Trước ngày khai giảng, nói chuyện "kính thưa" ở trường học

04/08/2015 07:10
Phan Tuyết
(GDVN) - Mặc dù nhiều người lên án nhưng căn bệnh “kính thưa” dài dòng vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, cứ chạy vòng quanh không có hồi kết.

LTS: Nạn “kính thưa” ở Việt Nam gắn liền với thói khoa trương và bệnh hình thức và kéo theo nhiều hệ lụy. Đã có nhiều hội thảo bàn về việc kính thưa thế nào cho phải đạo. Có văn bản qui định rõ ràng là chỉ kính thưa người có chức vụ cao nhất nhưng hầu như không thể thực hiện. 

Vậy làm sao để ngăn chặn vấn nạn này, đặc biệt là trong nhà trường, ở các buổi lễ lạt?. Cô giáo Phan Tuyết đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến này. 


Bệnh thích nói nhiều, và chuộng hình thức của người Việt chúng ta cần phải lên án để mọi người từ bỏ. Bởi không chỉ bạn bè thế giới ngán ngẩm mà ngay chính những người Việt ngồi nghe cũng thấy như mình đang bị tra tấn.

Chưa nói đến những bài diễn văn, những bản báo cáo thành tích dài vài trang. Chỉ nói đến việc giới thiệu kiểu “kính thưa” đã say xẩm cả mặt mày. 

Chỉ một cuộc hội thảo nhỏ thôi nhưng mỗi người lên đọc, lên phát biểu là mỗi lần “kính thưa”, vừa nêu tên họ vừa nêu chức vụ của gần chục người từ cấp cao đến cấp thấp. 

Mỗi một người được giới thiệu đều làm một động tác quen thuộc đến nhàm chán: như đứng dậy, quay xuống, cười gượng và chắp tay trước ngực chào, mọi người vỗ tay…

Nếu là người khách xa lạ ít người biết đến cũng nên làm như thế, nhưng toàn là người gặp hàng ngày đến “chai cả mặt”, khi vào cuộc họp vẫn phải theo cái lệ cũ mà làm. 

Nhiều người tỏ ra khó chịu, có ý kiến thì được trả lời: “Đó giống như là quy định bất thành văn, ai cũng làm, chẳng lẽ mình lại không”.

Sau màn giới thiệu dài lê thê đến việc lại tung hô theo kiểu: “Được sự quan tâm của thầy...của cô…của đồng chí…Chúng ta vinh dự đón tiếp…”. Khoảng 10 phút nhưng vẫn chưa vào nội dung chính. Đó mới chỉ là phần của một người. 

Nếu buổi họp, buổi hội thảo có tới vài người lên đọc hay phát biểu thì màn giới thiệu và kính thưa sẽ được lập lại bấy nhiêu lần.

Từ thực tế tôi nhận thấy, những người thích dài dòng “kính thưa” chủ yếu mang tư tưởng nịnh bợ, xun xoe là nhiều vì họ sợ không kính thưa hết những vị cán bộ ngồi kia sẽ trách móc, sẽ làm mất lòng. Mà giới thiệu trước hay sau cũng phải cẩn thận. 

Trước ngày khai giảng, nói chuyện "kính thưa" ở trường học ảnh 1
Bệnh thích nói nhiều, và chuộng hình thức của người Việt chúng ta cần phải lên án để mọi người từ bỏ (Ảnh: sangnghiep.com)

Giống như trong buổi Hội nghị công chức ở một trường học, Phó hiệu trưởng là bí thư chi bộ lại bị giới thiệu sau thầy hiệu trưởng.

Sau Hội nghị, vị Phó hiệu trưởng đã phản ứng lẽ ra phải giới thiệu tên mình trước mới đúng…

Cũng có người chỉ dùng một câu: “Kính thưa quý vị đại biểu, thưa toàn thể Hội nghị…” nhưng sau đó thể nào cũng bị góp ý.

Thế nên có không ít người rất muốn có ý kiến trong các cuộc họp đó nhưng đành thôi vì: “Phải kính thưa hết người này đến người khác thấy mệt lắm”.

Tất cả là học đòi theo nhau như một trào lưu dù bản thân nhiều người cũng không muốn. Họ cứ lý giải: “Ai cũng làm mình làm khác kỳ lắm”.

Vì thế không ai có thể dũng cảm để rút ngắn gọn lại những kiểu giới thiệu sáo rỗng, hình thức như trên.

Bệnh nói nhiều và ưa chuộng hình thức còn thể hiện nhiều ở những buổi tọa đàm như ngày 8/3 ngày 20/10, 20/11…

Trước ngày khai giảng, nói chuyện "kính thưa" ở trường học ảnh 2

Thế nào là “khôn”, thế nào là “mống”, thế nào là “hiu hiu”?

(GDVN) - “Khôn” hay “mống” cũng không tránh khỏi đến lúc nhắm mắt xuôi tay, chỉ có người “biết”, người “khôn ngoan” mới có được thiên hạ, là "sống" sau khi đã chết.

Ai cũng thuộc lòng tiểu sử ra đời những ngày đó, nhưng vào buổi lễ năm nào cũng thế, mọi người phải ngồi lắng nghe lại những bài diễn văn lê thê lút thút đến ngán ngẫm. 

Hay những ngày khai giảng, những buổi lễ sơ, tổng kết…màn kính thưa và diễn văn của đủ ban bệ từ Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn, đại diện khách mời, hội phụ huynh đến đại diện học sinh cũng đã chiếm gần hết thời gian trong khi học sinh thì cứ phải ngồi lắng nghe giữa trời nắng như đổ lửa. 

Mặc dù nhiều người lên án nhưng căn bệnh “kính thưa” dài dòng vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” chính là cấp dưới sợ mất lòng cấp trên, cấp trên lại sợ mất lòng cấp trên nữa nên cứ chạy vòng quanh không có hồi kết.

Để chữa căn bệnh này cũng chẳng khó khăn gì nếu những người cán bộ làm gương đi đầu.

Phan Tuyết