Công sự nhà nổi, căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Ga Ven ở Trường Sa, một trong 6 bãi đá Trung Quốc xâm lược của Việt Nam năm 1988. |
Tân Hoa Xã ngày 27/6 đưa tin, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban thường vụ Quốc hội nước này hôm nay đã thông qua 1 đạo luật sửa đổi để cải thiện việc bảo vệ các căn cứ quân sự, thêm quy định về vùng biển và không phận dưới sự kiểm soát quân sự.
Theo quy định mới, nuôi trồng thủy sản bị cấm ở vùng biển quân sự. Các phương tiện phi quân sự không được phép vào khu vực này. Đánh cá hoặc các hoạt động khác phải không được ảnh hưởng đến hoạt động sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và hoạt động của tàu quân sự.
Bất cứ hoạt động nào đe dọa đến các căn cứ quân sự cũng như sự bảo mật với những căn cứ này đều bị cấm. Bất cứ ai xâm phạm các căn cứ quân sự trên biển và ở biên giới đều bị phạt tù.
Ngoài ra, đạo luật này cấm máy bay vào các khu vực không phận bị hạn chế trước khi kế hoạch bay của nó được phê duyệt.
Đạo luật sửa đổi của Trung Quốc đã xóa bỏ các định nghĩa về "khu vực cấm quân sự" và "khu vực quân sự quản lý", đồng thời thêm vào các khái niệm phòng thủ biên giới và trên biển.
Tuy bản tin của Tân Hoa Xã không đề cập rõ phạm vi của đạo luật này, nhưng cần lưu ý rằng Trung Quốc tuyên bố "chủ quyền" đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam - PV.
Đặc biệt ở Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lược 6 bãi đá năm 1988, đánh chiếm đá Vành Khăn năm 1995 và đã xây dựng các công sự nhà nổi kiên cố làm nơi đồn trú trái phép cho binh lính. Thậm chí có thông tin họ đang biến đá thành đảo nhân tạo để xây dựng sân bay bất hợp pháp tại đây.
Thực trạng quần đảo Trường Sa hiện nay có 5 nước 6 bên yêu sách chủ quyền, trong đó các bên ít nhiều đều cắt quân đóng giữ các đảo, bãi đá họ đang kiểm soát, tạo thành thế cài răng lược. Tàu thuyền khi qua lại khu vực này sẽ khó tránh khỏi chạm trán nhau.
Do đó, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng đạo luật này với các căn cứ quân sự bất hợp pháp ở Trường Sa, gây khó dễ thậm chí khiêu khích tàu thuyền Việt Nam và các nước khác qua khu vực này.
Cũng cần đặc biệt lưu ý đến cái gọi là "quy định về không phận quân sự" mà Trung Quốc đặt ra liệu có phải một dạng "vùng nhận diện phòng không" trá hình hay không, vì vậy cần hết sức cảnh giác, theo dõi và có biện pháp ứng phó phù hợp - PV.