Trung tâm GDNN-GDTX: Giống như "cổ chung tròng", rất khó quản lý biên chế GV

26/06/2022 06:38
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo một số địa phương, việc thực hiện biên chế giáo viên hiện nay tại các trung tâm GDNN-GDTX vẫn còn nhiều vướng mắc.

Chông chênh trong quản lý

Vừa qua, tại Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2022, nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn thực hiện biên chế trong việc sắp xếp lại các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp.

Giờ lên lớp tại một trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Giờ lên lớp tại một trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Trao đổi về nội dung này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ma Thế Quyên (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn) bày tỏ sự đồng tình với kiến nghị trên: “Hiện tại, về mặt quản lý nhà nước, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trực thuộc cấp huyện, tức là do Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã quản lý.

Còn về chuyên môn, đối với trung tâm giáo dục thường xuyên, do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, nhưng chuyên môn của trung tâm giáo dục nghề nghiệp lại do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Vì vậy, dẫn đến sự chông chênh trong quản lý.

Ông Ma Thế Quyên (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn). (Ảnh: baodantoc.vn).

Ông Ma Thế Quyên (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn). (Ảnh: baodantoc.vn).

Chẳng hạn, cùng một đơn vị nhưng khi tổng kết năm, với giáo dục thường xuyên thì theo năm học, với giáo dục nghề nghiệp thì lại theo năm tài chính. Do đó, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên giống kiểu một đơn vị nhưng có hai loại hình”.

“Chính vì vậy, để các đơn vị hoạt động có hiệu quả, chúng tôi đề nghị phải có hướng dẫn rõ ràng, hướng dẫn thật kỹ về tỉ lệ giáo viên cơ hữu của trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp yêu cầu cụ thể ra sao, sự tương tác, mối quan hệ cũng phải rất rõ ràng... Không thể như bây giờ, đang dồn cả giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp vào với nhau, giống như “cổ chung tròng”, rất khó thực hiện hiệu quả” - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn đề cập.

Giáo viên ít nhiều mang tâm tư

Không chỉ chông chênh trong vấn đề quản lý, một số Sở Giáo dục và Đào tạo còn gặp phải những khó khăn khác trong thực tiễn triển khai mô hình hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Kim Oanh (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Hiện tại, biên chế giáo viên của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên không phải là biên chế Sở nữa, mà đã phân cấp quản lý, tức là họ đã về biên chế thuộc huyện.

Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai, cũng còn vướng phải nhiều khó khăn. Trước hết, theo tôi, tâm lý giáo viên ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thường bị ảnh hưởng rất lớn. Số lượng học sinh ở các trung tâm rất ít, nên đội ngũ giáo viên cũng ít theo. Tôi lấy ví dụ, một môn học chỉ có một giáo viên, do số lượng lớp học ít.

Cho nên việc sinh hoạt chuyên môn đối với đội ngũ giáo viên này là rất khó khăn. Thầy cô tại các trung tâm thường buộc phải ghép sinh hoạt chuyên môn với một số các trường trung học phổ thông đóng trên địa bàn mới có thể sinh hoạt được. Nhưng sinh hoạt chuyên môn của giáo dục thường xuyên gần như khác hẳn với sinh hoạt chuyên môn của các trường phổ thông, bởi chương trình giáo dục thường xuyên có những nội dung được cắt giảm... thành ra rất khó cho đội ngũ giáo viên này.

Cô Lê Thị Kim Oanh (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk). (Ảnh: gddt.daklak.gov.vn).

Cô Lê Thị Kim Oanh (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk). (Ảnh: gddt.daklak.gov.vn).

Đó là vấn đề về sinh hoạt chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ; còn về vấn đề tâm lý, đôi khi, giáo viên dạy quá ít học sinh dễ dẫn đến bị nản, thậm chí có tâm lý muốn chuyển. Theo tôi, rất cần có sự động viên kịp thời đối với đội ngũ này”.

Cô Lê Thị Kim Oanh cũng phân tích: “Những năm gần đây, biên chế giáo viên trên địa bàn hầu như khớp với nhu cầu nhân lực của địa phương.

Tuy nhiên, cũng có một cái khó đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đó là giáo dục nghề nghiệp thì dạy nghề, giáo dục thường xuyên có thêm các môn văn hóa khi học sinh tham gia học nghề. Đương nhiên, khi trung tâm làm tốt được và có thể định hướng tốt cho học sinh nếu làm tốt công tác phân luồng...

Điều này đòi hỏi đội ngũ tại các trung tâm phải thực sự rất tâm huyết nhưng cũng khó, vì đội ngũ thì mỏng, biên chế tại các trung tâm thường được giao rất ít, vì căn cứ theo số lượng học sinh”.

“Trên thực tiễn triển khai vẫn có độ chênh nhất định. Mà ở mỗi địa phương, nhu cầu của học sinh lại khác nhau. Có nơi, học sinh có nhu cầu lớn, nhưng biên chế và đào tạo giáo viên lại không đáp ứng đủ, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Song, cũng có nơi, cho biên chế giáo viên đủ hết các ngành đào tạo nghề thì lại không có học sinh, lại dẫn đến dư thừa giáo viên. Đây vẫn là một bài toán khó, không thể giải được...” - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh.

Ngân Chi