Reuters ngày 24/5 đưa tin, phân tích dữ liệu ảnh chụp vệ tinh 3 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa gồm Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập cho thấy, Bắc Kinh đã xây dựng thêm gần 800 tòa nhà, có thể là nơi lưu trú của 3 trung đoàn thủy quân lục chiến trong tương lai.
Riêng Xu Bi, cách bờ biển Trung Quốc 1200 km, bây giờ đã mọc lên gần 400 tòa nhà riêng biệt, nhiều nhất trong số 7 đảo nhân tạo.
Trong tương lai, Xu Bi có thể là căn cứ của hàng trăm lính thủy quân lục chiến, cũng như trung tâm hành chính nếu Trung Quốc đưa dân (bất hợp pháp) ra Trường Sa.
Cận cảnh các tòa nhà trên một góc đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Xu Bi, ảnh: http://fingfx.thomsonreuters.com |
Dữ liệu ảnh chụp vệ tinh của Earthrise Media, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các phương tiện truyền thông bằng nghiên cứu độc lập về hình ảnh, đã cung cấp các bức ảnh phân giải cao chụp từ vệ tinh kể từ khi Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo năm 2014.
Những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các sân bóng rổ gọn gàng, sân vận động phục vụ diễu hành và nhiều tòa nhà khác nhau, một số được bố trí ra đa.
Vành Khăn và Chữ Thập, mỗi đảo nhân tạo có khoảng 190 tòa nhà và các công trình riêng biệt. [1]
Hiện tại, Trung Quốc đã xây dựng (bất hợp pháp) tổng cộng 1652 tòa nhà / công trình trên Biển Đông (trong đó có 1350 tòa nhà ở Trường Sa, 805 tòa nhà ở Hoàng Sa);
Việt Nam có 338 tòa nhà / công trình; Philippines là 100 tòa nhà / công trình; Đài Loan 37 tòa nhà / công trình; Malaysia 28 tòa nhà / công trình. [2]
Hình ảnh cụ thể, mời quý bạn đọc theo dõi tại link số [2].
Số lượng các tòa nhà, công trình ở Xu Bi tương tự như đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc Đà Nẵng, Việt Nam, quần đảo đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp).
Cận cảnh các tòa nhà trên một góc đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Chữ Thập, ảnh: http://fingfx.thomsonreuters.com |
Các nhà phân tích tin rằng, mỗi căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng ở Xu Bi, Chữ Thập và Vành Khăn đều có thể chứa 1 trung đoàn, từ 1.500 đến 2.400 quân.
Ding Duo, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc lập ra ở Hải Nam, bình luận:
"Quy mô lực lượng quân sự hiện diện ở Trường Sa đến đâu phụ thuộc vào đánh giá của Trung Quốc về mối đe dọa tiềm năng ở quần đảo này như thế nào.
Ở khu vực Trường Sa, Trung Quốc phải đối mặt với áp lực quân sự nghiêm trọng, đặc biệt kể từ khi Donald Trump nhậm chức và tăng cường tuần tra tự do hàng hải.
Vì vậy, Trung Quốc đã nâng cao cảnh giác về mối đe dọa với mình."
Tháng này, Nhà Trắng đã nêu mối quan ngại về việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông sau khi CNBC loan báo, Bắc Kinh đã bố trí tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 và tên lửa phòng không HQ-9B ở Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi.
"Phản ứng" của Trung Quốc với Việt Nam trên Biển Đông |
Tuần trước, Trung Quốc công khai tiết lộ việc đưa máy bay ném bom H-6K của họ xuống diễn tập (bất hợp pháp) ở quần đảo Hoàng Sa.
Các tàu đổ bộ lớn, chiến hạm các loại của Trung Quốc đã thấy xuất hiện tại Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn, điều các sĩ quan hải quân nước ngoài xem như một sự hiện diện thường trực của quân đội Trung Quốc trong vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp.
Quân đội Trung Quốc đang sử dụng các đảo nhân tạo để nói với hải quân nước khác (ngầm áp đặt cái gọi là) "vùng cảnh báo quân sự", một thuật ngữ mơ hồ không có cơ sở pháp lý quốc tế.
3 tàu chiến Australia trên đường tới Việt Nam, đi ngang qua khu vực Trường Sa đã vấp phải cảnh báo "lịch sự nhưng mạnh mẽ" của Trung Quốc.
Một nguồn tin quen thuộc với các báo cáo an ninh của phương Tây nói với Reuters, hiện tượng này gần như đã trở nên thường xuyên chứ không còn là ngoại lệ trong khu vực quan trọng ở Biển Đông.
Các tàu và máy bay từ Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, New Zealand, Việt Nam, Malaysia và Philippines đã nhận được những cảnh báo tương tự (Australia).
Tuy nhiên hải quân các nước đều thường xuyên nhấn mạnh rằng họ đang hoạt động trong vùng biển quốc tế và tiếp tục hải trình của mình khi vấp phải cái gọi là "vùng cảnh báo quân sự" mà Trung Quốc đưa ra. [1]
Nguồn:
[1]https://www.reuters.com/article/us-china-southchinasea-insight/concrete-and-coral-beijings-south-china-sea-building-boom-fuels-concerns-idUSKCN1IO3GA?il=0
[2]http://fingfx.thomsonreuters.com/gfx/rngs/CHINA-SOUTHCHINASEA-BUILDING/010070760H9/index.html