Để lọt vào bảng xếp hạng top 1.000 đại học uy tín nhất thế giới, căn cứ theo bảng xếp hạng của ARWU năm 2019, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã có những cố gắng tăng trưởng một cách vượt bậc trong nhiều năm qua, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Nỗ lực phấn đấu trở thành đại học số 1 về khoa học công nghệ
Vào năm 2008, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trường quy mô nhỏ cả về quy mô nhân lực, sinh viên, ngành nghề, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, và hoàn toàn không có gì cả về khoa học công nghệ.
Chỉ 10 năm sau, tất cả mọi cái đã thay đổi chóng mặt, tốt hơn lên rất nhiều.
Từ chỗ ngôi trường chỉ có 9 phòng ban chức năng, 10 khoa, 2 trung tâm khoa học công nghệ, 1 Tạp chí tiếng Việt vào năm 2008, cho tới nay, nhà trường đã có một hệ thống giáo dục, khoa học công nghệ với 61 đơn vị trực thuộc, gồm 17 khoa, 5 Viện nghiên cứu, 18 phòng ban chức năng, 1 Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, 2 Tạp chí tiếng Anh phát hành toàn cầu, 12 Trung tâm khoa học công nghệ, 5 cơ sở trực thuộc và 1 công ty.
Rất đông sinh viên nước ngoài học, nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh: TDTU) |
Ngoài ra, nhà trường còn có 63 nhóm nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm.
Từ năm 2010 cho đến nay, nhà trường thường xuyên có khoảng 100 giảng viên đang học sau đại học ở nước ngoài.
Chúng tôi đã dự kiến cả thời gian, sự gian nan để đứng đầu thế giới |
Để thu hút chuyên gia, nhà khoa học khắp nơi trên thế giới về cộng tác với nhà trường, trong các năm từ 2012 đến 2018, nhà trường đã đưa ra rất nhiều các chính sách ưu đãi, kết hợp với nhiều loại hình hợp đồng làm việc linh hoạt.
Chính vì vậy, cho đến nay, TDTU là cơ quan giáo dục, khoa học công nghệ có số lượng nhà khoa học nước ngoài có trình độ từ tiến sĩ trở lên đông nhất trong cả nước.
Tốc độ phát triển khoa học công nghệ chưa từng có tại Việt Nam
Đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam yêu cầu sản phẩm đầu ra của nghiên cứu khoa học, phải được công bố trên các Tạp chí Khoa học Công nghệ quốc tế thuộc Danh mục ISI/Scopus.
Các nghiên cứu về công nghệ phải có kết quả đầu ra đạt được Bằng sáng chế công nhận của Cục sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (United States Patents and Trademark Office: USPTO), nghiên cứu ứng dụng này phải được doanh nghiệp tài trợ, hoặc tiếp nhận đưa vào sản xuất kể từ cuối kỳ kế hoạch thứ nhất.
Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực khoa học công nghệ trong vòng 6 năm qua của nhà trường luôn đạt ở cấp số nhân.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng có tốc độ phát triển khoa học công nghệ chưa từng có tại Việt Nam (ảnh: TDTU) |
Từ rất nhiều năm qua, kết quả công bố các bài báo quốc tế ISI của TDTU năm sau đều tăng gấp đôi so với năm trước.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đây là một tốc độ phát triển chưa từng có tại Việt Nam.
TDTU đã thành lập Tạp chí Thông tin và Viễn thông (Journal of Information and Telecomunication: JIT), Tạp chí Công nghệ tiên tiến và Tính toán (Journal of Advanced Engineering and Computation: JAEC), với mục tiêu là được liệt kê vào Danh mục các Tạp chí ISI và Scopus trong vòng từ 3 đến 5 năm, kể từ ngày ra số đầu tiên vào tháng 6/2017.
Thành công của Đại học Tôn Đức Thắng bắt nguồn từ chủ trương tự chủ |
Trong vòng 10 năm qua, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là đầu mối phối hợp với các đại học, tổ chức khoa học danh tiếng nước ngoài để tổ chức nhiều hội thảo quốc tế lớn, quan trọng.
Rất nhiều hội thảo do nhà trường khởi xướng, tổ chức nay đã trở thành hội thảo quốc tế thường niên của ngành, mỗi năm được tổ chức tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, như: ASIA PHARM, AETA, ICFE…
Tổng cộng, cho tới nay, nhà trường đã tổ chức thành công hơn 30 hội thảo quốc tế. Hội thảo nào do nhà trường tổ chức cũng quy tụ được hàng chục trường đại học đến từ ít nhất 5 quốc gia tham dự. Tổng số các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài tham dự hội thảo có khi đến cả nghìn người.
Trong vòng 10 năm qua, Trường Đại học Tôn Đức Thắng vẫn là trường đại học đầu tiên, và duy nhất cho đến nay của hệ thống các trường đại học tại Việt Nam được USPTO cấp bằng sáng chế về khoa học công nghệ.
Tính từ năm 1975 cho đến nay, cả nước chỉ mới có 26 Bằng sáng chế Mỹ do Việt Nam đứng tên là chủ sở hữu, trong đó đã hết 7 Bằng sáng chế là của TDTU.
Ước tính giá trị khoa học đã chuyển giao trong 5 năm thực hiện kế hoạch lần thứ 2 là 100 tỷ đồng. Đây là điều kế hoạch 5 năm lần thứ nhất chưa thể làm được.
Nhóm nghiên cứu độc lập về đại học tại Việt Nam đã xếp hạng TDTU đứng thứ 2 cả nước (sau Đại học Quốc gia Hà Nội), trong đó thì thành tựu về khoa học công nghệ luôn được xếp hạng hàng đầu.