Trung Quốc phái thêm 4 tàu Hải giám ra biển Đông để làm gì?

28/06/2012 07:25
Hồng Thủy
(GDVN) - Điều đó khiến người ta không loại trừ khả năng Bắc Kinh phái 4 tàu Hải giám này ra hoạt động (trái phép) trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam, nơi CNOOC vừa tuyên bố 9 lô mời thầu thăm dò khai thác (phi pháp, vô hiệu) và trở thành lực lượng cảnh giới cho giàn khoan 981.
Tân Hoa Xã ngày 27/6 đưa tin, ngày 26/6 có 4 tàu Hải giám phiên hiệu 83, 84, 66 và 71 vừa lặng lẽ rời cảng Tam Á trên đảo Hải Nam thành 1 biên đội tiến hành cái gọi là “tuần tra định kỳ” trên biển Đông trong toàn phạm vi Trung Quốc tuyên bố cái gọi là “chủ quyền”.

Tàu Hải giám 83 Trung Quốc
Tàu Hải giám 83 Trung Quốc

Một quan chức thuộc Tổng đội Hải giám Trung Quốc cho hay, cái gọi là “tuần tra định kỳ” của lực lượng này bắt đầu từ năm 2006 nhằm thực hiện hoạt động “chấp pháp” và tuyên truyền “chủ quyền”, thực thi quản lý (phi pháp, phi lý – PV) đối với biển Đông.

Tổng cục Hải giám là đơn vị trực thuộc Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc bao gồm đội ngũ “chấp pháp” cả cấp trung ương và địa phương (tỉnh – thành duyên hải).

Chức năng chính của lực lượng này theo quan chức trên là theo quy định của Trung Quốc (tự đặt ra, phi lý và phi pháp, vô hiệu – PV) sẽ thực hiện việc kiểm tra, giám sát và xử lý các tàu thuyền nước ngoài.

Những tàu thuyền này phía Trung Quốc cho rằng xâm phạm quyền lợi biển, sử dụng hải vực phi pháp, làm tổn hại đến môi trường và tài nguyên biển, các thiết bị của Trung Quốc trên biển, làm mất trật tự trên biển.

Trực thăng trên tàu Hải giám 83
Trực thăng trên tàu Hải giám 83

Hiện tại, theo giới truyền thông nhà nước Trung Quốc, lực lượng Hải giám nước này được trang bị trực thăng, máy bay cố định tổng cộng 9 chiếc với trên 280 tàu thuyền to nhỏ các loại. Mặt khác, Trung Quốc đang tiếp tục đóng nhiều tàu mới lớn hơn, hiện đại hơn để trang bị cho lực lượng Hải giám.

Tàu Hải giám 83 “xuất chinh” lần này dài 98m, rộng 15,2m, cao 7,8m, lượng dãn nước 3980 tấn, được trang bị hệ thống định vị hiện đại, có thể cất hạ cánh trực thăng, so với các tàu khác Hải giám 83 tiết kiệm nhiên liệu, chạy êm hơn.

Trong một động thái khác có liên quan, Tư lệnh Hải quân Philippines Alexander Parma cho biết, mặc dù Bộ Ngoại giao nước này cho hay, phía Trung Quốc tuyên bố đã rút hết tàu thuyền khỏi bãi đá Scarborough nhưng thực tế không phải.

Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó đô đốc Alexander Pama (trái)
Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó đô đốc Alexander Pama (trái)

Theo số liệu báo cáo của hải quân Philippines, hiện tại vẫn có ít nhất 23 tàu thuyền Trung Quốc bên trong đầm phá bãi đá Scarborough, trong đó có 6 tàu cá và 17 tàu thuyền nhỏ đa chức năng. 3 tàu Hải giám và 2 tàu Ngư chính Trung Quốc khác đang neo đậu bên ngoài đầm phá cách đó không xa.

Tư lệnh Hải quân Philippines cho rằng, nhiều khả năng thông tin Bộ Ngoại giao Philippines dựa trên số liệu báo cáo đã cũ. Trong khi đó hiện tại không có tàu thuyền nào của phía Philippines hoạt động tại khu vực này. 

Phó đô đốc Alexander Pama nhận định, Trung Quốc chỉ đơn thuần cho tàu công vụ (Hải giám và Ngư chính) chạy lòng vòng quanh bãi cạn Scarborough chứ không hề “rút tàu” như giới chức Bắc Kinh cam kết, thậm chí nó còn chạy trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Cùng ngày, Tư lệnh Hải quân Philippines cho biết họ đang chờ Tổng thống Aquino hạ lệnh cho họ phái tàu trở lại bãi cạn Scarborough sau khi họ đã xác nhận tàu Hải giám, Ngư chính Trung Quốc vẫn không rời bãi cạn mặc dù hai bên đã thống nhất và đạt được thỏa thuận về việc này.

Hải quân Philippines phát hiện tàu Hải giám, Ngư chính Trung Quốc vẫn lởn vởn vòng ngoài Scarborough mặc dù Bắc Kinh và Manila đã thỏa thuận cùng rút hết tàu thuyền khỏi khu vực này
Hải quân Philippines phát hiện tàu Hải giám, Ngư chính Trung Quốc vẫn lởn vởn vòng ngoài Scarborough mặc dù Bắc Kinh và Manila đã thỏa thuận cùng rút hết tàu thuyền khỏi khu vực này

“Hải quân Philippines sẵn sàng và có thể thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào (mà Tổng thống/Chính phủ) giao cho chúng tôi”, Phó đô đốc Alexander Pama cho biết, “Tổng thống vẫn chưa có quyết định cho tàu Philippines quay trở lại Scarborough.”

Khi được hỏi liệu rằng ông có tin là Trung Quốc đã nói dối Philippines về việc rút tàu khỏi đầm phá Scarborough, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Gazmin cho hay: “Chúng tôi không đưa ra phản ứng về điều đó, nhưng những gì chúng tôi cung cấp cho các bạn (báo chí) là các báo cáo hoạt động thực tế.”

Nếu kết hợp thêm một động thái leo thang thứ 3 của Bắc Kinh, đó là việc tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu tại 9 lô nằm hoàn toàn trong thềm lục địa Việt Nam và không hề có tranh chấp, có thể thấy Trung Quốc đã tính toán rất kỹ từ trước một kế hoạch nằm trong âm mưu độc chiếm biển Đông.

Bắc Kinh ngầm thỏa thuận với Manila (theo Bộ Ngoại giao Philippines) về việc hai bên cùng rút tàu, nhưng chỉ có Philippines rút thật còn Trung Quốc vẫn cho 3 tàu Hải giám và 2 tàu Ngư chính lảng vảng quanh bên ngoài đầm phá Scarborough trong khi tàu cá và “tàu công vụ tiện ích” Trung Quốc vẫn hoạt động ngang nhiên trong đầm phá bãi cạn này.

Hải giám 83 cùng biên đội sẽ "canh chừng" cho 981 ?
Hải giám 83 cùng biên đội sẽ  "canh chừng" cho 981 ?

4 tàu Hải giám Trung Quốc lặng lẽ rời Tam Á hôm 26/6 để thực hiện cái gọi là “tuần tra” và “chấp pháp” (phi lý, phi pháp và vô giá trị), đồng thời Tân Hoa Xã không biết vô tình hay cố ý để lộ thông tin phạm vi hoạt động của 4 tàu này là “toàn bộ vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền”.

Điều đó khiến người ta không loại trừ khả năng Bắc Kinh phái 4 tàu Hải giám này ra hoạt động (trái phép) trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam, nơi CNOOC vừa tuyên bố 9 lô mời thầu thăm dò khai thác (phi pháp, vô hiệu) và trở thành lực lượng cảnh giới cho giàn khoan 981.

Cũng cần phải nhắc lại rằng hồi tháng 5 năm ngoái trước thềm đối thoại Shangri-La, tàu Hải giám đã ngang nhiên xâm phạm thềm lục địa Việt Nam và bất ngờ cắt cáp tàu Bình Minh của tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam một cách trắng trợn và táo tợn, bất chấp mọi quy định của luật pháp quốc tế.

Lần đó, chúng không đi đơn lẻ mà cũng cơ động thành 1 biên đội, bao gồm các tàu Hải giám 84, Hải giám 12 và Hải giám 17.

Với kiểu cách hành xử bấp chấp tất cả của Trung Quốc như những gì vừa diễn ra với Philippines tại bãi đá Scarborough, tàu Hải giám Trung Quốc hoàn toàn có thể triển khai những động thái leo thang táo tợn trên thực địa, và khi các bên liên quan ngăn cản thì Bắc Kinh sẽ bù lu bù loa lên rằng đối phương “gây hấn” với Trung Quốc.

Hải giám 84, thủ phạm cắt cáp tàu Bình Minh 2 trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam tháng 5/2011
Hải giám 84, thủ phạm cắt cáp tàu Bình Minh 2 trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam tháng 5/2011

Bài toán giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông đã thực sự trở nên cam go và nan giải, bởi không ngẫu nhiên hoặc hứng lên mà Trung Quốc đầu tư 1 dàn khoan “siêu khủng” và cả một dàn “nhà máy lọc hóa dầu di động” trên biển đi cùng.

Đó là một kịch bản đã được dàn dựng công phu, và bây giờ đến thời điểm Bắc Kinh triển khai.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theoGiaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Thủy