai, chi phí đầu tư cho nhân lực nước ngoài khá cao, nhân lực chất lượng chuyên gia lại càng cao hơn. Thêm vào đó, sự biến động nhân sự giáo viên quốc tế cũng là một vấn đề nan giải. Quan điểm của tôi là phát triển bền vững cần đến từ nội lực của quốc gia là chính, song song với tăng cường hợp tác quốc tế, bám sát các xu thế hội nhập để đẩy nhanh quá trình tự chủ", thầy Tâm nhấn mạnh.

Cũng theo thầy Tâm, một trong những khác biệt lớn so với 5 năm trước khi bàn về khả năng đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai là sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là các công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trước đây, việc thực hành kỹ năng nghe và nói phải có giáo viên bản ngữ nhưng hiện nay, điều này hoàn toàn có thể thực hiện qua các ứng dụng công nghệ với chi phí thấp hơn và tính tiện lợi cao hơn.

Trong tương lai gần, các ứng dụng học những môn học khác bằng tiếng Anh cũng phổ biến và có chi phí thấp dần. Đây là cơ hội để giáo dục ngôn ngữ tăng tốc về chất lượng và giảm chi phí. Các nhà quản lý, các giáo viên hiện cũng đang rất chủ động tự học thêm các kỹ năng làm chủ công cụ AI để phục vụ phát triển nghề nghiệp.

“Theo tôi có rất nhiều dư địa cho các tổ chức trong nước phát triển, hoàn thiện hơn các nền tảng giúp người dân Việt Nam tiếp cận tiếng Anh từ sớm, bài bản, với lộ trình cá nhân hóa, chính xác hóa, phù hợp với đặc thù văn hóa Việt Nam. Ở chiều ngược lại, càng nhiều công dân Việt Nam thành thạo tiếng Anh thì việc tiếp cận với tri thức, công nghệ mới của thời đại lại càng trở nên dễ dàng hơn và sản sinh ra nguồn lực lao động hiện đại.

Các chính sách trợ cấp học phí, hỗ trợ học tập cho người dân cũng có thể là một 'cú huých' để tạo đà cho việc toàn dân tiếp cận với định hướng xã hội song ngữ. Việc phát triển ngôn ngữ thứ hai không thể chỉ gói gọn trong nhà trường, mà các chính sách hỗ trợ, bảo trợ các cộng đồng học tập suốt đời là đòn bẩy để một chuyên gia đào tạo ra nhiều chuyên gia khác và lan tỏa không ngừng”, thầy Tâm nhận định.

Thầy Ngô Huy Tâm trong một buổi chia sẻ. (Ảnh: NVCC)

Thầy Ngô Huy Tâm trong một buổi chia sẻ. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, theo chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên, phổ cập tiếng Anh không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà cần sự phối hợp từ nhiều ban ngành khác nhau. Cần tạo ra môi trường sử dụng tiếng Anh hàng ngày, không chỉ trong trường học, mà còn ở các nơi công cộng như bệnh viện, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... Việc này sẽ giúp người dân tiếp cận tiếng Anh thường xuyên và dễ dàng hơn.

Hiện tại có rất nhiều công cụ và phần mềm học tiếng Anh tốt ở Việt Nam. Vùng sâu, vùng xa cũng không còn là nơi không có internet nữa, vì mạng internet đã phủ sóng rất mạnh, ngay cả ở những nơi xa xôi. Tuy nhiên, để phổ cập tiếng Anh toàn dân còn phụ thuộc vào sự quyết tâm của các bộ, ban ngành.

“Theo tôi nếu phối hợp với các công cụ công nghệ thì có thể phổ cập được tiếng Anh toàn dân. Đầu tiên cần phải đào tạo tất cả giáo viên, dù là dạy tiếng Anh hay không, để họ biết sử dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo để nâng cao khả năng tiếng Anh của mình”, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền cho hay, ở những địa phương phát triển du lịch, trẻ em và người dân địa phương có khả năng nói tiếng Anh tốt nhờ vào việc giao lưu với du khách quốc tế. Có thể phát triển du lịch để thu hút thêm khách quốc tế, từ đó người dân có thêm cơ hội học hỏi và sử dụng tiếng Anh. Điều này sẽ mang lại lợi ích lớn, không chỉ cho cá nhân mà còn cho xã hội, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng giáo viên.

Hiện tại, chất lượng giảng dạy tiếng Anh còn nhiều hạn chế. Giáo viên thường dạy theo sách vở thiếu kỹ năng giao tiếp thực tế. Nhiều giáo viên giảng dạy chỉ vì công việc, thiếu tâm huyết và sự sáng tạo trong cách dạy. Điều này cần được cải tổ để nâng cao chất lượng đào tạo, giúp học sinh có thể áp dụng kiến thức vào thực tiễn.

Cần phải đưa việc học tiếng Anh vào cuộc sống hàng ngày. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong học tiếng Anh hiện đang rất phổ biến với nhiều phần mềm hỗ trợ hiệu quả. Tuy nhiên, chúng vẫn chỉ là công cụ, và không thể thay thế hoàn toàn con người.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông VIGER, chuyên gia cao cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành viên Ban điều hành Mạng lưới Quản lý giáo dục Không Biên giới. (Ảnh:NVCC)

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông VIGER, chuyên gia cao cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành viên Ban điều hành Mạng lưới Quản lý giáo dục Không Biên giới. (Ảnh:NVCC)

Ngoài ra, theo cô Huyền giáo viên quốc tế có thể mang lại lợi ích lớn khi giảng dạy tại Việt Nam, không chỉ cho học sinh mà còn cho cả giáo viên. Do đó, cần có thêm các chính sách cởi mở hơn để khuyến khích giáo viên quốc tế đến giảng dạy, đặc biệt là tại các trường công lập.

Một giải pháp khác có thể áp dụng là ưu tiên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh. Những môn như Toán, Khoa học, và Công nghệ có nội dung tương đồng trên toàn thế giới, và việc giảng dạy các môn này bằng tiếng Anh sẽ giúp học sinh sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên và hiệu quả.

Ngoài ra, Chính phủ có thể hỗ trợ bằng cách tạo ra các kênh học trực tuyến, miễn phí cho người dân để tiếp cận kiến thức. Để toàn dân học tiếng Anh, cần có các biện pháp kiên quyết trong việc tuyển dụng và yêu cầu trình độ tiếng Anh đối với các viên chức và công chức, giống như cách Singapore đã làm.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baochinhphu.vn/cac-doanh-nghiep-tu-nhan-hien-ke-chung-tay-phat-trien-kinh-te-dat-nuoc-102240921114544608.htm

Lương Hiền