Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 16/11, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm tới vấn đề cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng nhanh.
Đại biểu Hồ Thị Minh đặt câu hỏi: Theo tôi được biết hiện nay cả nước có khoảng 191.000 sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học trong cả nước sau khi tốt nghiệp không có việc làm. Trong khi đó, ở các địa phương còn nhiều các trường trung cấp, cao đẳng tiếp tục đào tạo và nhà nước đầu tư ngân sách cho công tác đào tạo và nuôi dưỡng bộ máy các trường rất lớn.
Trong lúc nguồn lực sau đào tạo còn lãng phí những chưa có giải pháp. Tuy nhiên, các trường trung cấp, cao đẳng vẫn tiếp tục đào tạo một cách mất cân đối giữa cung và cầu, liệu rằng các em sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội có việc làm hay không.
Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để tránh lãng phí về kinh phí và nguồn lực đã được đào tạo, có nên duy trì cách thức đào tạo như hiện nay hay không?
Đại biểu Lê Minh Chuẩn (đoàn Quảng Ninh) nêu: Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam năm 2016 được Ngân hàng thế giới công bố sau khi khảo sát 12 nước ở châu Á, được xếp theo thang điểm 10 thì Việt Nam đạt 3,79 điểm trong đó Hàn Quốc đạt 6,91 điểm, Ấn Độ 5,76 điểm và Malaysia 5,59, còn xếp hạng Việt Nam chúng ta đứng thứ 11 trên 12 quốc gia châu Á được khảo sát.
Đánh giá chung nhân lực nước ta yếu về chất lượng, thiếu về năng động và sáng tạo, thiếu kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và ngoại ngữ, như vậy sẽ không có cơ hội vươn xa ra tầm khu vực thậm chí thua ngay cả trên sân nhà.
Vậy Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để giải quyết những vấn đề này trong giai đoạn 2017-2020 và sau năm 2020?
Đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn (đoàn Quảng Ninh). ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Đại biểu Cao Thị Xuân - Thanh Hóa cũng đặt ra câu hỏi: Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm, đây là vấn đề nhức nhối của xã hội. Tính đến nay có hơn 191 nghìn sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí cho dân, cho nước.
Với trách nhiệm của Bộ trưởng, xin được hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng để xảy ra tình trạng trên và giải pháp trong thời gian tới như thế nào?
Trước những quan tâm của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Không phải sinh viên nào tốt nghiệp ra đều có việc làm, ngay cả Harvard cũng vậy, cũng phải có một thời gian, phải có một độ để tiếp cận thực tiễn và thực tiễn phải đào tạo, bổ sung mới thích ứng với điều kiện thị trường lao động chứ không phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung.
Tuy nhiên, nội dung kiến thức, kỹ năng ở nhà trường hết sức quan trọng để sinh viên ra trường không phải mất thời gian, nếu như phải đào tạo lại.
Ở đây không chỉ thuần túy đào tạo lại mà rất lãng phí không chỉ về tiền bạc, thời gian mà lãng phí rất nguy hiểm, bởi vì khi họ đã được đào tạo những thứ không có ích đến bây giờ phải học những thứ có ích thì cũng khó khăn đối với sinh viên. Chúng tôi rất ý thức với điều đó”.
Theo Tư lệnh ngành giáo dục, mỗi năm hiện nay có khoảng 300 nghìn sinh viên trong các trường đại học tốt nghiệp. Theo thống kê các trường đại học báo cáo, thì khoảng 80% có việc làm, như vậy mỗi một năm đã thất nghiệp 60 nghìn em, chỉ cần 5 năm là 300 nghìn, đây là con số rất lớn.
“Tuy nhiên, cũng phải nhìn kỹ vào số sinh viên có việc làm ngay hay sau khi tốt nghiệp rơi vào các nhóm trường top trên là những trường có bề dày, những trường có kinh nghiệm.
Phần lớn sinh viên chưa có việc làm hoặc thất nghiệp lâu rơi vào những trường có điều kiện đảm bảo chất lượng yếu và phần lớn các trường mới thành lập.
Chúng tôi nhận thức được điều này và đang cố gắng sửa. Tới đây, chúng tôi làm rất mạnh về điều chỉnh mạng lưới các trường đại học, áp dụng các chuẩn đảm bảo chất lượng trường và ngành để làm sao những trường mới mở hay có điều kiện yếu kém thì hỗ trợ họ theo hướng hoặc thành phân hiệu hoặc thành một trường thành viên của trường đại học lớn”, ông Nhạ khẳng định.
Bộ trưởng Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết sẽ đặc biệt siết chặt nữa không chỉ đầu vào trong quá trình mà cả đầu ra.
"Xưa nay chúng ta quan tâm quá nhiều về đầu vào thi, đấy chỉ là một khâu mà quan trọng quá trình đào tạo, yếu tố đảm bảo chất lượng và đầu ra.
Vừa rồi tôi đã chỉ đạo tất cả các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt việc quản lý đại học phải báo cáo về số lượng sinh viên tốt nghiệp.
Tới đây trong mùa tuyển sinh tới nếu như trường nào không báo cáo, báo cáo không đúng, số sinh viên không có việc làm cao thì chúng tôi sẽ mạnh dạn, mặc dù chỉ tiêu tự chủ nhưng chúng tôi với trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sẽ có cách để làm sao hạn chế việc tuyển này", ông Nhạ nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ siết chặt chất lượng đào tạo các trường đại học. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Sau phần trả lời này, Đại biểu Nguyễn Anh Trí - TP Hà Nội bấm nút đề nghị tranh luận: Tôi xin tranh luận về vấn đề tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm. Thực ra tôi có câu hỏi, câu hỏi của tôi là trong 191 nghìn sinh viên ra trường không có việc làm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có lỗi gì không?
Câu của tôi rất rõ ràng như vậy, trong trả lời của Bộ trưởng chưa rõ ý. Thực ra có lỗi, tôi nhận thấy vấn đề như vậy, nên thừa nhận điều đấy trước Quốc hội.
Tôi nhận được bản tài liệu của Bộ trưởng và phải nói trong tập tài liệu này cũng rất tốt, Bộ trưởng đã chuẩn bị rất tốt và cơ bản tôi rất hài lòng nhưng cũng cần phải nhấn mạnh rằng lỗi lớn nhất, đó là đào tạo chưa gắn với nhu cầu. Đào tạo của chúng ta cứ thích là đào tạo, chưa gắn với nhu cầu.
Thứ hai, quy hoạch các trường đại học chưa hợp lý. Tất cả những ý kiến của Bộ trưởng trình bày trong này tôi cho đều đúng cả nhưng có lẽ rất cần phải nhấn mạnh hai câu chuyện đó.
Bộ trưởng nói thi trắc nghiệm là ưu việt, nhưng Đại biểu Quốc hội lo lắng |
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Ninh Thuận: Bộ trưởng nhận thấy vấn đề về việc dư thừa sinh viên sau khi tốt nghiệp nhưng giải pháp đưa ra Bộ trưởng nói sẽ có cách, nhưng tôi không hiểu cách đó là cách gì?
Ví dụ đào tạo giáo viên năm 2016, chỉ tiêu đào tạo là 65 nghìn nhưng nhu cầu bổ sung cho ngành giáo dục chỉ 55 nghìn cho nên dự báo đến năm 2020 thừa khoảng 70 nghìn giáo viên.
Tôi không rõ Bộ trưởng nói có nhận trách nhiệm, nhưng giải pháp cho việc này là gì tôi nghĩ không rõ?
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp nêu quan điểm: Theo Bộ trưởng giải trình, sinh viên ra trường hiện nay thiếu việc làm rất nhiều. Trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi thấy nguyên nhân chính yếu theo suy nghĩ là việc giáo dục chúng ta hiện nay chưa gắn liền với việc đào tạo, với việc làm.
Chỉ tiêu tuyển sinh được cho mỗi trường tự đưa ra nhằm đáp ứng công tác giảng dạy mà chưa tiếp cận nhu cầu việc làm thực tế. Chính vì thế, số lượng sinh viên ra trường hàng năm đều cao dẫn đến sau khi ra trường không có việc làm, phải chăng là các trường đại học cần tuyển sinh cho đủ số lượng để đạt chỉ tiêu mà chưa nghĩ đến việc sinh viên ra trường có việc làm hay không.
Theo Bộ trưởng nói thì hiện nay trường Đại học quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sinh viên ra trường có cơ hội có việc làm còn các trường khác còn lại, nhất là các trường đại học của tỉnh thì xin việc làm rất khó khăn.
Bộ trưởng có suy nghĩ gì, hiện nay trường đại học của chúng ta có quá nhiều hay không?
Vấn đề nữa là chất lượng đào tạo của trường đại học của chúng ta cũng có vấn đề như các đại biểu trước đã phát biểu. Vậy chúng ta có nên chuyển công năng sang đại học nghề, sinh viên học nghề ra trường được cấp bằng có giá trị như các trường đại học khác, như vậy người học sẽ được nhiều hơn và cơ hội tìm việc làm cũng dễ dàng hơn?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cũng nêu ý kiến trao đổi lại với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ trưởng nói tức là hệ thống các trường của chúng ta không nhiều, sinh viên so với dân số cũng không cao. Hiện nay, nền giáo dục của chúng ta, nhất là về giáo dục, đào tạo đang rất bất cập.
Bất cập giữa quy mô đào tạo các trường với cơ cấu và chất lượng đào tạo. Trong phát biểu kinh tế - xã hội tôi đã nêu nhưng hôm nay tôi xin đề nghị Bộ trưởng nêu lại vấn đề này?
Chúng ta có hơn 450 trường đại học, gần 2000 trường cao đẳng nghề chuyên nghiệp cho đến cấp huyện. Nhưng điều đáng buồn là có những trường quy mô rất lớn nhưng chỉ có 8 học sinh. Cho nên vấn đề cơ cấu nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay rất bất hợp lý, đại học là 1, trung cấp chuyên nghiệp là 1,3, công nhân kỹ thuật chỉ có 0,9.
Có nghĩa thầy quá nhiều so với thợ, đây là sự bất hợp lý về cơ cấu. Trong khi cơ cấu hợp lý của chúng ta là 1-4-10 nhưng chúng ta không đạt được.
Điều đáng quan tâm của chúng ta là học càng cao, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm càng lớn. Cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp 9%, cao đẳng nghề 6% và đại học là 4%, tôi không nói đến chuyện ra trường phải được xếp việc làm. Việc làm còn phải căn cứ vào thị trường, nhưng đào tạo của chúng ta quá mức.
Vậy làm sao để đảm bảo được cơ cấu chất lượng ở các trường công lập?
Siết chặt chất lượng đầu ra đại học
Trước băn khoăn của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Bất cập về quy mô cơ cấu trường lớp, tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến của đại biểu. Tôi cũng nhận thức được điều này.
Trong trả lời bằng văn bản cũng như trao đổi với các đại biểu, vì giải pháp rất căn cơ tới đây là chúng tôi đang chuẩn bị phải rà soát và duyệt lại các bằng ấy và phải đi từ quy hoạch.
Không chỉ đại học đâu, mà các bậc học cũng phải quy hoạch thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm rà soát xây dựng các quy chuẩn, trên cơ sở đấy hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch mầm non, tiểu học phổ thông, rồi các bậc học, về đó thường xuyên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trực tiếp để triển khai quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trong đó đặc biệt là các trường sư phạm để tạo sự thống nhất hệ thống mạng lưới này”.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, không chỉ tồn tại bất cập về cơ cấu các trường đại học mà còn có bất cập cơ cấu các ngành đào tạo. Có những ngành thừa rất nhiều, ví dụ như khối xã hội, nhân văn, kinh tế thậm chí ngay cả luật sư thừa rất nhiều.
Trong khi có những ngành rất cần về kỹ thuật công nghệ, y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng lại rất thiếu. Bản thân trong một trường cũng đã bất cập về cơ cấu nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Nhạ thông tin: “Chúng tôi đã làm việc với một số bộ trưởng và các địa phương. Đặc biệt, chúng tôi làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn các các hiệp hội, ví dụ như VCCI, để chúng tôi chỉ đạo các trường phải phối hợp với người tuyển dụng để nắm bắt được nhu cầu, từ đó xây dựng cơ cấu tuyển sinh vào doanh nghiệp.
Đặc biệt, gần đây Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã có một quyết tâm đến năm 2020 cố gắng 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp. Chúng tôi sẽ bám rất sát vào việc này để tạo nguồn nhân lực cho 1 triệu doanh nghiệp này.
Cố gắng làm sao cùng với doanh nghiệp khởi hành ngay từ đầu, để đào tạo được những nguồn nhân lực, từ nghề cho đến đại học chứ không phải chỉ có kỹ sư.
Tới đây, tôi sẽ làm việc rất kỹ với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chúng tôi cũng thống nhất, phối hợp với nhau để làm sao cùng thống nhất các chương trình liên thông đào tạo, tạo ra một thị trường lao động linh hoạt”.