Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (có địa chỉ tại phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) được thành lập trên cơ sở tổ chức lại hệ thống đào tạo, nghiên cứu và thông tin khoa học của Trung ương Đoàn. Học viện được tổ chức lại dựa trên cơ sở hợp nhất 3 thành viên là Trường cao cấp thanh niên, Viện nghiên cứu thanh niên, Phân viện miền Nam.
Với mục tiêu tập trung đầu tư và nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng nghiên cứu và phục vụ, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện chương trình đào tạo, từng bước đưa học viện hòa nhập vào hệ thống giáo dục đại học quốc dân.
Hiện, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam do Tiến sĩ Trịnh Minh Thái là Chủ tịch Hội đồng và Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng là Giám đốc.
Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam có trụ sở chính tại Hà Nội và phân viện tại Thành phố Hồ Chí Minh
Qua tìm hiểu, phóng viên không tìm thấy báo cáo 3 công khai trong 4 năm học kể từ năm học 2019 – 2020 đến năm học 2022 – 2023 của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung - Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, đúng như phóng viên tìm hiểu, trong 4 năm học vừa qua báo cáo 3 công khai của học viện chưa được thông tin đầy đủ trên website.
“Lý do là, thời gian qua, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam có nhiều lần thay đổi website. Trong quá trình chỉnh sửa, thay đổi giao diện website nên việc đăng tải báo cáo 3 công khai trên website chính thức của học viện chưa được thực hiện đầy đủ.
Mặc dù trên website không thể hiện đầy đủ báo cáo 3 công khai nhưng học viện đều có những văn bản báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các báo cáo về khảo sát việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, chuẩn đầu ra và các đề án tuyển sinh hàng năm, học viện đều gửi và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Thời gian tới, sau khi công bố website chính thức, chúng tôi sẽ đăng tải đầy đủ các báo cáo 3 công khai cùng các thông tin về học viện để đảm bảo đúng các quy định theo yêu cầu”, Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung chia sẻ.
Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Ảnh: T.L |
Quy mô đào tạo có xu hướng tăng
Tìm hiểu tại đề án tuyển sinh của học viện trong 4 năm gần đây (năm 2020, 2021, 2022, 2023), quy mô đào tạo có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, học viện đào tạo hệ sau đại học, hệ đại học chính quy và hệ đại học vừa làm vừa học.
Quy mô đào tạo của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo đề án tuyển sinh năm 2020, 2021, 2022, 2023. |
Đối với hệ sau đại học, học viện đào tạo ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước, quy mô đào tạo năm 2020 là 38 người đến năm 2021 là 56 người.
Tiếp đến năm 2022, tổng quy mô đào tạo là 89 người. Cũng tại năm học này, học viện bắt đầu đào tạo ngành Công tác xã hội với quy mô 10 người.
Năm 2023, quy mô đào tạo là 135 người trong đó ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước là 117 người, chiếm 86,6%.
Đối với hệ đại học chính quy, năm 2020, quy mô đào tạo là 1.530 người, đến năm 2021 là 2.234, tăng 704 người (tương đương với 46,01%).
Quy mô đào tạo năm 2023 là 3.434, tăng 531 người (tương đương với 18,29%) so với năm 2022.
Chia sẻ về những chuẩn bị của học viện để tăng quy mô đào tạo, Tiến sĩ Tuyết Nhung nói: “Sau 4 năm, quy mô đào tạo của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam có xu hướng tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi uy tín của học viện được nâng cao và thu hút được sự quan tâm của các thí sinh và phụ huynh. Học viện cũng luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đoàn thanh niên trong công tác đào tạo, vì vậy hàng năm chúng tôi đều tổ chức rà soát và có kế hoạch bổ sung để đảm bảo quy mô hiện tại và trong tương lai.
Về cơ sở vật chất, cách đây 4 năm, học viện hầu như thừa rất nhiều phòng học nhưng 2 năm trở lại đây, quy mô đào tạo có tăng nhưng học viện vẫn chưa bị áp lực về cơ sở vật chất và trang thiết bị, thậm chí số lượng phòng học còn dư và có thể đáp ứng quy mô đào tạo đến 6.000 sinh viên.”
Đối với hệ đại học vừa làm vừa học, quy mô đào tạo năm 2021 là 110 người, giảm 40 người so với năm 2020 (tổng là 150 người).
Năm 2022, 2023, học viện không đề cập thông tin quy mô đào tạo hệ đại học vừa làm vừa học.
Lý giải về vấn đề này, Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết: “Trước đây, học viện đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học vừa học vừa làm nhưng 2 năm gần đây, học viện không mở tuyển sinh do nhu cầu của xã hội không còn. Ngoài ra, khi học viện mở đào tạo hệ đại học văn bằng 2, số người theo học không nhiều. Chưa kể, học viện vừa ban hành chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045. Theo chiến lược này, chúng tôi vẫn theo mục đích đào tạo các ngành truyền thống của học viện đúng với chức năng và nhiệm vụ ban đầu.”
Một số ngành chưa đạt 50% chỉ tiêu tuyển sinh
Theo tìm hiểu, chỉ tiêu tuyển sinh của học viện có biến động nhẹ trong 6 năm gần đây.
Chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo đề án tuyển sinh 2020, 2021, 2022, 2023. |
Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 là 1.200 người. Đến năm 2019, chỉ tiêu tuyển sinh là 1.100 người. Năm 2020, chỉ tiêu của học viện là 1.200 người đồng thời năm học này học viện bắt đầu mở đào tạo ngành Tâm lý học theo Quyết định số 2002/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 20/07/2020.
Tiếp đến năm 2021, tăng 200 chỉ tiêu so với năm 2020, nâng tổng chỉ tiêu tuyển sinh lên 1.400 người. Năm 2022, học viện tăng 400 chỉ tiêu so với năm 2021 (tổng là 1.800 người). Năm 2023, học viện chỉ tuyển 1.580 chỉ tiêu, ít hơn 220 người so với năm 2022.
Đáng lưu ý, một số ngành có xu hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh như Luật, Quan hệ công chúng.
Mặt khác, số sinh viên trúng tuyển vào học viện chưa đạt chỉ tiêu được phê duyệt.
Số sinh viên trúng tuyển của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo đề án tuyển sinh năm 2020, 2021, 2022, 2023. |
Từ bảng số liệu cho thấy, năm 2018, số sinh viên trúng tuyển là 516, chiếm 43% so với chỉ tiêu được phê duyệt là 1.200.
Năm 2019, học viện có 545 sinh viên trúng tuyển, chiếm 49,5% so với chỉ tiêu được phê duyệt là 1.100. Trong đó, một số ngành chưa đạt 50% chỉ tiêu tuyển sinh như ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước có 43 sinh viên trúng tuyển, chiếm 21,5% (tổng là 200 chỉ tiêu).
Năm 2020, học viện có 710 sinh viên trúng tuyển, chiếm 59,16% so với chỉ tiêu được phê duyệt (tổng là 1.200).
Đến năm 2021, học viện có 1.290 sinh viên trúng tuyển, chiếm 92,14% (tổng là 1.400 chỉ tiêu). Theo đó, ngành Luật tuyển vượt 104 sinh viên, tương đương với 41,6% (tổng là 250 chỉ tiêu); ngành Quan hệ công chúng tuyển vượt 162 người, vượt 64,8% (tổng là 250 chỉ tiêu).
Tương tự, năm 2022, học viện có 1.409 sinh viên trúng tuyển, chiếm 78,27% (tổng là 1.800 chỉ tiêu).
Trả lời cho câu hỏi số sinh viên trúng tuyển của học viện chưa đạt chỉ tiêu được phê duyệt trong 6 năm gần đây ảnh hưởng như thế nào đến nguồn thu và nguồn nhân lực cho xã hội, Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung thông tin: “Số sinh viên trúng tuyển còn thấp do học viện mới đào tạo hệ đại học và chưa được biết đến nhiều trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nguồn thu của học viện chủ yếu là học phí, bên cạnh đó, học viện là cơ sở giáo dục tự chủ 60%.
Riêng ngành Công tác thanh thiếu niên và Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước gần như không đạt chỉ tiêu được phê duyệt, còn các ngành học khác đều đạt 80% chỉ tiêu tuyển sinh. Học viện đã đưa ra những điều chỉnh về chỉ tiêu để đảm bảo số sinh viên trúng tuyển không bị thấp so với chỉ tiêu.
Còn nói về ảnh hưởng đến nguồn nhân lực cho xã hội, hiện công tác tuyển sinh ngành Công tác thanh thiếu niên và Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước còn nhiều khó khăn do Bộ Nội vụ chưa đưa 2 ngành này vào danh mục vị trí việc làm.
Nắm bắt được tình hình đó, học viện đã đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ sung 2 ngành này vào danh mục vị trí việc làm. Từ đó, trong 2 năm gần đây, tất cả thông tin tuyển dụng công chức của một số tỉnh, thành phố có đề cập “ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các ngành đào tạo tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam phù hợp công việc”. Trên cơ sở đó, học viện đã có những chính sách thu hút sinh viên tham gia học tập như cộng điểm hay tuyển thẳng đối với thí sinh là cán bộ đoàn.
Và học viện kiến nghị với Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đề xuất sửa đổi Quy chế cán bộ đoàn, trong đó, yêu cầu cán bộ đoàn phải là người được đào tạo liên quan đến công tác đoàn mới trở thành bí thư đoàn cấp cơ sở”.