Chính sách của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông thời gian tới sẽ như thế nào là một trong những vấn đề được giới truyền thông quốc tế quan tâm đặc biệt bên lề sự kiện hai kỳ họp (Chính hiệp và Quốc hội) đang diễn ra tại Bắc Kinh.
South China Morning Post, Hồng Kông ngày 6/3 cho biết, Lưu Hiểu Giang - Đô đốc, cựu Chính ủy Hải quân Trung Quốc (2008 - 2014) nói với các phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội nước này:
Hải quân Trung Quốc sẽ phải đóng vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ các quyết sách ngày càng leo thang trong việc theo đuổi yêu sách chủ quyền (phi pháp, vô lý) ở Biển Đông. Ông Giang nói:
"Vai trò của hải quân Trung Quốc sẽ lớn hơn và quan trọng hơn. Trung Quốc là một quốc gia hàng hải, chúng tôi cần bảo vệ quyền lợi hàng hải và phát triển lợi ích của mình, do đó vai trò của hải quân ngày càng quan trọng hơn".
Ông Lưu Hiểu Giang trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội tại Bắc Kinh, khai mạc hôm Chủ nhật 5/3. Ảnh: SCMP. |
Tờ South China Morning Post đánh giá, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa mà Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông là bất hợp pháp.
Tuy nhiên, Washington dường như đã lùi xa khỏi một đường lối cứng rắn về Biển Đông trong những tuần gần đây, với phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tại Nhật Bản trước đó. Ông không thấy cần thiết có hành động quân sự nào lớn ở Biển Đông.
Trong khi quân đội Trung Quốc ngày càng chuyển trọng tâm tác chiến xuống phía Nam.
Tháng trước họ đã phá vỡ truyền thống nhiều thập kỷ khi bổ nhiệm một sĩ quan hải quân, Phó Đô đốc Viên Dự Bách - Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải làm Tư lệnh Chiến khu Nam, thay vì các sĩ quan lục quân như lâu nay.
Bình luận về việc bổ nhiệm Viên Dự Bách, ông Lưu Hiểu Giang nhận xét: "Điều này cho thấy vai trò của Bộ Tư lệnh chiến khu Nam. Bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc ở Biển Đông là rất quan trọng". [1]
China Topix ngày 5/3 còn phát hiện ra rằng, trong buổi chủ trì họp báo hôm thứ Bảy trước phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, bà Phó Oánh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và là người phát ngôn của kỳ họp đã tiết lộ một thông tin hết sức đáng chú ý:
Trung Quốc sẽ xây dựng thêm nhiều đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông với ngân sách quốc phòng cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi mức độ tăng ngân sách cho quốc phòng hàng năm giảm xuống 7%, số tiền thực tế Trung Quốc rót vào quân sự năm nay sẽ đạt mức cao nhất trong lịch sử: 151 tỉ USD, Bộ Tài chính Trung Quốc cho hay.
Hôm 5/3 Bộ Tài chính Trung Quốc tiết lộ con số thực tế rót cho quân sự năm 2017 là 1044 tỉ nhân dân tệ, tương đương 151 tỉ USD, mức cao nhất trong lịch sử.
Về lập luận của bà Phó Oánh liên quan đến Biển Đông |
Đáng chú ý là con số này không có trong Báo cáo công tác điều hành của Chính phủ mà ông Lý Khắc Cường đọc trước Quốc hội như mọi năm.
Bà Phó Oánh cũng không đưa ra số tiền này, chỉ tiết lộ ngân sách quân sự Trung Quốc năm nay tăng khoảng 7% so với năm ngoái.
Đặc biệt hơn, China Topix nhận định rằng trong buổi chủ trì họp báo bà Oánh đã tiết lộ, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo:
"Mỹ có thể vẫn lo ngại Trung Quốc sẽ bắt kịp hoặc vượt qua Hoa Kỳ. Trên thực tế Trung Quốc là một nước đang phát triển, vẫn còn khoảng cách rất lớn nếu so với năng lực của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên việc xây dựng, phát triển của quân đội Trung Quốc vẫn cần tiếp tục, đó là yêu cầu để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia của chúng tôi". [2]
Trong một động thái khác có liên quan, South China Morning Post ngày 5/3 cho biết, Trung Quốc vừa ra mắt giàn khoan dầu lớn nhất thế giới Bluewhale I, có thể khoan sâu 3658 mét vào lòng biển, có thể khoan sâu 15240 mét vào vỏ trái đất.
Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV hôm thứ Bảy đưa tin, Bluewhale I được thiết kế để khoan, hút dầu ở Biển Đông, nơi được cho là có trữ lượng dồi dào ở những vùng biển sâu 3000 mét hoặc sâu hơn.
Giá chế tạo của chiếc giàn khoan này là hơn 700 triệu USD, tương đương 2 chiếc máy bay A380 của hãng Airbus. Nó nặng 42 ngàn tấn và cao bằng một tòa nhà 37 tầng, tính từ mặt nước biển.
South China Morning Post nhận xét, việc Trung Quốc đóng giàn khoan khổng lồ đã từng gây ra những lo ngại và căng thẳng với 2 nước láng giềng Nhật Bản, Việt Nam.
Đặc biệt năm 2014, Trung Quốc đã gây ra sự cố ngoại giao nghiêm trọng khi hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. [3]
Tài liệu tham khảo: