Trường ĐH Giáo dục - cơ sở duy nhất đào tạo nhân sự quản trị chất lượng GD

07/03/2023 09:11
Mộc Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học đã mở ra cơ hội lớn cho nhân sự làm việc trong lĩnh vực quản trị chất lượng giáo dục.

Cơ sở giáo dục duy nhất đào tạo quản trị chất lượng giáo dục

Quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ không chỉ mang đến thành tựu và cơ hội, điều này còn mang đến nhiều thách thức cho mọi lĩnh vực. Một trong những thách thức đó là tính cạnh tranh khốc liệt của thị trường kinh tế toàn cầu, bắt buộc hệ thống quản trị chất lượng trong đó có quản trị chất lượng giáo dục phải được ưu tiên hàng đầu.

Tại buổi Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản trị Chất lượng giáo dục do Khoa Quản trị Chất lượng - Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức diễn ra từ ngày 1/3, một số yêu cầu về nghiệp vụ chuyên môn và dự báo cơ hội việc làm đối với sinh viên ngành Quản trị chất lượng giáo dục đã được các chuyên gia gợi ý với 3 hướng công việc chính gồm: Khảo thí, Kiểm định chất lượng giáo dục, Đảm bảo chất lượng giáo dục.

Theo đó, Quản trị chất lượng là các hoạt động có phối hợp để định hướng và kiểm soát tổ chức về chất lượng, bao gồm: Lập chính sách và mục tiêu chất lượng, kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng. Quản trị chất lượng đảm bảo cho tổ chức làm đúng những việc phải làm và những việc quan trọng theo triết lý “làm việc đúng” và “làm đúng việc”, “làm đúng ngay từ đầu” và “làm đúng tại mọi thời điểm”.

Để làm được những điều này, những cán bộ quản trị chất lượng cần phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị chất lượng.

Khoa Quản trị Chất lượng Giáo dục thuộc Trường Đại học Giáo dục thành lập từ năm 2018 trên cơ sở kế thừa và phát triển từ Bộ môn Đo lường và Đánh giá thuộc Khoa Các Khoa học Giáo dục thành lập năm 2013. Khoa hoạt động theo cơ chế phối thuộc với các đơn vị trong Đại học Quốc gia Hà Nội như: Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Trung tâm Khảo thí.

Buổi Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản trị Chất lượng giáo dục do Khoa Quản trị Chất lượng - Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức diễn ra từ ngày 25/02..

Buổi Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản trị Chất lượng giáo dục do Khoa Quản trị Chất lượng - Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức diễn ra từ ngày 25/02..

Khoa Quản trị Chất lượng được giao nhiệm vụ đào tạo Cử nhân ngành Quản trị Chất lượng Giáo dục (bắt đầu từ năm 2018); đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Đo lường và Đánh giá trong giáo dục (từ năm 2014 trên cơ sở kế thừa và chuyển giao chương trình đào tạo Thạc sĩ Đo lường và Đánh giá trong giáo dục từ Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội).

Đến nay, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn là cơ sở giáo dục duy nhất của cả nước đã và đang đào tạo các ngành/chuyên ngành: Quản trị Chất lượng giáo dục, Thạc sĩ Đo lường và Đánh giá trong giáo dục, Tiến sĩ Đo lường và Đánh giá trong giáo dục.

Sinh viên ngành Quản trị chất lượng giáo dục có cơ hội được học tập với giảng viên là các nhà nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, đo lường đánh giá như: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Hùng; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Ngọc; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga; ; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đỗ Long; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Quyết…

Cơ hội việc làm lớn

Những năm gần đây, hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam được phát triển mạnh mẽ, quy mô đào tạo cũng tăng nhanh để từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm đặc biệt tới công tác đảm bảo chất lượng và chỉ đạo triển khai trên toàn hệ thống giáo dục. Với yêu cầu các trường đại học cần kiểm định chất lượng định kỳ 5 năm một lần và 100% các cơ sở giáo dục phải có đơn vị đảm bảo chất lượng, đòi hỏi các trường phải có đội ngũ chuyên trách triển khai công tác đảm bảo chất lượng.

Nhìn nhận cơ hội từ những thách thức đối với nhân sự làm việc trong lĩnh vực khảo thí, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Yến - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện nay công tác khảo thí đang trong tình trạng thiếu hụt nhân lực có chuyên môn sâu.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Yến - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Yến - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ở một số đơn vị, công tác đảm bảo chất lượng chưa được chú trọng đúng mức. Một số trường đại học, phòng đảm bảo chất lượng chỉ có một trưởng phòng và một nhân viên. Nhiều cán bộ chuyển công tác từ lĩnh vực khác sang làm công tác bảo đảm chất lượng nên năng lực và bằng cấp phần lớn chưa đáp ứng điều kiện chuyên môn.

Song song với tiềm năng phát triển của ngành, thì thực trạng thiếu hụt nhân sự và khả năng đáp ứng của nhân sự với các xu hướng khảo thí mới cũng là một thách thức lớn.

Nhu cầu tuyển dụng nhân sự làm công tác quản trị chất lượng giáo dục đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ khi không chỉ tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam, mà tại các cơ sở giáo dục mang yếu tố nước ngoài như Hội đồng Anh, IDP, IIG… cũng đang cần tuyển dụng nhân sự với mức lương tốt.

Nhân sự làm công tác kiểm định chất lượng cần có đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết trong lĩnh vực này. Về mặt chuyên môn, cần nắm được những quy trình, chu kỳ, các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá, thang đánh giá trong Kiểm định chất lượng giáo dục, đồng thời, cũng cần liên tục cập nhật các xu thế kiểm định chất lượng giáo dục mới.

Tiến sĩ Tạ Thị Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nhân sự tham gia hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục các cấp gồm 05 đối tượng chính: nhân sự tham gia quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục (cấp Bộ, Sở, phòng Giáo dục và Đào tạo); nhân sự tham gia hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở giáo dục; nhân sự của các tổ chức Kiểm định chất lượng giáo dục; Các kiểm định viên, Chuyên gia độc lập; chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài.

Tiến sĩ Tạ Thị Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tiến sĩ Tạ Thị Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Giới thiệu về các vị trí việc làm trong công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, Tiến sĩ Trần Thị Hoài - Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, cử nhân ngành Quản trị chất lượng có thể đảm nhiệm vị trí chuyên viên liên quan đến quản trị chất lượng, khảo thí, quản lý khoa học, quản lý đào tạo và vị trí nghiên cứu viên về quản trị đại học; đánh giá, đo lường chất lượng giáo dục; công tác xếp hạng đại học; công tác phát triển giáo dục; đối sánh chất lượng giáo dục; hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; điều phối hoạt động đánh giá ngoài phục vụ kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý đảm bảo chất lượng giáo dục...

Tiến sĩ Trần Thị Hoài - Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tiến sĩ Trần Thị Hoài - Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Sau khi ra trường, cử nhân ngành Quản trị chất lượng có thể công tác tại các học viện, trường cao đẳng, trường đại học... và Việt Nam hiện nay có hơn 250 cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập. Do vậy, có thể thấy cơ hội việc làm, nhu cầu về nhân lực trong công tác đảm bảo chất lượng là vô cùng lớn.

Song song với thuận lợi, ngành quản trị chất lượng giáo dục cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với người học và ngành giáo dục trong việc liên tục học tập, nghiên cứu và thích nghi với những xu thế mới của giáo dục hiện đại.

Mộc Hương