Trung Quốc vỗ về Nga - Ấn, "cấy dặm" ASEAN lập phòng tuyến chống lại PCA

26/04/2016 14:45
Hồng Thủy
(GDVN) - Nỗi lo sợ lớn hơn nữa là Việt Nam và Ấn Độ đều cử quan sát viên tham dự phiên tòa, và rất có thể hai quốc gia này cũng sẽ khởi kiện Trung Quốc.

Tuần qua, giới truyền thông Trung Quốc ra sức tung hô ca ngợi cái gọi là "nhận thức chung 4 điểm" mà ông Vương Nghị vừa tuyên bố sau khi công du Brunei, Campuchia và Lào.

Động thái này trên thực tế là một thủ đoạn tự huyễn hoặc nhằm lừa mình, lừa người rằng Bắc Kinh cũng có lực lượng ủng hộ của riêng mình khi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về việc Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS ở Biển Đông đã cận kề.

Ông Lương Vân Tường, Giáo sư Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, ảnh: 2.qglt.com.cn
Ông Lương Vân Tường, Giáo sư Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, ảnh: 2.qglt.com.cn

Giới truyền thông và học giả nhà nước Trung Quốc phần lớn tỏ ra khá đắc chí với điều này, cho rằng đây là thành công về mặt ngoại giao của ông Vương Nghị trong việc chia rẽ ASEAN và lập phòng tuyến chống lại phán quyết của Tòa PCA.

Đa Chiều ngày 23/4 bình luận, việc Vương Nghị vội vã công du Đông Nam Á không ngoài mục đích làm giảm ảnh hưởng phán quyết của PCA, vì Bắc Kinh biết chắc rằng phán quyết này sẽ bất lợi cho mình.

Nỗi lo sợ lớn hơn nữa là Việt Nam và Ấn Độ đều cử quan sát viên tham dự phiên tòa, và rất có thể hai quốc gia này cũng sẽ khởi kiện Trung Quốc sau phán quyết về vụ kiện của Philippines.

Bởi vậy Trung Quốc coi việc "bình ổn" Nga - Ấn là 2 nước lớn Bắc Kinh có thể lợi dụng, với việc biến ASEAN thành bệ hoãn xung trước phán quyết của PCA trong vụ kiện này là hai việc cần kíp phải làm ngay.

Trước khi ông Vương Nghị đi Nga dự hội nghị Ngoại trưởng Nga - Ấn - Trung để vận động hành lang, một loạt các cuộc thăm viếng đã được Trung Quốc triển khai ở Đông Nam Á.

Trung Quốc vỗ về Nga - Ấn, "cấy dặm" ASEAN lập phòng tuyến chống lại PCA ảnh 2

Campuchia bất ngờ bác "đồng thuận 4 điểm" với Vương Nghị về Biển Đông?

(GDVN) - Người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan khẳng định, chẳng có đồng thuận nào mới đạt được trong cuộc họp vào cuối tuần qua, khi ông Nghị ghé Phnom Penh.

Các hoạt động này bao gồm, từ ngày 26/1 đến 30/1, ông Tống Đào - Trưởng ban Liên lạc đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Lào, Việt Nam. Từ ngày 7/4 đến 16/4 Tống Đào thăm Campuchia, Malaysia, Indonesia.

Ông Thường Vạn Toàn - Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thăm Việt Nam từ 26/3 đến 31/3 với một trong những mục đích là để "phản bác lại những luận điệu xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch về những vướng mắc, bất đồng trong quan hệ giữa hai nước thời gian qua."

Cũng trong khoảng thời gian này, Trung Quốc còn mời các nhà lãnh đạo ASEAN sang thăm, gồm Phó Thủ tướng Malaysia, Phó Thủ tướng Campuchia, Ngoại trưởng Singapore trong tháng 2, Bộ trưởng Chính trị - pháp luật - an ninh Indoensia từ ngày 26/4 đến 27/4.

Chiến thuật "phân hóa đối tượng" của Trung Quốc hiện nay được Đa Chiều đánh giá: Với Philippines phải tuyệt đối cứng rắn; với Việt Nam, Malaysia và Brunei thì lúc rắn lúc mềm; với các nước còn lại thì tăng cường quan hệ để thuyết phục các nước này đứng ngoài vấn đề Biển Đông.

Phân hóa ASEAN không dễ

Trong khi đại bộ phận giới truyền thông và học giả nhà nước Trung Quốc đang rất hả hê về "nhận thức chung 4 điểm" và cho đó là thành công của Bắc Kinh, thì ngày 26/4 Giáo sư Lương Vân Tường từ Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh viết bài bình luận trên Đông Phương nhật báo, Hồng Kông nhận định ngược lại.

Trước hết ông Tường cũng nhất trí rằng, việc Vương Nghị thăm 3 nước Đông Nam Á tuần qua chỉ nhằm mục đích phân hóa ASEAN. Có thể tạm gọi thủ đoạn này là "cấy dặm", nếu nhìn bề ngoài thì có cảm giác nó đã thu được một số hiệu quả nhất định.

Điều này khiến dư luận Trung Quốc đang rất "hân hoan", bởi chí ít thì Trung Quốc vẫn không bị cô lập hoàn toàn trong vấn đề Biển Đông cho đến nay. Tuy nhiên ông Lương Vân Tường cho rằng, điều đó không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh đã phân rã, chia rẽ thành công khối ASEAN.

Trung Quốc vỗ về Nga - Ấn, "cấy dặm" ASEAN lập phòng tuyến chống lại PCA ảnh 3

Nếu Nga muốn thanh minh ông Lavrov "lỡ lời" về Biển Đông, không khó

(GDVN) - Tới đây khi PCA ra phán quyết vụ kiện lưỡi bò, Moscow chí ít hãy biết giữ im lặng, đừng hùa theo Bắc Kinh mà bán rẻ vai trò, vị thế...

"ASEAN vẫn là ASEAN. Xu thế này càng trở nên rõ nét kể từ cuối năm ngoái, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức được thành lập, các thành viên ASEAN không có yêu sách ở Biển Đông đã đạt được những nhận thức chung về mặt nguyên tắc trong ứng xử với vấn đề này.

Nhận thức chung 4 điểm không có nghĩa là Brunei, Campuchia và Lào đứng về phía Trung Quốc để chống lại Việt Nam hay Philippines, huống hồ 3 quốc gia này không phải thành viên chủ yếu, có ảnh hưởng trong ASEAN.

Lập trường của 3 nước này không đồng nghĩa với lập trường của ASEAN, và đương nhiên 3 nước này không thể ngăn cản Việt Nam và Philippines tiếp tục chống lại (sự leo thang, bành trướng của) Trung Quốc trên Biển Đông", Giáo sư Tường lưu ý.

"Hơn nữa, dù có tồn tại cái nhận thức chung như đề cập ở trên, thì về thực chất tranh chấp Biển Đông vẫn không được giải quyết, vẫn tiếp tục trở thành cái gai nhức nhối trong quan hệ giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam mà hiện nay chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào có thể xem căng thẳng Biển Đông đã hạ nhiệt, hay được giải quyết", ông Tường nhấn mạnh thêm.

Giải pháp mà Lương Vân Tường đề xuất cho Bắc Kinh là phải kết hợp cả 3 gọng kìm, sức mạnh quân sự, (bẻ cong) luật pháp quốc tế và ngoại giao để tìm kiếm giải pháp xử lý vấn đề Biển Đông, còn một vài chiến thuật quân sự và ngoại giao lẻ tẻ như hiện nay sẽ càng làm cho cục diện Biển Đông thêm rối rắm, không lối thoát.

Hồng Thủy