Tân Hoa Xã ngày 8/12 dẫn nguồn tin tờ Quân giải phóng cùng ngày cho biết, máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới do Trung Quốc chế tạo đã được nước này "biên chế, trang bị" cho lực lượng quân sự từng tham gia đánh chiếm (xâm lược phi pháp) nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) năm 1974.
Chiến đấu cơ và phi công Trung Quốc, hình minh họa: SCMP. |
Bản tin trên Quân giải phóng và Tân Hoa Xã đưa lại không nói rõ phiên hiệu đơn vị tiếp nhận cũng như tên gọi của loại máy bay ném bom này, chỉ nói rằng đó là loại máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới do Trung Quốc nghiên cứu, chế tạo.
Đa Chiều ngày 8/12 cho rằng, đó là oanh tạc cơ H-6K và chúng đã được biên chế cho lực lượng quân sự đang đồn trú (bất hợp pháp) ngoài quần đảo Hoàng Sa hiện nay.
Trong một động thái khác có liên quan, Morning News USA ngày 8/12 dẫn nguồn tin IHS Jane 360 cho biết, Trung Quốc trước đó đã điều động 8 chiếc H-6K phân thành 2 tốp tập trận (bất hợp pháp) trên Biển Đông.
Động thái này góp phần thúc đẩy việc Mỹ triển khai máy bay do thám P-8 Poseidon tại Singapore để giám sát các hoạt động quân sự của Trung Quốc ngoài đảo nhân tạo mà họ bồi lấp (bất hợp pháp) ở Trường Sa.
Nếu những thông tin này được kiểm chứng thì đó là bằng chứng rõ nhất cho thấy các hoạt động leo thang quân sự hóa Biển Đông mà phía Trung Quốc đang tiến hành.
Hành vi đó vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, chà đạp luật pháp quốc tế và đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông.
Đồng thời những hành vi leo thang như vậy một lần nữa chứng minh với thế giới rằng, những cam kết của lãnh đạo Trung Quốc về việc không theo đuổi quân sự hóa Biển Đông chỉ là lời nói đầu môi chót lưỡi, không đáng tin cậy - PV.