Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 mới, có khả năng biên chế thêm cho Hạm đội Nam Hải trong thời gian tới, triển khai ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc). |
Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 5 tháng 7 đăng bài viết nhan đề “Báo Nhật: Trung-Mỹ nếu xung đột ở Biển Đông, người chịu tổn thất lớn nhất là Trung Quốc”.
Bài báo dẫn tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản cho rằng, kinh tế Trung Quốc bị tổn thất lớn nhất có thể do xung đột ngẫu nhiên, Trung Quốc và một số nước ven Biển Đông xảy ra va chạm tàu, tiến tới phát triển đến mức sử dụng vũ khí cỡ nhỏ…
Khi cùng thảo luận với các chuyên gia trong và ngoài nước về vấn đề phòng thủ chuỗi đảo, tập đoàn nghiên cứu chính sách biển Nhật Bản đã đặt ra tình huống nguy hiểm tiềm tàng này, xây dựng thành báo cáo dự báo “tổn thất kinh tế trong tình hình hàng hải Biển Đông bị đe dọa”, đồng thời qua đó cảnh báo, khi nền kinh tế thế giới xảy ra cục diện hỗn loạn lớn, kẻ “bị tổn thất lớn nhất” là Trung Quốc.
Báo cáo dự đoán khả năng xảy ra xung đột, khi đó, cụm tấn công tàu sân bay quân đội Mỹ triển khai ở khu vực chuỗi đảo thứ nhất ở dọc tuyến đường các hòn đảo tây nam Nhật Bản và quần đảo Philippines. Trung Quốc sẽ đưa vùng biển bên trong chuỗi đảo thành “vùng biển phòng thủ”, hạn chế tàu thuyền nước khác qua lại.
Cụm tấn công tàu sân bay Mỹ (ảnh tư liệu minh họa) |
Đồng thời, tàu vũ trang và máy bay Trung Quốc sẽ xâm nhập Biển Đông, xác định vùng biển giữa chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai là khu vực “ngăn chặn tiếp cận” – cuối cùng ở đây sẽ trở thành chiến trường chính xảy ra xung đột giữa Trung-Mỹ.
Như vậy, tàu chở dầu cỡ lớn từ vịnh Ba Tư đến Nhật Bản buộc phải đi vòng ở Tây Thái Bình Dương, trong khi đó, tàu chở dầu Trung Quốc sẽ đi qua Biển Đông dưới sự yểm trợ của tàu chiến.
Trong tình hình này, Mỹ sẽ khởi động chiến lược “kiểm soát ngoài khơi”, tuyên bố vùng biển phía Trung Quốc của chuỗi đảo thứ nhất là vùng đặc quyền kinh tế, sau đó cùng đồng minh điều tàu ngầm hạt nhân tấn công và không quân, cảnh cáo tàu chở hàng và tàu chở dầu cỡ lớn của Trung Quốc không được đi qua vùng biển này.
Do tất cả các cảng của Trung Quốc đều nằm ở biển Hoa Đông và Biển Đông, vì vậy không thể bố trí tuyến đường đi vòng, đồng thời có thể rơi vào cục diện thiếu năng lượng nghiêm trọng.
Đồng thời, quân đội Mỹ sẽ phong tỏa các eo biển lân cận như eo biển Malacca để chặn đứng tuyến đường vận tải trên biển của Trung Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles Mỹ (ảnh tư liệu minh họa) |
Như vậy, mặc dù tàu thuyền Trung Quốc vượt qua kênh đào Panama và eo biển Magellan do Mỹ quản lý, trong tình hình không có sự yểm trợ của tàu chiến, cũng khó mà đi qua Thái Bình Dương.
Chiến lược “kiểm soát ngoài khơi” của Mỹ là sách lược để tránh phát động tấn công vũ lực đối với lãnh thổ Trung Quốc, để ngăn chặn xung đột song phương phát triển thành chiến tranh hạt nhân.
Washington hy vọng thông qua sách lược này, trên cơ sở không tiêu hao thực lực chiến đấu, làm cho Bắc Kinh hiểu rõ rằng, hóa giải xung đột là cách làm sáng suốt, từ đó cuối cùng kết thúc chiến tranh.
Điều này cũng có nghĩa là, Mỹ sẽ thông qua tấn công kinh tế, tiến hành răn đe đối với Trung Quốc. Nhưng, Trung Quốc đã hiểu rõ ý đồ của Mỹ, sẽ vừa đặt hạ tầng đường ống dẫn dầu trên đất liền, vừa sử dụng lực lượng cảnh sát biển làm chuyện đã rồi trong khi không dùng đến hải quân.
Một giả thuyết nữa tờ Hoàn Cầu Thời báo nêu ra đó là, trong tương lai các nước ven biển như Việt Nam, Philippines có thể bị Trung Quốc “thôn tính như cắt xúc xích (kiểu tằm ăn dâu)”?
Máy bay chiến đấu Nhật-Mỹ trong cuộc tập trận chung ở Guam ngày 15 tháng 2 năm 2010. |