Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Không quân Việt Nam |
Tân Hoa xã Trung Quốc ngày 12 tháng 10 đăng bài viết nhan đề “Báo Nga giải thích việc bán vũ khí cho Việt Nam: Lẽ nào buộc họ mua của Mỹ?”. Sau đây là nội dung chính của bài viết:
Theo tuyên truyền của báo chí Trung Quốc, trang mạng "Đài tiếng nói nước Nga" ngày 11 tháng 10 đưa tin, trong quá trình tái trang bị có sự hỗ trợ tích cực của Nga, lực lượng vũ trang Việt Nam đã "gây ra mối lo ngại" (?) cho Trung Quốc. Trong các cuộc tiếp xúc song phương, Trung Quốc đã bày tỏ mối lo ngại này với Nga.
Tuy nhiên, chuyên gia Vasilii Cashin, Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng, Việt Nam chỉ tiến hành những bước đi nhỏ và cần thiết để lực lượng vũ trang của họ có thể tiến cùng thời đại.
Báo Trung Quốc dẫn "một số nhà bình luận quân sự" (giấu tên) cho rằng, trong số những vũ khí trang bị mua mới của Việt Nam có cả tàu ngầm diesel hiện đại, tờ Tân Hoa xã còn cho rằng "chúng sẽ tạo ra "mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh quốc gia của Trung Quốc".
Theo bài báo, trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của Nga. Dưới sự giúp đỡ của Nga, Việt Nam sẽ xây dựng được hạm đội tàu ngầm gồm 6 tàu ngầm diesel Project 636 tiên tiến.
Tàu ngầm thông thường Hồ Chí Minh, lớp Kilo, do Nga chế tạo cho Việt Nam. |
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã mua được máy bay chiến đấu Su-30MK2, tàu tên lửa, tàu hộ vệ, các loại tàu chiến và hệ thống phòng thủ tên lửa từ Nga. Nga đang giúp Việt Nam bảo trì trang bị do Liên Xô cũ chế tạo, đồng thời tích cực hỗ trợ đào tạo sĩ quan Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn.
Tuy nhiên, bài báo của Nga cho rằng, Trung Quốc hàng năm trang bị tàu ngầm hạt nhân mới, hàng năm sản xuất hàng chục máy bay tiêm kích thế hệ thứ tư, tiến hành sản xuất tàu khu trục tương tự tàu "Aegis" của Mỹ. So với tốc độ phát triển hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, thực lực có được của Việt Nam còn "khiêm nhường".
Cho dù Nga có chuẩn bị cung ứng vũ khí gì cho Việt Nam, Việt Nam dù thế nào cũng không đủ tiền để xây dựng được lực lượng hải, không quân có sức chiến đấu có thể thách thức được Trung Quốc. Việt Nam chỉ cố gắng tiến hành bảo đảm nhu cầu quốc phòng cơ bản. Trung Quốc nên cảm thấy hài lòng về việc Việt Nam được Nga giúp đỡ trên phương diện này.
Giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam mặc dù luôn có một số mâu thuẫn, nhưng những vấn đề này khác với quan hệ giữa Nhật Bản và Philippines với đồng minh Mỹ. Trung Quốc phát triển quan hệ với Việt Nam có ý nghĩa mang tính chiến lược, hy vọng có thể đưa quốc gia có vai trò then chốt ở Đông Nam Á này vào trong hợp tác kinh tế quy mô lớn.
Tàu tên lửa của Hải quân Việt Nam, do Nga chế tạo |
Tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết của hai bên, tinh thần dân tộc lên cao... đều có thể gây ra khủng hoảng khu vực, Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đang tìm cách kiểm soát những nguy cơ này đến mức độ không tạo ra tổn thất khó có thể bù đắp.
Nếu Nga từ chối cung ứng vũ khí cần thiết cho Việt Nam, thì Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ sức chiến đấu của lực lượng vũ trang ngày càng thiếu hụt, cân bằng sức mạnh khu vực sẽ bị phá hoại. Cảm giác mạnh mẽ do thiếu năng lực phòng thủ đất nước sẽ buộc Việt Nam phải tìm sự giúp đỡ của những nhà cung ứng thay thế duy nhất, đó là Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ.
Báo Nga bình luận khi đưa ra nhận định: "Điều khác với Nga là, Mỹ hầu như luôn muốn trói buộc hợp tác kỹ thuật quân sự với việc thực hiện một loạt điều kiện. Như vậy, mức độ gần gũi về lĩnh vực chính trị, quân sự giữa Mỹ và Việt Nam sẽ gia tăng nhanh chóng, Việt Nam sẽ có được lượng vũ khí trang bị tương tự hoặc nhiều hơn mua của Nga, nước này cũng sẽ từ chính sách cân bằng giữa các cường quốc quá độ sang chính sách xây dựng đồng minh mật thiết với Mỹ".
"Nếu Nga từ chối cung cấp vũ khí cho Việt Nam, như vậy, so với việc tiếp tục cung ứng vũ khí, sẽ gây ra hậu quả tiêu cực nghiêm trọng hơn cho an ninh của Trung Quốc".- Tân Hoa xã trích dẫn báo Nga.
Trên thực tế, Việt Nam luôn thực hiện chính sách quốc phòng có tính chất phòng ngự, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình, chứ không đe dọa, chạy đua vũ trang.Hệ thống phòng thủ bờ biển K300P Bastion P của Việt Nam, mua của Nga |