Máy bay chiến đấu đa năng J-10 Trung Quốc |
Mạng "Ngôi sao" Nga ngày 23 tháng 4 đưa tin, những năm gần đây, bất chấp sự phản đối kien quyết và sức ép của Mỹ, Israel giúp Trung Quốc chế tạo máy bay chiến đấu đa năng, máy bay không người lái và tên lửa hành trình, trở thành một trong những nước chủ yếu xuất khẩu vũ khí hiện đại cho Trung Quốc.
Chuyên gia cho rằng, Israel xuất khẩu vũ khí cho Trung Quốc chỉ đứng sau Nga, hơn nữa còn có xu thế tăng lên rõ rệt.
Ngày 5 tháng 1 năm 2007, Bắc Kinh đã chính thức công bố thông tin về máy bay chiến đấu đa năng J-10 Mãnh Long phiên bản mới nhất của Công ty máy bay Thành Đô Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, J-10 thoát thai từ quan hệ với máy bay chiến đấu Kfir Israel đã không còn gì lạ. Việc nghiên cứu chế tạo máy bay J-10 trở thành một minh chứng nữa của hợp tác quân sự giữa hai nước bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỷ trước.
Năm 1984, lần đầu tiên có thông tin báo chí cho biết, Israel giúp Trung Quốc nâng cấp xe bọc thép Liên Xô mà Quân đội Trung Quốc trang bị.
Chuyên gia độc lập Hồng Kông Bình Khoa Phu cho rằng, năm 1986, nhiều chuyên gia lĩnh vực chế tạo hàng không quân sự Israel đã đến Thành Đô, Tứ Xuyên - một trung tâm của công nghiệp hàng không-vũ trụ Trung Quốc, cuộc sống của họ ở Trung Quốc được giữ bí mật nghiêm ngặt.
Tên lửa đất đối hạm YJ-62 |
Trước khi các kỹ sư hàng không Israel xuất hiện ở Trung Quốc đã xuất hiện một loạt sự việc, ý nghĩa và tầm quan trọng của nó mãi đến những năm gần đây mới có thể hoàn toàn lý giải.
Vào đầu thập niên 1980, Israel bắt đầu thực hiện chương trình Kfir, mục tiêu thiết kế máy bay của Israel là chế tạo được một loại máy bay chiến đấu có tính năng kỹ chiến thuật ưu thế hơn so với F-16A/B của Mỹ. Mục tiêu này trên thực tế đã được thực hiện, minh chứng là máy bay Israel đã bay thử.
Mỹ ý thức được rằng, bản thân họ đã gặp phải một đối thủ cạnh tranh nguy hiểm, sau đó, lấy lý do bảo vệ công nghiệp hàng không nước mình, lo ngại máy bay tiêm kích Israel có thể xuất khẩu cho các nước không thân thiện với phương Tây, Mỹ bắt đầu tìm cách ngăn chặn hoàn toàn chương trình Kfir. Dưới sức ép mạnh mẽ của Mỹ, Israel bị ép chấm dứt chương trình này vào năm 1987.
Nhưng, thành quả nghiên cứu phát triển của các nhà thiết kế máy bay Israel hoàn toàn không lãng phí. Có thể Trung Quốc và Israel đã đạt được thỏa thuận bí mật, Israel đã bán một phần tài liệu thiết kế máy bay đã nghiên cứu chế tạo cho Trung Quốc. Về sau các kỹ sư máy bay Israel xuất hiện ở Thành Đô, Trung Quốc, giúp nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu J-10.
Ngoài thiết kế bố cục khí động học của máy bay chiến đấu Trung Quốc, chuyên gia Israel còn giúp thiết kế một loạt hệ thống điện tử của máy bay, trước hết là hệ thống điều khiển máy bay và hệ thống radar. Radar lắp trên J-10 thực chất là hệ thống radar ELM-2021 của Israel, hệ thống điều khiển hỏa lực cũng do Israel sản xuất.
Tên lửa siêu âm YJ-12 Trung Quốc |
Vì thế, khi đó Trung Quốc đã thực hiện 3 nghĩa vụ: Thứ nhất, không bán máy bay chiến đấu mới cho kẻ thù trực tiếp hoặc tiềm tàng của Israel.
Thứ hai, cho phép Israel tận dụng toàn diện thành quả nghiên cứu phát triển do Trung Quốc thực hiện dưới sự tham gia của Israel. Thứ ba, với tư cách là đối tác hợp tác hoàn toàn bình đẳng, hai nước bán máy bay chiến đấu cho nước thứ ba.
Những thỏa thuận này đến nay vẫn là nền tảng hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Trung Quốc và Israel. Trung Quốc nhấn mạnh, phát triển hợp tác quân sự bình thường với Israel là vấn đề quan hệ hai nước, hoàn toàn không nhằm vào nước thứ ba, đây là lập trường nhất quán kiên trì của Chính phủ Trung Quốc.
Mỹ ngăn cản Israel chuyển nhượng công nghệ cho Trung Quốc
Vào đầu thập niên 1990, mối liên hệ chặt chẽ giữa Israel và Trung Quốc lần đầu tiên được tuyên bố công khai. Ngày 22 tháng 1 năm 1992, hai nước đạt được thỏa thuận xây dựng quan hệ ngoại giao toàn diện. Từ đó trở đi, quan hệ hai nước không ngừng phát triển sâu sắc.
Với tư cách là quốc gia công nghệ cao dẫn trước thế giới, Israel rất quan tâm đến việc thu hút đầu tư của Trung Quốc vào các chương trình sáng tạo của họ. Cùng với sự thay đổi của thời gian, Trung Quốc thậm chí có thể chống chọi lại với Mỹ. Đến nay, đã có hơn 1.000 công ty Israel đang tham gia các chương trình của Trung Quốc.
Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 Trung Quốc |
Quan hệ giữa Israel và Mỹ “hạ nhiệt” cũng đã tăng cường phương hướng mới của chính trị Israel, đó là củng cố toàn diện quan hệ với Trung Quốc, trước hết là quan hệ kinh tế và quân sự, bổ nhiệm Matan Vilnai, người từng giữ cương vị phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Israel, làm Đại sứ tại Trung Quốc chính là một minh chứng.
Báo cáo của Ủy ban quan hệ Trung-Mỹ của Quốc hội Mỹ chỉ ra, Israel là nước cung cấp chủ yếu của công nghệ quân sự phức tạp Trung Quốc. Tel Aviv đã cung cấp cho Hải quân Trung Quốc thiết bị đánh chặn mục tiêu và điều khiển hỏa lực, tên lửa hành trình YJ-92, YJ-62 và YF-12A, hệ thống radar, radar máy bay, thiết bị quang học và viễn thông, máy bay không người lái và thiết bị mô phỏng bay, thiết bị quan sát ảnh nhiệt.
Máy bay chiến đấu Không quân Trung Quốc trang bị tên lửa không đối không Python-3 của Israel. Israel còn giúp Trung Quốc nghiên cứu chế tạo tên lửa đất đối không HQ-9/FT-2000. Tháng 7 năm 2002, các nhà quan sát phát hiện, Trung Quốc cũng đã sử dụng máy bay không người lái chống radar Harpy của Israel trong diễn tập quân sự ở tỉnh Phúc Kiến.
Mỹ thường có ý đồ ngăn chặn hợp tác kỹ thuật quân sự Trung Quốc-Israel. Mỹ-Israel từng xảy ra xung đột nghiêm trọng do thỏa thuận cung cấp máy bay cảnh báo sớm cho Trung Quốc. Căn cứ vào điều kiện giao dịch, Israel cần trang bị radar cảnh báo sớm Phalcon cho 3 máy bay của Trung Quốc.
Tên lửa phòng không FD-2000, phiên bản xuất khẩu của HQ-9 |
Nhưng, dưới sức ép mạnh mẽ của Mỹ, tháng 7 năm 2000, Israel buộc phải từ bỏ giao dịch trị giá 1 tỷ USD tiềm năng này, 2 năm sau Tel Aviv đã thanh toán số tiền vi phạm hợp đồng 300 triệu USD cho Bắc Kinh.
Lĩnh vực hợp tác
Cùng với sự phát triển của hợp tác kỹ thuật quân sự phong phú giữa Trung Quốc và Israel, những năm gần đây, xu thế tiếp tục tăng cường liên hệ trực tiếp giữa quân đội hai nước bắt đầu thể hiện rõ. Trung Quốc tích cực nghiên cứu kinh nghiệm chiến đấu thực tế của Israel.
Có nhà bình luận quân sự Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc cần học tập Israel, có phản ứng cứng rắn Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Lưu Á Châu, Giám đốc Đại học quốc phòng Trung Quốc, người từng dẫn đoàn đại biểu quân sự Trung Quốc đến thăm Israel, cho rằng, cần thiết tăng cường hợp tác với Không quân Israel, học tập kinh nghiệm tiên tiến của Quân đội Israel.
Trong một tác phẩm bình luận về không chiến trên thế giới có đánh giá về triển vọng phát triển của Không quân Trung Quốc, ông cho rằng, nếu nói không quân là vũ khí sắc bén của quốc gia, thì Israel chính là “kiếm khách” hàng đầu không gì sánh kịp.
Trung Quốc đã có nhiều loại máy bay không người lái |
Tổng tham mưu trưởng quân đội hai nước Trung Quốc và Israel thường xuyên thăm lẫn nhau, hai nước thường duy trì giao lưu quân sự các cấp, bao gồm giao lưu giữa giới tình báo và hải quân. Bắc Kinh có kế hoạch tận dụng kinh nghiệm đấu tranh chống khủng bố của Israel để giải quyết vấn đề Tân Cương.
Trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được với Israel, 53 sĩ quan cảnh sát cấp cao Trung Quốc đã được đào tạo chống khủng bố tại căn cứ biên phòng ở Beth-Horon, miền bắc Israel, khi tốt nghiệp đã được Cảnh sát trưởng Israel David Cowan tiếp kiến. Nhưng, Cảnh sát Israel từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.