Trường ĐH điều chỉnh chương trình đào tạo để khi tốt nghiệp SV có bằng kỹ sư

19/12/2023 06:34
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo TS Nguyễn Trung Nhân, trường đại học được tự chủ phát triển chương trình đào tạo theo mục tiêu xác định, dựa trên quy định khung.

Từ khi Luật Giáo dục đại học năm 2018 (Luật 34/2018/QH14) có hiệu lực, chương trình đào tạo và văn bằng cấp cho người theo học bậc đại học khối ngành công nghệ, kỹ thuật đã có nhiều thay đổi so với trước đây (theo Luật Giáo dục đại học 2012).

Cụ thể, Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật 34 quy định, một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù, trong đó có bằng kỹ sư, cần có chương trình với khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên (đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương) hoặc từ 30 tín chỉ trở lên (với người đã tốt nghiệp trình độ đại học).

Theo đó, hàng loạt trường đại học đã phải điều chỉnh chương trình đào tạo các ngành thuộc khối ngành kỹ thuật, công nghệ để phù hợp với quy định mới.

Ảnh minh họa: VNU
Ảnh minh họa: VNU

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trước khi Luật 34 ra đời, các chương trình đào tạo kỹ sư của nhà trường dao động khoảng 142 tín chỉ. Do đó, khi Luật 34 có hiệu lực, với quy định chương trình đào tạo các ngành cấp bằng kỹ sư phải đạt tối thiểu 150 tín chỉ, nhà trường đã có một số điều chỉnh nhỏ để phù hợp với quy định mới.

Đối với những khóa tuyển sinh từ năm 2018 trở về trước (trước khi Luật 34 có hiệu lực), nhà trường vẫn giữ nguyên số tín chỉ đào tạo và cấp bằng kỹ sư theo đúng cam kết từ đầu với người học.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, các trường đại học được tự chủ phát triển chương trình đào tạo theo mục tiêu xác định, dựa trên quy định khung.

Theo đó, số tín chỉ của 1 chương trình đào tạo do các trường tự điều chỉnh, trong đó đảm bảo tuân thủ theo mức khung quy định (theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP và Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học) về khối lượng học tập đối với chương trình đào tạo đại học tối và chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7.

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cũng khẳng định, trường đại học tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình (theo quy định của Luật 34).

Trường đại học chịu trách nhiệm với chương trình đào tạo dựa trên khung quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT.

Theo thầy Chương, Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT ra đời đã làm rõ hơn quy định cụ thể đối với các bậc học (khối lượng học tập tối thiểu của một chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học phải phù hợp với yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam). Đây là căn cứ quan trọng để trường đại học xây dựng chương trình cụ thể.

Trước đây, theo Luật giáo dục đại học cũ (năm 2012), không có sự phân biệt giữa bằng cử nhân và kỹ sư. Theo đó, đa số các trường đào tạo các ngành kỹ thuật sẽ đều cấp bằng kỹ sư, các ngành đào tạo thuộc khối kinh tế, nhân văn,... thì được cấp bằng cử nhân.

Tuy nhiên, Luật 34 ra đời đã đưa kỹ sư vào ngành đào tạo chuyên sâu bậc 7, với yêu cầu cụ thể về khối lượng học tập tối thiểu.

Lãnh đạo Trường Đại học Giao thông vận tải chia sẻ, trước đây, các ngành đào tạo kỹ thuật của trường đều được cấp bằng kỹ sư. Từ khi có Luật 34, đối với ngành cấp bằng kỹ sư, nhà trường đã tiến hành điều chỉnh chương trình đào tạo theo đúng quy định về số tín chỉ tối thiểu của các ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 (tối thiểu 150 tín chỉ).

Cũng tiến hành điều chỉnh chương trình đào tạo khi Luật 34 có hiệu lực, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, trước khi Luật 34 ra đời, các chương trình đào tạo cấp bằng kỹ sư ở trường có số tín chỉ 150 trở lên, riêng các chương trình đào tạo chất lượng cao khóa 2018 có số tín chỉ là 120 cộng với 21,6 tín chỉ tiếng Anh tăng cường. Các chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp có số đơn vị học trình xấp xỉ 300, tương đương 200 tín chỉ.

“Khi Luật 34 ra đời, nhà trường đã chủ động điều chỉnh chương trình đào tạo theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP, Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT về chuẩn chương trình đào tạo để đáp ứng Khung trình độ quốc gia Việt Nam (theo Quyết định 1982/QĐ-TTg, ban hành năm 2016) của Thủ tướng Chính phủ”, Phó giáo sư Nguyễn Hữu Hiếu chia sẻ.

Được biết, hiện Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) có 35 chương trình đào tạo trình độ đại học cấp bằng cử nhân, 38 chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 cấp bằng kỹ sư và 01 chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù cấp bằng kiến trúc sư.

Nằm trong nhóm 7 trường đại học kỹ thuật (nhóm G7), Phó giáo sư Nguyễn Hữu Hiếu cho biết, nhóm G7 đã cùng phát triển chương trình đào tạo tích hợp cử nhân – kỹ sư: cấp bằng cử nhân (tối thiểu 130 tín chỉ) và cấp bằng kỹ sư (tối thiểu 180 tín chỉ).

“Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo kỹ sư hiện nay của trường đạt năng lực bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, có thể học tiếp lên tiến sĩ trong thời gian 3 năm. Trường hợp sinh viên muốn lấy bằng Thạc sĩ, sinh viên tốt nghiệp Kỹ sư có thể chỉ cần học 6 tháng đến 1 năm nếu có kế hoạch học tập phù hợp”, Phó giáo sư Nguyễn Hữu Hiếu thông tin.

Bằng kỹ sư khác bằng cử nhân như thế nào ?

Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học nêu:

Bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ đại học theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo.

Bằng kỹ sư là văn bằng đối với ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học (các ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư, và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ).

Bằng kỹ sư được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương hoặc có khối lượng học tập từ 30 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trình độ đại học; Chương trình có khối lượng học tập từ 90 tín chỉ trở lên đối với người có trình độ tương đương Bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Doãn Nhàn