Nhiều khó khăn, lúng túng trong triển khai mô hình
Việc sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (theo Thông tư liên tịch số 39/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Đình Hưng (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang) thông tin sơ lược về tình hình các trung tâm dạy nghề trước khi sáp nhập. Theo đó, trước năm 2017, tỉnh Tuyên Quang có 6 trung tâm dạy nghề thuộc Ủy ban nhân dân huyện quản lý; quy chế hoạt động của 06 trung tâm thực hiện theo Quyết định số 13/2007/QĐ-BLĐTBXH, ngày 14/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
“Cơ sở vật chất của trung tâm dạy nghề các huyện có đầy đủ trụ sở làm việc, phòng học, nhà xưởng thực hành, ký túc xá cho học viên, khuôn viên rộng rãi khang trang, thiết bị dạy nghề cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ dạy nghề cho nhân dân trên địa bàn.
Đồng thời, 100% cán bộ quản lý, giáo viên có chuyên môn dạy nghề, không có giáo viên dạy văn hoá chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông (vì là cơ sở giáo dục nghề nghiệp không phải cơ sở giáo dục thường xuyên)” - ông Hưng cho biết.
Ông Vũ Đình Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang (chính giữa). (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cung cấp). |
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ rõ một số khó khăn, bất cập khi thực hiện sáp nhập: “Tháng 4/2017, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 125/QĐ-UBND ngày 20/4/2017 thực hiện đổi tên 6 trung tâm dạy nghề các huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 39. Sau đổi tên các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có thuận lợi, khó khăn nhất định.
Về thuận lợi, việc chỉ đổi tên các trung tâm không phải cắt, giảm biên chế, sắp xếp lại nhân sự; không phải dồn ghép cơ sở vật chất nên được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi để các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thực hiện nhiệm vụ.
Ủy ban nhân dân huyện ưu tiên nguồn vốn, tập trung nguồn lực mở rộng quy mô, mạng lưới; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy học; ưu tiên biên chế, kịp thời kiện toàn, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, tuyển dụng giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông còn thiếu cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 30/10/2015 về phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 31/12/2019 về thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” tạo thêm hành lang pháp lý các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục.
Việc thực hiện thêm nhiệm vụ chương trình giáo dục thường xuyên giúp các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyển sinh, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, số lượng học viên học tăng theo từng năm, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông có bước phát triển mạnh mẽ, các hoạt động giáo dục của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên bước đầu đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại những khó khăn như sau: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chịu sự quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân huyện, đồng thời chịu sự quản lý về chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nên thiếu sự chỉ đạo tập trung; hệ thống văn bản dành riêng cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chưa có, gây khó khăn, lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động, phân công lao động, đánh giá xếp loại, thi đua khen thưởng, thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, học viên.
Lễ khai giảng tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). (Ảnh do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cung cấp). |
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn bất cập, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đều được trang bị nhà xưởng, thiết bị dạy nghề nhưng chưa được trang cấp đồ dùng, thiết bị dạy học chương trình giáo dục thường xuyên làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên.
Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thiếu đội ngũ giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên nên khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên và công tác tư vấn, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở”.
Giải pháp tháo gỡ và kiến nghị
Từ những hạn chế trên, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho biết, đã thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố ưu tiên, sắp xếp biên chế, tuyển dụng giáo viên dạy văn hoá chương trình giáo dục thường xuyên cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Đối với các trung tâm không được bổ sung biên chế giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên thì chỉ đạo các trường phổ thông phối hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn chọn, cử giáo viên hỗ trợ trung tâm triển khai.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tổ chức triển khai chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông kết hợp với liên kết đào tạo trình độ trung cấp nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, nhằm đẩy mạnh công tác phân luồng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn
Mặt khác, tham mưu Uỷ ban nhân tỉnh đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học văn hoá, học nghề; giao chỉ tiêu tuyển sinh, mở các lớp theo học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông kết liên kết đào tạo trình độ trung cấp nghề cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm.
Học viên tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp. (Ảnh do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cung cấp). |
Đồng thời, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện phân luồng học sinh sau trung học cơ sở - trung học phổ thông giao nhiệm vụ cụ thể cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tạo hành lang pháp lý để các trung tâm tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, nâng cao vai trò, vị thế của mình.
Kết quả triển khai, Sở đã tham mưu bố trí, sắp xếp tuyển dụng 33 giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên; bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện.
Năm học 2021- 2022, có 938 học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông kết hợp liên kết đào tạo trình độ trung cấp nghề tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (tăng 800 học viên so với năm 2017).
Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 30/10/2015 về phân luồng và định hướng nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 31/12/2019 về thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.
Cuối cùng, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang đề cập đến một số kiến nghị, đề xuất. Cụ thể, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:
Thứ nhất, ban hành quy chế hoạt động cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo Luật Giáo dục 2019 (hiện nay quy chế hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thực hiện theo Thông tư số 39, nội dung hoạt động giáo dục thường xuyên thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT đã được thay thế bởi Thông tư số 10/2021/TT-BGDĐT ngày 05/4/2001 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên).
Thứ hai, bổ sung đối tượng học sinh người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên theo học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông kết hợp học trung cấp nghề được thụ hưởng chế độ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 như đối với học sinh học tại các trường trung học phổ thông.
Vì hiện nay học sinh học dân tộc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nếu học tại các trường trung học phổ thông được hỗ trợ tiền ăn 40% lương cơ sở/tháng, hỗ trợ tiền ở 10% lương cơ sở/tháng, hỗ trợ 15kg/tháng, nhưng nếu đi học tại trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp tỉnh, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện không được hưởng chế độ.
Thứ ba, miễn học phí cho học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để góp phần đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.