Trường Đại học Duy Tân được thành lập từ ngày 11/11/1994 theo Quyết định Số 666/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2015, Trường đã chuyển đổi sang loại hình Tư thục theo Quyết định số 1704/QĐ-TTg ngày 02/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo thông tin website của Trường Đại học Duy Tân, hơn 28 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã tuyển sinh được 63 nghiên cứu sinh, 3.045 học viên cao học, 109.130 sinh viên đại học cao đẳng, 12.400 học viên trung cấp chuyên nghiệp (dừng tuyển sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp từ 2012 và từ năm 2018 trường không tuyển sinh hệ cao đẳng).
Trường Đại học Duy Tân có sứ mạng: “Đào tạo gắn liền với nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu”.
Hiện, Trường Đại học Duy Tân do Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo làm Hiệu trưởng.
Nguồn thu chủ yếu từ học phí, tổng thu nghiên cứu khoa học đột ngột giảm mạnh
Theo tổng hợp số liệu từ báo cáo ba công khai các năm của Trường Đại học Duy Tân cho thấy, giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023 tổng thu của trường có tăng lên. Cơ cấu nguồn thu có sự tăng, giảm, biến động khác nhau.
Tổng nguồn thu và cơ cấu nguồn thu của Trường Đại học Duy Tân trong 5 năm qua, theo dữ liệu từ báo cáo ba công khai. |
Theo báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024, về tài chính theo số liệu bảng kê ghi ngày 8/11/2023, tổng nguồn thu năm học này cao nhất trong 5 năm qua, đạt 635,87 tỷ đồng, tăng 87,87 tỷ đồng, tương đương tăng 16% so với năm trước.
Đáng chú ý, theo báo cáo 3 công khai năm học 2020-2021, tổng nguồn thu của trường tăng mạnh nhất so với năm trước, đạt 536 tỷ đồng, tăng 123 tỷ đồng, tương đương tăng 29,7% so với năm học 2019-2020 (413 tỷ đồng).
Theo số liệu trong báo cáo ba công khai, nguồn thu từ học phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu của Trường Đại học Duy Tân.
Năm học 2019 - 2020, tổng thu từ học phí là 400 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 96,8%). Năm học 2020 -2021, tổng nguồn thu từ học phí là 524,92 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 97,93%). Năm học 2021 - 2022, tổng nguồn thu từ học phí là 467,9 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 94,16%). Đặc biệt, năm học 2022 - 2023, tổng nguồn thu từ học phí là 544 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 99,2%). Năm 2023 - 2024 (theo bảng thống kê đến ngày 8/11/2023), tổng nguồn thu từ học phí là 603,84 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 95%).
Trong báo cáo 3 công khai năm học 2019-2020, năm học 2020-2021, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ dao động từ 8 - 10 tỷ đồng. Trong đó, năm học 2020-2021, trường thu 9,62 tỷ đồng từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, là năm cao nhất trong 5 năm vừa qua. Nhưng từ năm 2021 trở đi, nguồn thu này giảm 8,12 tỷ đồng, chỉ còn 1,5 tỷ đồng (tương đương giảm 84,4%).
Trong khi đó, nguồn thu từ nguồn hợp pháp khác lại có sự tăng trưởng mạnh qua các năm. Năm 2021, 2022 tăng 25,97 tỷ đồng (tăng 94,4%) so với năm 2020. Đến năm học 2023-2024 nguồn thu hợp pháp khác của trường là 30,53 tỷ đồng (tăng 3,03 tỷ đồng, tương đương tăng 11% so với năm học trước).
Thông tin từ báo cáo ba công khai, Trường Đại học Duy Tân khẳng định các nguồn thu của trường được sử dụng đúng mục đích, phục vụ cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nộp nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Lý giải về sự biến động của các nguồn thu, đặc biệt là nguồn thu nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giảm mạnh từ năm 2021, Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Duy Tân nhấn mạnh: “Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học giảm xuống còn hơn 1 tỷ trong những năm đại dịch và sau đại dịch hoàn toàn phù hợp theo quy luật xã hội.
Về hoạt động nghiên cứu khoa học thì nguồn thu chủ yếu từ các doanh nghiệp nghiên cứu chuyển giao công nghệ, khi đại dịch ập đến, hoạt động này của doanh nghiệp bị dừng thì kéo theo nguồn thu của trường giảm. Nguồn thu này giảm không phải là vấn đề mang tính đột biến mà nó phù hợp với trong 2 năm đại dịch Covid-19 nhiều hoạt động suy giảm”.
Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm biến động qua các năm
Cũng theo thông tin từ báo cáo ba công khai, Trường Đại học Duy Tân rất quan tâm đến vấn đề việc làm của sinh viên sau khi ra trường. Hàng năm, Trung tâm tiến hành khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, nhằm đánh giá đúng đắn thực trạng của sinh viên và tính phù hợp của chương trình đào tạo so với nhu cầu thực tế.
Theo đó, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau một năm được Trường Đại học Duy Tân công bố trong báo cáo ba công khai có sự thay đổi, biến động qua các năm.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau một năm ra trường của Đại học Duy Tân từ năm 2018 đến năm 2022 cụ thể như sau:
Năm học 2018-2019, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 1 năm là 94,4%; trong đó, khối ngành III có tỷ lệ 94,2%, khối ngành V có tỷ lệ 96%, khối ngành VI có tỷ lệ 80% và khối ngành VII có tỷ lệ 93,6%.
Năm học 2019-2020, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay trong năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp là 83,12%, trong đó khối ngành III có tỷ lệ 85,85%, khối ngành V có tỷ lệ 86,5%, khối ngành VI có tỷ lệ 80% và khối ngành VII có tỷ lệ 93,82%, khối ngành VII có tỷ lệ 63,3%.
Năm học 2020-2021 tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau tốt nghiệp là 83,2%. Trong đó, khối ngành II có 95,8% sinh viên có việc làm chiếm tỷ lệ cao nhất và thấp nhất là khối VII có 63,3% sinh viên có việc làm.
Như vậy, theo dữ liệu từ báo cáo ba công khai cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm của Trường đại học Duy Tân qua 3 năm khảo sát (từ 2018 đến năm 2020) có xu hướng giảm. Đến năm 2021 tỷ lệ này tăng lên 85,45 và năm 2022 có 92,1% sinh viên ra trường có việc làm.
Theo Tiến sĩ Võ Thanh Hải: “Những năm 2020, 2021 do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội rất lớn. Điều này đã tác động đến việc tìm kiếm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đến năm học 2022-2023 dù trong điều kiện kinh tế vẫn khó khăn nhưng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của Trường là đáng ghi nhận, thể hiện chất lượng đào tạo ở trường đã góp phần đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội cũng như góp phần nâng cao trình độ dân trí và xã hội hóa giáo dục”.
Học phí ngành Y thấp hơn nhiều trường phía Nam
Theo thống kê số liệu từ báo cáo ba công khai các năm học 2021-2022, 2022-2023 và 2023-2024 cho thấy, học phí giai đoạn này có biến động, tăng giảm tùy theo từng ngành, khối ngành khác nhau.
Năm học 2021-2022, học phí của trường dao động từ 21,12-64 triệu đồng/ năm, tùy ngành đào tạo. Trong đó, khối ngành Y ngành có học phí cao nhất là 64 triệu đồng. Năm tiếp theo, khối ngành này tăng thêm 21 triệu đồng, học phí ở mức 85 triệu đồng, tương đương tăng 32,8%. Năm học 2023-2024, học phí khối ngành này lại giảm còn 69 triệu đồng/ năm.
Năm học 2022-2023, học phí của trường dao động từ 14,78-90 triệu đồng/ năm. Trong đó, ngành có học phí cao nhất là Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt (90 triệu đồng/ năm).
Đến năm học 2023-2024, học phí của Trường Đại học Duy Tân dao động từ 17,6-69 triệu đồng/ năm. Trong đó, ngành Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt và Bác sĩ đa khoa có mức học phí cao nhất là 69 triệu đồng/ năm.
Năm học 2023-2024, một số ngành học giữ nguyên học phí so với năm học trước. Ngành Văn báo chí (giữ 17,6 triệu đồng/ năm); Các ngành cùng giữ mức học phí 21,12 triệu đồng/ năm, bao gồm: Điện tự động; Công nghệ thực phẩm; Quản trị nhân lực, Kinh doanh thương mại; Tài chính doanh nghiệp; Ngân hàng; Luật học…
Lý giải về mức tăng học phí các ngành, Tiến sĩ Võ Thanh Hải khẳng định: “Vấn đề liên quan đến học phí, học phí ngành Y hay các ngành mỗi năm nếu có điều chỉnh học phí thì thay đổi không vượt quá 15% theo đúng quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Học phí ngành Y của Trường Đại học Duy Tân hiện nay thấp hơn nhiều so với học phí của một số trường phía Nam”.
Nhóm ngành III: Quản trị kinh doanh; Tài chính - Ngân hàng; Kế toán; Marketing; Kinh doanh thương mại; Quản trị nhân lực; Quản trị sự kiện; Kiểm toán; Hệ thống thông tin quản lý; Luật; Luật kinh tế.
Nhóm ngành IV: Công nghệ sinh học.
Nhóm ngành V: Kỹ thuật phần mềm; An toàn thông tin; Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật môi trường; Công nghệ thực phẩm; Kiến trúc; Kỹ thuật xây dựng; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Kỹ thuật điện; Kỹ thuật y sinh; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Khoa học máy tính; Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu.
Nhóm ngành VI: Y khoa; Dược học; Điều dưỡng; Răng - Hàm - Mặt.
Nhóm ngành VII: Việt Nam học; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung Quốc; Ngôn ngữ Hàn Quốc; Ngôn ngữ Nhật; Văn học; Quan hệ quốc tế; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; Du lịch; Quản lý tài nguyên và môi trường; Truyền thông đa phương tiện.