Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 24 tháng 11 dẫn tờ "Đôi cánh nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ" ngày 23 tháng 11 cho rằng, sau khi nhập khẩu máy bay chiến đấu dòng Su-27 của Nga, trên cơ sở loại máy bay này, Trung Quốc đã nghiên cứu phát triển ra máy bay chiến đấu dòng J-11.
Hình ảnh này được cho là máy bay chiến đấu J-11D Trung Quốc (nguồn mạng sina Trung Quốc) |
Trong khi đó, Ấn Độ đã nhập khẩu máy bay chiến đấu Su-30MKI, phiên bản cải tiến hiện đại hóa của máy bay chiến đấu dòng Su-27, theo đó, bài báo đặt câu hỏi: Ai mạnh hơn?
Theo bài báo, hơn 10 năm qua, Trung Quốc luôn dựa trên nền tảng máy bay chiến đấu Su-27, tiến hành cải tiến và nghiên cứu phát triển, từ đó đã nghiên cứu phát triển được máy bay chiến đấu dòng J-11.
Nhưng, máy bay chiến đấu J-11A/B lại bị cho là không bằng được máy bay chiến đấu dòng Su-27/30, nguyên nhân là Trung Quốc thiếu thiết bị điện tử hàng không và hệ thống vũ khí tiên tiến.
Trong khi đó, máy bay chiến đấu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ tiên tiến hơn, không những đã trang bị radar mảng pha quét điện tử bị động (PESA), mà còn trang bị thiết bị điện tử hàng không tiên tiến, được cho là máy bay chiến đấu dòng Su-27 tiên tiến nhất.
Nhưng, đầu năm nay, trên mạng đã thấy xuất hiện thông tin về máy bay chiến đấu J-11D của Trung Quốc với những đổi mới với các phiên bản trước.
Hình ảnh này được cho là máy bay chiến đấu J-11D Trung Quốc (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc) |
Có nhà quan sát cho rằng, lồng radar của J-11D có sự khác biệt rõ rệt về ngoại hình so với các máy bay chiến đấu J-11 trước đó, nó nghiêng lên trên rất rõ, cho thấy máy bay này rất có thể lắp radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA).
Còn một số chi tiết khác như: loại máy bay này đã tiếp tục sử dụng nhiều vật liệu composite, có thể đạt mục đích giảm trọng lượng. Hơn nữa, vật liệu composite sử dụng ở chỗ gần động cơ có thể giảm thấp khả năng nguồn nhiệt của động cơ bị radar trinh sát được. Đồng thời, máy bay này đã sử dụng lớp sơn tàng hình.
Theo bài viết, trong hình ảnh máy bay chiến đấu mang số hiệu D1101 có thể nhìn thấy, máy bay này đã được cải tiến về điểm treo vũ khí, có thể lắp hệ thống vũ khí mới nhất của Trung Quốc như tên lửa không đối không PL-10, trong khi tên lửa này là một loại tên lửa không đối không mới có tính năng cơ động cao.
Vị trí thiết bị tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) của máy bay này cũng đã thay đổi, làm cho ở bên phải phía trước phi công của máy bay này có thể lắp một bộ nhận tiếp dầu trên không co duỗi.
Máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2016 Trung Quốc |
Hơn nữa, máy bay chiến đấu J-11D cũng được cho là có thể lắp tên lửa không đối không PL-10, tên lửa tầm xa PL-12 và tên lửa chống hạm YJ-12.
Bài viết còn suy đoán, máy bay J-11D đã sử dụng hệ thống điều khiển bay fly-by-wire hoàn toàn mới và đã sử dụng thiết bị của khoang lái hoàn toàn mới, đã kết hợp hệ thống tác chiến điện tử mới nhất.
Nghe nói, máy bay chiến đấu J-11D sẽ trang bị 2 động cơ WS-10B Block II. mỗi động cơ có lực đẩy tối đa là 14 tấn.
Không ít nhà phân tích đều cho rằng, J-11D được tiến hành nghiên cứu phát triển dựa trên tiêu chuẩn của máy bay Su-35. Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nâng cấp máy bay chiến đấu J-11D, làm cho sức chiến đấu của nó tiếp cận máy bay chiến đấu J-20 và J-31, hai loại máy bay đang được Trung Quốc phát triển.
Bài viết cho rằng, sự ra đời của J-11D và giao dịch máy bay chiến đấu Su-35 tương lai giữa Trung-Nga, có nghĩa là, Ấn Độ cần bắt đầu nâng cấp máy bay chiến đấu Su-30MKI của mình.
Máy bay chiến đấu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ |
Ấn Độ thực hiện chương trình nâng cấp nhằm duy trì “ưu thế dẫn trước” trong cạnh tranh về máy bay chiến đấu với Trung Quốc, trước khi máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Ấn Độ ra đời.
Tuy nhiên, theo tờ “Hoàn Cầu”, máy bay chiến đấu Su-30MKI của Ấn Độ cho dù có được nâng cấp thì cũng không thể tiên tiến hơn được nữa khi đứng trước "rừng" máy bay chiến đấu của thế giới.
Trước đây, Ấn Độ từng điều máy bay chiến đấu Su-30MKI “đấu” với máy bay chiến đấu Typhoon và tuyên bố “đại thắng” với tỷ lệ là 12 : 0.
Nhưng, tình hình thực tế là, khi tác chiến theo đội hình cụm thì phi công Ấn Độ chỉ có thể thông qua thông tin vô tuyến điện, còn đồng nghiệp của Quân đội Anh lại thông qua liên kết dữ liệu số 16 để chia sẻ thông tin chiến thuật, gây ấn tượng sâu sắc cho phi công Ấn Độ.
Trước đây, Nga đã không coi trọng đầy đủ đối với trình độ thông tin hóa và điện tử hóa của máy bay chiến đấu, điều này đã thể hiện sự hạn chế của Su-30MKI. Trong khi đó, Trung Quốc đã tiến hành tích hợp ở liên kết dữ liệu của mình, sớm đã vượt xa Ấn Độ trên phương diện này.
Theo báo Trung Quốc, hiện nay, máy bay chiến đấu Su-30MKI của Ấn Độ cũng chỉ có thể "thắng" máy bay chiến đấu Trung Quốc về động cơ véc-tơ.
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga |