Trường đại học xét tuyển “cầm chừng” vì quy chế tuyển sinh mãi chưa ban hành

27/05/2022 06:50
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cuối tháng 5 nhưng các trường đại học chỉ dừng lại ở việc nhận hồ sơ xét và tư vấn việc lựa chọn ngành nghề bởi quy chế tuyển sinh vẫn chưa được ban hành.

Bị động trong kế hoạch tuyển sinh

Theo Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Tất Thành, năm nay trường vẫn giữ ổn định các phương thức xét tuyển như năm 2021, tuy nhiên có điều chỉnh tỷ lệ của các phương thức trong đó xét học bạ chiếm tỉ lệ nhiều hơn trong so với chỉ tiêu xét tuyển điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đến thời điểm này (ngày 26/5), nhà trường vẫn đang chờ kế hoạch chung, nhiều thí sinh đăng ký từ đầu tháng 5 thì nhà trường vẫn giữ hồ sơ. Nhìn chung lượng thí sinh đăng ký từ đầu là thí sinh tự do, dự kiến từ tháng 6 đến tháng 7, nhà trường sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký của học sinh trung học phổ thông.

Bà Cầm cũng chia sẻ, nhà trường có phần bị động trong việc lập kế hoạch tuyển sinh và nhập học năm học này. Tuy nhiên tạm thời trường cứ nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh và dự kiến sẽ lùi thời gian các đợt xét tuyển. Cuối tháng 5, trường dự kiến công bố điểm trúng tuyển của thí sinh tự do đối với phương thức tuyển sinh bằng điểm thi đánh giá năng lực, còn lại nhà trường chỉ dừng lại ở mức nhận hồ sơ và tư vấn việc lựa chọn ngành nghề của các em năm nay thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trong tháng 5, nhiều thí sinh đến đăng ký xét tuyển bằng phương thức học bạ trung học phổ thông tại trường Đại học Gia Định (ảnh: Lê Phương)

Trong tháng 5, nhiều thí sinh đến đăng ký xét tuyển bằng phương thức học bạ trung học phổ thông tại trường Đại học Gia Định (ảnh: Lê Phương)

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích- Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh thì chia sẻ rằng do dự thảo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nay có nhiều thay đổi nên việc thực hiện các phương thức tuyển sinh, đặc biệt là phương thức tuyển sinh riêng sẽ phải chờ thực hiện theo các quy chế, hướng dẫn của Bộ trong thời gian tới.

Năm nay, trường thực hiện 4 phương thức tuyển sinh, cơ bản không có nhiều thay đổi so với các năm trước. Cụ thể, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 600 điểm; xét tuyển học bạ trung bình ba học kỳ trung học phổ thông (học kỳ 1,2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12), xét học bạ theo tổ hợp 3 môn lớp 12.

Hiện ở phương thức xét tuyển bằng học bạ, trường nhận khoảng 1.000 hồ sơ nhưng cũng đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế hướng dẫn để thực hiện các bước xét tuyển tiếp theo.

“Nhiều thí sinh cũng liên hệ trên các kênh tư vấn của trường thắc mắc các thông tin liên quan đến khâu xét tuyển năm nay có khác gì các năm trước không. Nhìn chung, hình thức xét thì không có nhiều thay đổi, chỉ là cách thức công bố và áp dụng để thí sinh an tâm thì vẫn phải thực hiện theo hướng dẫn của quy chế tuyển sinh năm nay”, bà Bích cho biết.

Tương tự, đối với phương thức xét tuyển thi đánh giá năng lực nhà trường cũng chưa công bố kết quả vì vẫn chờ quy chế. Ở phương thức xét tuyển này, trường Đại học Kinh tế Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh mới đưa điểm xét và kéo dài thời gian xét hết ngày 31/5.

Dự kiến kéo dài thời gian nhận hồ sơ

Một lãnh đạo của trường đại học khác cũng cho biết cái khó của các trường chính là khâu kỹ thuật sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với những điểm mới trong quy chế tuyển sinh và kế hoạch nhập học cũng điều chỉnh lùi.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh của trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết ba phương thức xét tuyển của trường vẫn ở tình trạng đang nhận hồ sơ. Ông Sơn cho biết, đối với phương thức xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông đợt 1 trường nhận được khoảng 5.000 hồ sơ và sẽ nhận đến ngày 30/5, đợt 2 đến hết 15/6. Phương thức xét tuyển thẳng có khoảng 200 hồ sơ. Còn phương thức xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực dự kiến khoảng ngày 5/6 sẽ công bố kết quả trúng tuyển dự kiến.

Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, năm nay, xét tuyển thẳng và xét điểm thi đánh giá năng lực có đông thí sinh đăng ký hơn năm trước trong khi trường chỉ dành chỉ tiêu cho các phương thức này khoảng 10%, nên nhiều khả năng điểm chuẩn phương thức xét bằng điểm thi năng lực sẽ khá cao.

Mặc dù chưa có quy chế tuyển sinh chính thức nhưng ông Sơn cho rằng điều này không gây khó khăn cho trường trong xét tuyển. “Vì nhà trường vẫn chưa hết hạn nhận hồ sơ nên thí sinh vẫn tiếp tục đăng ký, nếu hết hạn thì trường tiếp tục gia hạn thời gian nhận hồ sơ đăng ký”, ông Sơn nói.

Tiến sĩ Mai Đức Toàn – Giám Đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Gia Định cũng cho biết hiện nay, nhà trường đang nhận hồ sơ xét tuyển kết quả học bạ trung học phổ thông đến ngày 31/5. Để hỗ trợ cho phụ huynh, học sinh được tư vấn xét tuyển, điền hồ sơ, nhà trường làm việc đến 20g các ngày trong tuần và cả ngày thứ 7 (đến 17g).

Cuối tháng 5 nhưng các trường đại học cho biết vẫn bị động trong khâu xét tuyển do chờ quy chế tuyển sinh chính thức (ảnh: Lê Phương)

Cuối tháng 5 nhưng các trường đại học cho biết vẫn bị động trong khâu xét tuyển do chờ quy chế tuyển sinh chính thức (ảnh: Lê Phương)

Tháng 5 này, trường cũng bổ sung thêm hình thức xét tuyển đối với phương thức xét kết quả học bạ trung học phổ thông. Đó là cách tính điểm trung bình 3 học kỳ I của 3 năm học trung học phổ thông các môn tổ hợp xét tuyển (học kỳ I lớp 10 + học kỳ I lớp 11 + học kỳ I lớp 12) đạt từ 16,5 điểm trở lên đối với chương trình đại trà và 18 điểm đối với chương trình tài năng.

Trước đó, với phương thức xét học bạ, trường cũng có hình thức xét tuyển như sau: tổng điểm trung bình 3 học kỳ: học kỳ 1 lớp 11, học kỳ 2 lớp 11, học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 16,5 điểm trở lên đối với chương trình đại trà và 18 điểm trở lên đối với chương trình tài năng.

Ngoài ra, trường Đại học Gia Định cũng có phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 (đạt từ 15 điểm đối với chương trình đại trà và 18 điểm đối với chương trình tài năng) và phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2022 do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (đạt từ 600 điểm trở lên đối với chương trình đại trà và 700 điểm đối với chương trình tài năng).

Không chỉ “ngóng” quy chế, các trường cũng băn khoăn một số nội dung mới trong dự thảo quy chế tuyển sinh như: quy định đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo kế hoạch chung, thay vì chỉ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông như trước đây. Về việc này, các trường cho rằng, với dự kiến của bộ sẽ xét tuyển nhiều phương thức cùng một đợt, chạy lọc ảo chung chắc chắn sẽ gây khó cho trường và cả thí sinh.

Lê Phương