Mùa tuyển sinh năm nay, Khoa Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ chính thức tuyển sinh khoá đầu tiên chương trình cử nhân Quản trị và An Ninh (MAS).
Khung chương trình MAS được thiết kế nhằm đón đầu xu hướng nghề nghiệp mới trong thời kỳ 4.0 với 3 chuyên ngành: Công nghệ số và An ninh mạng, Khoa học dữ liệu và Kinh doanh số, Công nghệ tài chính và An ninh tài chính.
Điểm đặc biệt của chương trình đào tạo này đó là được triển khai theo mô hình sinh viên học bán trú các ngày học trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6 với thời lượng 1.200 giờ.
Khóa đầu tiên năm 2021 với 90 chỉ tiêu. Trong đó có một số môn kỹ năng mềm như: Bắn súng, võ thuật, kỹ năng chiến đấu, sinh tồn và chỉ huy nhóm... mang tính chất giống như trong các trường công an, quân đội.
Để làm rõ hơn về những điểm mới lạ cũng như khác biệt của chương trình đào tạo này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học quản lý và Quản trị An ninh phi truyền thống, trực thuộc Khoa Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học quản lý và Quản trị An ninh phi truyền thống, trực thuộc Khoa Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: CAND |
Phóng viên: Được biết, Đại học Quốc gia Hà Nội là trường dân sự đầu tiên trong cả nước có đề án đưa các bộ môn kỹ năng giống như các trường công an, quân đội vào đào tạo.
Vậy, đề án tuyển sinh trong năm đầu tiên của Khoa Quản trị và Kinh doanh - nơi trực tiếp thí điểm mô hình này có điểm gì khác biệt so với các trường công an hay quân đội thưa thầy?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn: Đầu tiên, phải nói đến phương thức đào tạo. Ở đây chúng tôi sẽ đào tạo các môn kỹ năng mềm như: Bắn súng, võ thuật, bơi lội, kỹ năng chiến đấu, sinh tồn có tính chất giống như trong các trường công an, quân đội bên cạnh các môn học chính khoá chứ không chuyên sâu vào các môn đó như trong các trường chuyên biệt.
Thứ hai, nguồn đầu ra chúng tôi hướng đến liên quan đến vấn đề an ninh an toàn hoạt động của bộ máy của một cơ quan, doanh nghiệp có thể là ngoài nhà nước chứ không đơn thuần là như trong các trường công an, quân đội, chắc chắn sau này ra trường phải làm việc trong môi trường quân sự hay cơ quan nhà nước.
Điều này, giúp người học có định hướng tốt hơn, con người hoàn thiện hơn nên có thể thích nghi với mọi môi trường làm việc chứ không hẳn là môi trường công an hay quân đội.
Phóng viên: Được biết, trong các môn dự kiến đưa vào đào tạo năm nay của khoa Quản trị và Kinh doanh có các kỹ năng ngày trước trong các trường công an hay quân đội mới có như: Bắn súng, Kỹ năng sinh tồn, kỹ năng lãnh đạo và chỉ huy nhóm... Vậy môi trường học tập có khắt khe không thưa thầy?
Các môn kỹ năng giống như trường quân sự (trong khoanh tròn) của Khoa Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng |
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn: Để nhận định rõ điều này thì mọi người cần phân định rạch ròi giữa việc chúng tôi đào tạo các kỹ năng như các trường công an, quân đội chứ không phải chúng tôi đang đảm nhận đào tạo quân nhân quân đội hay học viên công an.
Bởi nói đến trường công an hay quân đội thì chúng ta phải nói đến môi trường chính quy, là lực lượng vũ trang theo luật.
Học viên ở đó thì bắt buộc phải theo điều lệnh, kỷ luật và tác phong quân đội. Nói chung là rất nghiêm khắc.
Nhưng ở đây, chúng tôi cũng rèn luyện sinh viên nhưng ở một hệ sinh thái bình thường.
Khi tham gia học trong khoa này, các bạn vẫn được sinh hoạt một cách thoải mái như các sinh viên hệ dân sự khác, nhưng có đưa vào những hoạt động mang tính chất như học viên của các trường công an, quân đội.
Mục đích là làm sao để sinh viên vẫn cảm thấy thoải mái trong quá trình học nhưng lại được rèn luyện được nề nếp và tính kỷ luật cao.
Nói là thoáng nhưng không có nghĩa là các sinh viên muốn làm gì thì làm, bởi các em vẫn được quản lý trong môi trường có tính kỷ luật cao hơn so với các trường dân sự khác.
Buổi sáng các em học các môn lý thuyết nhưng đến chiều các em phải chuyển sang học các môn kỹ năng mềm, chương trình hoàn toàn được khép kín trong ngày, các em không được phép rời khỏi trường trong thời gian này.
Phóng viên: Xin thầy cho biết, để đào tạo được những bộ môn đặc thù như vậy thì nguồn lực giáo viên nhà trường lấy từ đâu?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn: Tất nhiên, trong quá trình nghiên cứu để đưa các bộ môn này vào dạy học chúng tôi cũng đã tính đến chuyện này.
Một phần chúng tôi tận dụng nguồn giáo viên có chuyên môn sẵn có để dạy những môn cơ bản.
Đây là lực lượng cốt lõi lâu nay làm nên uy tín của Khoa Quản trị và Kinh doanh, cũng như là nên thương hiệu của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nguồn thứ hai chúng tôi sẽ sử dụng từ các cơ sở giáo dục khác đạt yêu cầu. Ví dụ, như môn thẩm định âm nhạc thì chúng tôi sẽ mời các nghệ sĩ lớn hay các bộ môn về kinh tế chúng tôi sẽ mời các chuyên gia về kinh tế về tham gia giảng dạy.
Còn riêng về các bộ môn kỹ năng mềm, chúng tôi tiến hành ký hợp đồng với các giảng viên của các trường công an hay quân đội.
Như vậy, chúng tôi sẽ đảm bảo tốt được các bộ môn mình đề ra sẽ được đào tạo bài bản, chuyên sâu vừa tăng tính đa dạng cho các bộ môn của Khoa.
Điều này tạo nên nền tảng giúp sinh viên sau này ra trường có thể có được nhiều vị trí làm việc, gia đình sinh viên cũng hoàn toàn yên tâm gửi gắm con em mình trong đó.
Từ nếp rèn luyện đó, sinh viên ra trường chính bản thân em đó cũng có thể tự khởi nghiệp.
Khoa Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng |
Phóng viên: Xuất phát từ đâu Khoa Quản trị và Kinh doanh lại có ý tưởng đưa những bộ môn này vào để giảng dạy?
Để thực hiện được “giấc mơ” này các thầy phải mất bao nhiêu lâu ấp ủ và gặp phải những khó khăn gì thưa thầy?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn: Để phát triển bộ môn này chúng tôi tính đến các phương án phát triển bền vững và xu thế của tương lai.
Chúng ta có thể xét đến khía cạnh, nếu đất nước muốn phát triển bền vững mà vấn đề an ninh an toàn không đảm bảo thì làm sao mà bền vững được.
Đây là một nhu cầu có thật và trong tương lai gần chúng ta có thể vận dụng để thu hút được học viên, cũng như đảm bảo yêu cầu đầu ra cho các sinh viên nếu mọi việc nằm trong tính toán.
Để có được mã ngành tuyển sinh như hiện nay, các thầy cô giảng viên cũng như lãnh đạo Khoa cũng rất trăn trở và trải qua một thời gian khá dài để tích luỹ và phát triển chuyên môn.
Đầu tiên, để đánh giá được mức độ người học, tiềm năng tương lai của dự án này, chúng tôi phải bỏ chi phí để làm các phiếu khảo sát, thăm dò.
Các phiếu này bằng nhiều cách khác nhau chúng sẽ tiếp cận được đến các phụ huynh, sinh viên các trường cũng như các giáo viên, chuyên gia và một số bộ, ngành, các doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức trong cả nước.
Để làm sao trên mỗi bộ phiếu đánh giá đó, nó tổng quan được hết những mặt tích cực cũng như hạn chế để chúng tôi rút ra kinh nghiệm khi đưa ra phương án lập ra khung chương trình đào tạo.
Nghĩa là cái chúng tôi có được như ngày hôm nay là thứ rất bài bản, khoa học mang tính đúc kết chứ không phải mang tính ngẫu hứng.
Tất nhiên là việc gì mới bắt đầu thí điểm cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định. Đầu tiên, là việc khi mở một mã ngành mới sẽ gặp rất nhiều vấn đề phát sinh ngoài dự tính.
Thứ hai là việc do khung chương trình đào tạo này sẽ mang tính chất giống các trường công an, quân đội nên yêu cầu tuyển sinh cũng khắt khe hơn. Cụ thể là về chiều cao, cân nặng cũng bị hạn chế.
Để khắc phục hạn chế này, năm đầu tuyển sinh chúng tôi cũng sẽ thoáng hơn trong cơ chế và có sự châm chước, đặc cách với những trường hợp đặc biệt nếu không đáp ứng chỉ tiêu về chiều cao, cân nặng.
Phóng viên: Thầy đánh giá thế nào về tiềm năng của nguồn tuyển sinh khi đề án này được đưa vào thực hiện chính thức?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn: Qua hồ sơ tuyển sinh mà chúng tôi có được từ rất nhiều các chương trình khảo sát, thăm dò chúng tôi nhận được nhiều phản hồi rất tích cực. Nghĩa là rất nhiều phụ huynh muốn gửi gắm con họ vào đây.
Mặt khác, với nội dung chương trình hướng tới đào tạo ra một con người hoàn thiện, văn võ song toàn thì các phụ huynh cũng muốn cho con mình trải nghiệm và muốn cho con cái họ sau này có một tương lai tươi sáng.
Nói chung là họ hoàn toàn cảm thấy yên tâm khi đăng ký cho con họ theo học ở đây.
Từ đó có thể nhận thấy, tiềm năng tuyển sinh đầu vào của mã ngành này là cực kỳ khả quan.
Phóng viên: Vâng, xin trân trọng cảm ơn thầy!