Ngày 8 tháng 4 năm 2014, tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel |
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 23 tháng 4 dẫn báo chí Nhật Bản cho rằng, gần đây khi đến Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã bị Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long lên án gay gắt.
Trước khi đến Bắc Kinh, ông Chuck Hagel nói: "Bạn không thể đến khắp thế giới phân chia lại biên giới quốc gia, dùng vũ lực, uy hiếp, đe dọa để xâm phạm lãnh thổ và chủ quyền của nước khác, bất kể là các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, hay nước lớn ở châu Âu".
Đáp lại, khi gặp ông Chuck Hagel ở Trung Quốc, Phạm Trường Long nói: "Người Trung Quốc, trong đó có cá nhân tôi rất không hài lòng (bất mãn) khi nhìn thấy (những lời nói và hành động của phía Mỹ)".
Lời nói cứng rắn qua lại như vậy hoàn toàn không gặp thường xuyên, nó dẫn đến 2 vấn đề thú vị:
Thứ nhất, chúng ta nên hiểu tại sao cấp cao quân đội Trung Quốc và Mỹ đấu khẩu không bình thường như vậy? Có người cho rằng, phát biểu “thẳng thắn” của Phạm Trường Long có lẽ là một việc tốt, bởi vì nó có thể làm giảm hiểu nhầm và đoán nhầm giữa hai bên.
Ông Chuck Hagel và Phạm Trường Long |
Nhà nghiên cứu cao cấp Bonnie Glaser, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho rằng: "Giả thiết Trung Quốc và Mỹ không có bất đồng là không sáng suốt và nguy hiểm".
Điểm này rất quan trọng: Hai bên đều hiểu rõ, họ đều có bất đồng nghiêm trọng trong rất nhiều vấn đề, thừa nhận bất đồng không phải là nói suông, mà là bước đi đầu tiên hướng tới thương lượng có hiệu quả.
Một vấn đề thú vị khác là: Tại sao tướng Phạm Trường Long lại nói thẳng như vậy? Có mấy cách giải thích đối với vấn đề này, trong đó có chủ nghĩa dân tộc, phong cách cá nhân và chính sách đe dọa.
Loại giải thích thứ nhất là thường gặp, cho rằng, sự ngóc đầu của “chủ nghĩa dân tộc” đã làm cho ngoại giao Trung Quốc những năm gần đây, về tổng thể là tự tin và quyết đoán hơn. Nhưng, điều này không thể giải thích chính sách ngoại giao chung của Trung Quốc hay phát biểu của ông Phạm Trường Long.
Bởi vì, người dân bình thường của Trung Quốc không có "chủ nghĩa dân tộc" như vậy. Hơn nữa, ở Trung Quốc, "chủ nghĩa dân tộc" hoàn toàn không ngóc đầu dậy, mà luôn rất bị động. Ngoài ra, chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc không thống nhất với chính sách ngoại giao bình thường mang tính hợp tác của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại cuộc họp báo sau hội đàm ngày 8 tháng 4 năm 2014 |
Điểm này rất quan trọng, bởi vì các nhà bình luận khi lấy “chủ nghĩa dân tộc” giải thích lập trường của Trung Quốc, luôn lựa chọn vấn đề mang tính thành kiến.
Nói cách khác, họ thường quên là, Trung Quốc thực sự đang có một số vấn đề - thậm chí trong những vấn đề có liên quan đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc luôn có sự thỏa hiệp.
Trên thực tế, trong thời gian ông Chuck Hagel thăm Bắc Kinh, quân đội hai nước đã đạt "7 đồng thuận". Điều thú vị là, ít có phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin về những đồng thuận này, đa số quan tâm đến việc Trung Quốc buông ra các phát biểu cứng rắn.
Cách giải thích thứ hai có liên quan nhất định với cá tính của tầng lớp lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, nhất là phong cách phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Có lúc, nhà lãnh đạo thực sự đóng vai trò quan trọng trong chính trị quốc tế, nhưng hiện nay vẫn chưa rõ ông Tập Cận Bình thể hiện sự cứng rắn mới là do cá tính của ông hay là kết quả từ sức mạnh quốc gia tăng lên của Trung Quốc.
Ngày 9 tháng 4 năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội kiến với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel |
Điều quan trọng hơn là, chính sách ngoại giao của Trung Quốc là kết quả tác động lẫn nhau giữa môi trường trong nước và môi trường quốc tế. Cá nhân nhà lãnh đạo chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho đường lối chính, ít có nhà lãnh đạo có thể làm đảo ngược nó.
Cách giải thích thứ ba coi phát biểu cứng rắn của ông Phạm Trường Long là một tín hiệu cho thấy, Trung Quốc muốn ngăn cản Mỹ can thiệp vào tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước châu Á khác.
Vì vậy, xem ra, "lời nói suông" thực sự có tính toán chiến lược sâu sắc. Để đạt được hiệu quả răn đe, một nước chắc chắn đồng thời phô trương thực lực và thể hiện quyết tâm.
Trong thời gian ông Chuck Hagel thăm Trung Quốc, Trung Quốc đã làm (hoặc muốn làm) 2 việc sau: Một là, để cho ông Chuck Hagel thăm tàu sân bay Liêu Ninh, tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc. Hai là, thông qua lời nói cứng rắn để thể hiện quyết tâm của Trung Quốc.
Đương nhiên, Trung Quốc phải chăng đã thành công thể hiện được thực lực hoặc quyết tâm thì vẫn còn phải bàn. Nhưng, điều nên rõ ràng là, đây là sách lược của Trung Quốc, cũng là một sách lược “thông minh” dựa trên “học thuyết đe dọa truyền thống”.
Ngày 8 tháng 4 năm 2014, tại cuộc họp báo sau hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền là "lợi ích cốt lõi", Trung Quốc có chủ quyền (bất hợp pháp) đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận (của Việt Nam). "Chủ quyền là không thỏa hiệp, không nhượng bộ, không giao dịch, không cho phép xâm phạm một ly". Trong hình là Trung Quốc cho quân xuống tận bãi ngầm James - phía nam Biển Đông để làm cái gọi là "tuyên thệ bảo vệ chủ quyền" bất hợp pháp. |