Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe |
Mạng quan sát quân sự Nga ngày 28 tháng 1 đưa tin, Nhật Bản và Trung Quốc dần dần trở thành đối thủ chủ yếu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nếu như nói vào nửa đầu thế kỷ Nhật Bản có ưu thế không thể tranh cãi, tình hình hiện nay đã thay đổi. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe so sánh tình hình châu Á-Thái Bình Dương hiện nay với đêm trước của Chiến tranh thế giới thứ nhất, cho rằng Trung-Nhật đóng vai trò của Anh và Đức trước đây trong cuộc đối đầu này.
Tại diễn đàn kinh tế thế giới Davos, Thủ tướng Nhật Bản phát biểu so sánh quan hệ Trung-Nhật với cạnh tranh Anh-Đức trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ông Shinzo Abe cho rằng, mặc dù hai nước lớn Anh, Đức trước chiến tranh có quan hệ kinh tế và thương mại toàn diện, nhưng điều này hoàn toàn không cản được xung đột giữa hai nước.
Thủ tướng Nhật Bản đồng thời chỉ trích kế hoạch quân sự quy mô lớn của Trung Quốc trở thành nguyên nhân chủ yếu gây bất ổn khu vực.
Phát biểu liên quan đến chiến tranh của ông Shinzo Abe ám chỉ rất rõ ràng. Hiện nay, Nhật Bản và Trung Quốc cũng có quan hệ kinh tế phát triển. Khi phản bác khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể nổ ra xung đột khu vực lớn, rất nhiều chuyên gia chủ yếu dựa vào nhân tố kinh tế, tuyên bố chiến tranh vô ích, hợp tác có lợi hơn.
Nhưng kinh tế hoàn toàn không phải là nhân tố chính dẫn đến chiến tranh. Huống hồ, chiến tranh có thể thúc đẩy phát triển công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật và tái thiết cơ sở hạ tầng.
Mặc dù Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga sau đó vội vàng giải thích thay cho ông Shinzo Abe, muốn làm lặng sóng những dư luận có liên quan, cho biết, ông Shinzo Abe hoàn toàn không cho rằng hai nước Trung-Nhật có thể nổ ra chiến tranh, mà là tán thành tập trung cho đối thoại và pháp lý, ủng hộ hạn chế "bành trướng quân sự không ngừng ở châu Á".
Khi phát biểu tại Davos, Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi các nước lớn khu vực không được tăng cường thực lực quân sự, cần xây dựng cơ chế quản lý chống khủng hoảng, xây dựng kênh trao đổi giữa quân đội hai nước Trung-Nhật.
Đợt lạnh nhạt mới của quan hệ Trung-Nhật có nguồn gốc từ tranh chấp lãnh thổ đảo Senkaku giữa hai nước vào cuối năm 2013. Tháng 11 năm 2013, Bắc Kinh tuyên bố lập ra Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông, bao trùm lên phần lãnh thổ “tranh chấp”, kết quả đã gây ra phản ứng phẫn nộ từ Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.
Máy bay Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục bay tuần tra thường lệ ở khu vực tranh chấp. Đối với vấn đề này Trung Quốc đã lựa chọn “kiềm chế”, chưa làm trầm trọng hơn xung đột, cho dù ban đầu họ từng dọa sẽ ép máy bay "tự tiện xông vào" phải hạ cánh.
Nhật Bản đặt mua 42 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ |
Bước đi lớn hơn của Nhật Bản là thông qua chiến lược quốc phòng mới vào tháng 12 năm 2013, tăng ngân sách quân sự, trang bị vũ khí trang bị mới cho Lực lượng Phòng vệ, nâng cao khả năng cơ động, trao quyền triển khai ở nước ngoài cho lực lượng này. Ngoài ra còn nâng cấp hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa.
Các đơn vị quân đội Nhật Bản triển khai trọng điểm hướng khu vực tây nam, nhằm vào lãnh thổ "có tranh chấp" với Trung Quốc, binh đoàn sắp triển khai ở khu vực đông nam Nhật Bản sẽ duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.
Để có thể đối đầu với Trung Quốc trên biển, Nhật Bản đang thành lập binh đoàn đổ bộ đặc biệt có thể thực hiện nhiệm vụ đoạt đảo, trang bị máy bay cánh xoay Osprey và tàu tần công đổ bộ.
Chiến lược quốc phòng mới Nhật Bản bao gồm cả kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Kế hoạch ngắn hạn là 5 năm (2014-2018), kế hoạch dài hạn là 10 năm. Quân đội Nhật Bản đã được coi là quân đội chuyên nghiệp, sở hữu vũ khí trang bị mới nhất.
Căn cứ vào số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, năm 2013 chi tiêu quân sự Nhật Bản xếp thứ năm thế giới, chỉ thấp hơn Mỹ, Trung Quốc, Nga và Anh. Ngân sách quân sự Nhật Bản khoảng 58 tỷ USD. Là đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Nhật Bản ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc chi tiêu dùng cho nhu cầu quốc phòng Trung Quốc trên 114 tỷ USD.
Trong mấy năm tới, Nhật Bản chi khoảng 240 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu quốc phòng. Năm 2014, chi tiêu quân sự của Nhật Bản có thể xếp thứ tư thế giới, qua vài năm nữa có thể đứng thứ ba thế giới. Mặc dù khủng hoảng kinh tế kéo dài vẫn đang tiếp diễn, ngân sách tài chính của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vẫn sẽ tăng 2,6%, sau đó sẽ còn tiếp tục tăng 5%.
Nhật Bản sẽ tiếp tục trở thành nước lớn quân sự, mưu cầu bản thân có vị thế đặc biệt trên thế giới. Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật Bản bị tàn phá, bị ép từ bỏ quân đội thông thường.
Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản (dưới sự giám sát của Tư lệnh quân đồn trú Mỹ MacArthur) tuyên bố từ bỏ quyền lợi của quốc gia có chủ quyền, đó là từ bỏ có quân đội và quyền giao chiến. Nhật Bản còn từ bỏ sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp quốc tế.
Tàu khu trục tên lửa Aegis lớp Atago Nhật Bản |
An ninh của Nhật Bản do quân Mỹ bảo đảm. Tấn công Nhật Bản đến nay vẫn được coi là tấn công Mỹ. Đối với Nhật Bản, người Mỹ từng bước từ người chiếm đóng biến thành đồng minh chủ yếu. Nhật Bản cần Mỹ để ngăn chặn Liên Xô và Trung Quốc. Hơn nữa, ban đầu không cần quân đội nên có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền ngân sách để Nhật Bản giải phóng lớn sức lao động.
Nhưng, xét tói mối đe dọa của Liên Xô và Trung Quốc, Mỹ cho phép Nhật Bản thành lập lực lượng an ninh quốc gia, đồng thời năm 1954 cải tổ thành Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Về hình thức, Lực lượng Phòng vệ thuộc tổ chức dân sự (phi quân sự).
Đến đầu thế kỷ 21, dưới sự hỗ trợ toàn lực của Mỹ, Lực lượng Phòng vệ chuyển đổi thành quân đội chuyên nghiệp khổng lồ. Nhật Bản tạm thời còn chưa có một số loại vũ khí mang tính tấn công, những hạn chế hợp tác kỹ thuật quân sự với nước lớn khác vừa mới bắt đầu xóa bỏ, Nhật Bản cũng chưa sở hữu vũ khí hạt nhân.
Nhưng, Nhật Bản phát triển thành cường quốc quân sự thực sự chỉ là vấn đề thời gian, tiến trình này hiện đã rất rõ ràng, hơn nữa sớm muộn sẽ hoàn thành.
Sau khi CHDCND Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo vào tháng 8 năm 1998, Nhật Bản đưa ra vấn đề xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa. Năm 2004 Mỹ-Nhật ký bản ghi nhớ, tạo nền tảng cho hai nước hợp tác phòng thủ tên lửa. Tokyo cho phép Mỹ triển khai radar tuyến đầu ở lãnh thổ của Nhật Bản, tham gia sản xuất và mua sắm tên lửa đánh chặn SM-3, Patriot và Aegis.
Năm 2007 Nhật Bản tuyên bố có kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia, phòng bị mối đe dọa tiềm tàng từ CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc. Hiện nay nền tảng của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia Nhật Bản là 6 tàu khu trục Aegis trang bị tên lửa đánh chặn SM-3. Hải quân Nhật Bản sẽ nhanh chống trang bị thêm 2 tàu chiến loại này. Năm 2013, Mỹ tuyên bố sẽ triển khai radar phòng thủ tên lửa thứ hai tại Nhật Bản.
Tên lửa Patriot Nhật Bản |
Năm 2005, nhà cầm quyền Nhật Bản trao cho Lực lượng Phòng vệ vị thế tổ chức quân sự, theo đó phải sửa đổi Hiến pháp. Năm 2006, Nhật Bản đã thông qua dự luật dành vị thế cấp bộ cho Lực lượng Phòng vệ. Năm 2010, Nhật Bản nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu công nghệ quân sự. Các công ty Nhật Bản đã có được quyền thành lập doanh nghiệp liên doanh với công ty nước ngoài.
Gần đây, đại diện Đảng Tự do Dân chủ bắt đầu tích cực thực hiện quan điểm quân sự hóa của Nhật Bản.
Tháng 12 năm 2012, sau khi lên cầm quyền, Đảng Tự do Dân chủ đã phê chuẩn phương án cải cách quy mô lớn lực lượng vũ trang, quy định phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, dành quyền lợi triển khai hành động ở nước ngoài cho Lực lượng Phòng vệ, thành lập Thủy quân lục chiến. Mùa xuân năm 2013, phương án này được Ủy ban Quốc phòng phê chuẩn.
Cải cách quân sự Nhật Bản có mấy nhân tố đặc biệt sau: Thứ nhất, lực lượng vũ trang Nhật Bản được quyền hành động ở nước ngoài, được phép tấn công căn cứ kẻ thù. Trước kia Lực lượng Phòng vệ chỉ chức năng phòng ngự, hiện nay đã hủy bỏ những hạn chế này.
Thứ hai, năm 2014 Chính phủ Nhật Bản sẽ phê chuẩn thông qua quyền tự vệ tập thể. Như vậy, nếu có người tấn công đồng minh, Nhật Bản sẽ viện trợ. Đối với Nhật Bản, đây là sự đột phá về chính trị. Hiện nay, phạm vi hoạt động quân sự của Nhật Bản hầu như đến toàn thế giới, không còn giới hạn ở việc bảo vệ quần đảo Nhật Bản không bị xâm lược.
Thứ ba, Nhật Bản sửa đổi lệnh cấm nhập vũ khí, tăng cường phát triển hợp tác công nghệ quân sự đối ngoại. Điều này sẽ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, thúc đẩy thành quả nghiên cứu phát triển quân sự Nhật Bản tiến quân ra thị trường thế giới.
Hiện nay, Nhật Bản đã tiến vài bước trước trên hướng này. Năm 2012, Nhật Bản và Anh ký kết thỏa thuận hợp tác lĩnh vực nghiên cứu phát triển chung hệ thống quân sự. Anh trở thành quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận tương tự, ngoài Mỹ.
Thủy phi cơ cỡ lớn US-2 do Nhật Bản sản xuất |
Năm 2013 Nhật Bản bắt đầu tiến hành đàm phán hợp tác nghiên cứu chế tạo vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ. Đầu năm 2014, Nhật Bản tích cực thúc đẩy hợp tác công nghệ quân sự với Ấn Độ, hiện nay đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc Ấn Độ mua thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản. Nhật Bản còn hầu như đồng thời đạt được nhất trí với Pháp, tăng cường hợp tác công nghệ quân sự, chương trình ưu tiên là máy bay không người lái, máy bay trực thăng và tàu ngầm.
Rõ ràng, Nhật Bản đang tích cực tăng cường quan hệ quân sự với các nước lớn NATO. Anh, Pháp đều là nước lớn quân sự sở hữu vũ khí hạt nhân và công nghệ quân sự hiện đại. Anh đã bảo lưu hệ thống thực dân mới tên là "các nước trong liên hiệp Anh", hầu như đã bao gồm tất cả các lãnh thổ trước của đế quốc Anh.
Pháp cũng có thể chế tương tự ở châu Phi, thông qua hệ thống tài chính khu vực đồng phơ-răng kiểm soát các khu vực thực dân trước đây. Đồng thời, Pháp còn đang tích cực tăng cường chính sách quân sự đối với các nước châu Phi. Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù có tính độc lập nhất định, cũng là nước thành viên của NATO. Ấn Độ lại là kẻ địch tiềm tàng chủ yếu của khu vực Nam Á.
Thứ tư, Nhật Bản đã thông qua một bộ luật, quy định phần lớn vấn đề có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng và quân sự phải được tăng cường giữ bí mật. Không thể nói trước kia lĩnh vực quân sự quốc phòng của Nhật Bản minh bạch, nhưng hiện nay mức độ giữ bí mật được tăng cường rất lớn. Điều này cho thấy, hiện nay mặc dù không thể nói thời kỳ chiến tranh đã đến, cũng hoàn toàn có thể đã ở thời kỳ trước chiến tranh.
Đồng thời, lực lượng mặt đất/trên biển/trên không của Nhật Bản đều đang chờ đợi tăng cường khả năng đột kích và tính cơ động. Nhật Bản sẽ tiếp tục chế tạo tàu sân bay hạng nhẹ (tàu khu trục tên lửa trang bị máy bay trực thăng), tàu khu trục và tàu ngầm.
Kế hoạch phòng vệ Nhật Bản: mua máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ |
Không quân sẽ tăng cường máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 Lightning, hệ thống hàng không không có người lái, chẳng hạn máy bay không người lái chiến lược RQ-4 Global Hawk. Nhật Bản đồng thời tích cực khẳng định thúc đẩy chương trình nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm nội địa.
Trong khi đó, Lục quân coi trọng phát triển xe bọc thép bánh lốp cơ động hơn, nhẹ hơn, bảo đảm điều động binh lực thông qua mạng lưới giao thông phát triển.
Hiển nhiên, Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện phương châm chủ nghĩa yêu nước dân tộc. Trải qua một thời gian ngắn nữa, Nhật Bản có thể khôi phục vị thế cường quốc quân sự mà họ đã mất đi từ năm 1945.
Vị thế của ông Shinzo Abe trong Đảng Tự do Dân chủ (LDP) và Quốc hội được tăng cường củng cố, vì vậy trong điều kiện khủng hoảng toàn cầu, khả năng Nhật Bản vẫn kiên trì chính sách chủ nghĩa hòa bình đáng để "nghi ngờ". Tuy Nhật Bản còn phải giải quyết vấn đề kinh tế khó khăn, nhưng phát triển ngành công nghiệp quân sự sẽ có lợi cho giải quyết vấn đề này.
Trung Quốc không thể được gọi là đồng minh chiến lược của Nga
Đương nhiên, bất kể Nhật Bản hay Trung Quốc tạm thời đều vừa không muốn để xung đột leo thang, vừa không muốn phát động chiến tranh. Nhưng, mọi người đều biết, ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình rất mong manh. Biên giới phía đông nước Nga đang nhanh chóng hình thành một khu vực bất ổn to lớn, hơn nữa không chỉ liên quan đến quan hệ Trung-Nhật, mà còn có tình hình bán đảo Triều Tiên. Người Mỹ đang cố gắng tránh để quan hệ hai miền Triều Tiên nằm bên bờ vực bùng nổ.
Nga lâm vào cảnh ngộ phức tạp. Nhật Bản và Mỹ không phải là bạn của Nga. Nga không thể quên yêu cầu lãnh thổ mà Nhật Bản đưa ra đối với họ. Tokyo tìm cách đoạt lại quần đảo Nam Kuril, gồm bốn hòn đảo là Etorofu, Kunashiri, Shikotan và Habomai. Nga-Nhật vẫn chưa ký Hiệp ước hòa bình.
Nhưng, Trung Quốc cũng không thể gọi là đồng minh chiến lược của Nga. Nếu Trung Quốc có thể thực hiện ưu thế của họ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sớm muộn đều sẽ chú ý đến phía bắc (Nga, Mông Cổ và Kazakhstan).
Mỹ tăng cường triển khai radar X-band ở Nhật Bản |
Lực lượng quân sự phương hướng chiến lược miền đông nước Nga mỏng yếu, dân số khu vực Viễn Đông và Siberia thưa thớt sẽ tạo thành vấn đề to lớn. Hiện nay khôi phục thực lực của Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội Biển Bắc được coi như "mất bò mới lo làm chuồng" và vẫn chưa muộn.
Hạm đội Biển Bắc khi cần thiết có thể chi viện cho Hạm đội Thái Bình Dương. Còn phải triển khai binh lực, vũ khí đầy đủ ở quần đảo Kuril và Sakhalin, đề phòng Nhật Bản có ý đồ phát động bất cứ chiến dịch thắng lợi quy mô nhỏ nào đối với Nga.
Trên phương diện ứng xử với Trung Quốc, Nga cần kiên trì lập trường trung lập hữu nghị, đồng thời khôi phục thực lực không quân, phòng không, phòng thủ tên lửa và lục quân ở Quân khu miền Đông, khi cần thiết đưa Viễn Đông và Siberia trở thành "đầu tàu" phát triển toàn bộ nước Nga.