Năm học 2025-2026 đánh dấu bước chuyển quan trọng khi hệ thống giáo dục nghề nghiệp chính thức chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Thay đổi này được kỳ vọng sẽ giúp các trường cao đẳng thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thí sinh và tuyển sinh theo hệ thống chung của hệ thống giáo dục đại học, thay vì phải tự tổ chức tuyển sinh riêng lẻ như trước đây.
Tuy nhiên, dù mùa tuyển sinh chuẩn bị bắt đầu, nhưng đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa ban hành quy chế/văn bản hướng dẫn tuyển sinh 2025 cho hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho các trường trong việc chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh.
Lo ngại vì chưa có quy chế/hướng dẫn tuyển sinh 2025

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại chia sẻ, việc hệ thống giáo dục nghề nghiệp chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các trường cao đẳng được nằm trong hệ thống tuyển sinh chung của hệ thống giáo dục đại học. Tuy nhiên, hiện nay, các trường vẫn đang chờ hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để có các phương án cụ thể hơn trong công tác tuyển sinh.
Về công tác tuyển sinh năm nay, Tiến sĩ Võ Hồng Sơn cho biết: “Hiện nay, nhà trường đang đẩy mạnh công tác truyền thông để thu hút thí sinh, đặc biệt là khi phải cạnh tranh với nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ đang có sức hút lớn tại Thành phố Đà Nẵng. Để thích ứng với xu hướng thị trường, chúng tôi cũng đang mở thêm các ngành mới như Thương mại điện tử, cùng một số ngành về làm đẹp…” Tiến sĩ Võ Hồng Sơn chia sẻ.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Võ Hồng Sơn cũng bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn tuyển sinh 2025 cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời chia sẻ dữ liệu tuyển sinh để các trường có thể chủ động hơn trong kế hoạch tuyển sinh. Điều này không chỉ giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có định hướng rõ ràng mà còn tạo thêm cơ hội thu hút thí sinh trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Ngoài khó khăn trong định hướng tuyển sinh, nhiều trường cũng bày tỏ mong muốn sớm được đưa vào hệ thống dữ liệu tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo Thạc sĩ Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO, trước đây, các trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý không có tên trong quyển tư vấn tuyển sinh “Những điều cần biết”. Hiện nay, khi hệ thống này đã được hợp nhất, các trường mong muốn sớm được cập nhật vào hệ thống chung để thuận lợi trong công tác tuyển sinh.
“Mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm có hướng dẫn để các trường cao đẳng chủ động trong kế hoạch tuyển sinh, đồng thời đẩy mạnh công tác phân luồng vào học các trình độ phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động các trình độ của các doanh nghiệp. Trên thực tế, tại THACO, số nhân sự yêu cầu trình độ đại học chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại phần lớn là lao động trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Vì vậy, việc định hướng phân luồng từ sớm sẽ giúp học sinh lựa chọn con đường phù hợp với năng lực và nhu cầu thực tế của thị trường lao động,” Thạc sĩ Phan Tiềm nhấn mạnh.

Hệ 9+: Cần gỡ rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh
Cùng chung mong muốn, Thạc sĩ Cao Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An cho biết, năm nay nhà trường vẫn duy trì các nhóm ngành nghề đào tạo hiện có và chưa có kế hoạch mở ngành mới. Nhờ có chương trình EPS hợp tác với Hàn Quốc, số lượng học sinh đăng ký học tại trường đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, nhà trường mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn tuyển sinh 2025 để các trường cao đẳng chủ động trong kế hoạch tuyển sinh. Đồng thời, đẩy mạnh việc phân luồng học sinh tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để khai thác hiệu quả nguồn nhân lực, tránh lãng phí.
Bên cạnh vấn đề tuyển sinh, nhiều trường cao đẳng cũng mong muốn được mở rộng phạm vi đào tạo văn hóa cho học sinh hệ 9+ (tốt nghiệp trung học cơ sở học nghề kết hợp học văn hóa). Việc chuyển giao hệ thống giáo dục nghề nghiệp về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường trong công tác đào tạo hệ này.
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, cho phép các trường cao đẳng được trực tiếp giảng dạy toàn bộ chương trình văn hóa trung học phổ thông cho học sinh hệ 9+, thay vì chỉ giới hạn ở 4 môn, giúp các em có điều kiện học tập thuận lợi hơn và có nhiều cơ hội lựa chọn con đường học tập tiếp theo.

Trên thực tế, nhiều trường cao đẳng đang sở hữu đội ngũ giáo viên đầy đủ chắc chắn và hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đủ khả năng giảng dạy toàn bộ chương trình văn hóa trung học phổ thông. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các trường chỉ được giảng dạy 4 môn. Điều này đồng nghĩa với việc những học sinh hệ 9+ muốn tiếp tục học lên đại học sẽ phải học bổ sung tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết, gây không ít bất tiện trong quá trình học tập.
Nhìn chung, việc chuyển hệ thống giáo dục nghề nghiệp về Bộ Giáo dục và Đào tạo là một bước tiến quan trọng, giúp thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân và tạo điều kiện cho các trường cao đẳng phát triển. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, cần sớm có các quy chế/văn bản hướng dẫn tuyển sinh cụ thể. Điều này không chỉ giúp các trường chủ động hơn mà còn hỗ trợ công tác phân luồng học sinh hiệu quả hơn, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động hiện nay.