Trao đổi của Chủ tịch HĐT Đại học Tôn Đức Thắng về kết quả kiểm tra của Bộ GD

28/10/2022 06:36
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kết quả kiểm tra của Bộ GD&ĐT cho thấy Trường ĐH Tôn Đức Thắng có nhiều tồn tại trong mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, liên kết, công bố quốc tế.

Ngày 20/10/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo kết quả kiểm tra số 1494/TB/TB-BGDĐT việc thực hiện chính sách pháp luật về khoa học công nghệ; kiểm tra tuyển sinh, liên kết, đào tạo từ xa, tự chủ mở ngành, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Thời gian kiểm tra tại trường Đại học Tôn Đức Thắng được thực hiện từ ngày 9/5/2022 đến ngày 11/5/2022 theo Quyết định kiểm tra số 635/QĐ-BGDDT ngày 7/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Kết luận kiểm tra cho thấy, ngoài những ưu điểm, trường có nhiều hạn chế, tồn tại trong công bố quốc tế, tuyển sinh, đào tạo.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng có nhiều sai phạm trong công bố quốc tế, tuyển sinh, đào tạo. Ảnh minh họa: website Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Trường Đại học Tôn Đức Thắng có nhiều sai phạm trong công bố quốc tế, tuyển sinh, đào tạo. Ảnh minh họa: website Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Anh Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo đúng với khoảng thời gian trước đó, trường cũng đã trao đổi với đoàn kiểm tra.

Trong giai đoạn 2019-2021, vì đang trong quá trình thí điểm nên Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã đặt mục tiêu khá cao, tập trung nhiều nguồn lực, đầu tư vào công bố quốc tế. Nhà trường đã phát hiện, đang rà soát lại và thực hiện thay đổi nghiên cứu theo hướng bền vững hơn và gắn với các hoạt động của nhà trường.

"Thực tế, bên cạnh những kết quả tích cực từ công bố quốc tế thì hoạt động hợp tác, nghiên cứu khoa học trong giai đoạn thí điểm tự chủ đại học không tránh khỏi có những hạn chế, bất cập. Do đó hiện nay Nhà trường đang tiếp tục điều chỉnh để phát huy những điểm tốt, tích cực, khắc phục các tồn tại hướng đến sự phát triển bền vững trong thời gian tới", Tiến sĩ Vũ Anh Đức nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng nhấn mạnh, nếu trong công bố quốc tế không có sự hợp tác thì khó có thể tạo ra các đột phá. Vì vậy, sự hợp tác quốc tế là cần thiết, cũng là để dẫn dắt cán bộ trong trường xây dựng thói quen nghiên cứu.

"Hợp tác trong nghiên cứu khoa học là việc tất yếu phải làm, thúc đẩy tiềm năng nghiên cứu của các nhà khoa học trong trường. Khi nghiên cứu khoa học và cho ra các công bố quốc tế trở thành việc thường xuyên, định kỳ trong trường thì lúc đó nhà trường sẽ không cần thiết phải sử dụng nhiều các nhà nghiên cứu bên ngoài.

Hợp tác là tất nhiên nhưng cũng cần phải phù hợp với mục tiêu của từng giai đoạn, điều chỉnh theo hướng tăng cường tự chủ trong nghiên cứu khoa học", Tiến sĩ Vũ Anh Đức cho hay.

Theo kết luận kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kinh phí chi cho công bố quốc tế năm 2019-2020 của Trường Đại học Tôn Đức Thắng chiếm tỉ lệ 10-14% nguồn thu từ học phí là không phù hợp với quy định. Về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Anh Đức lý giải, số liệu kinh phí như kết luận thanh tra đưa ra chủ yếu trong giai đoạn 2019-2020 và đến năm 2021, nhà trường cũng điều chỉnh, giảm xuống sao cho phù hợp.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, tại Khoản 6, Điều 12 Nghị định 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học có nội dung: “Hằng năm, dành tối thiểu 3% kinh phí từ nguồn thu học phí của cơ sở giáo dục đại học để cho sinh viên và người học hoạt động nghiên cứu khoa học".

Điều khoản chỉ quy định mức tối thiểu là 3%, không quy định mức tối đa nên trong quá trình thực hiện, nhà trường cũng cân đối các nguồn lực sao cho hài hòa để đảm bảo mục tiêu phát triển chung của trường trong từng giai đoạn.

Tiến sĩ Vũ Anh Đức chia sẻ thêm, đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, ngoài nguồn thu từ học phí, hàng năm Nhà trường đều có các nguồn thu khác từ hoạt động chuyển giao sản phẩm, nghiên cứu ứng dụng, hoạt động dịch vụ,…( bình quân hàng năm từ 15 - 20% tổng thu từ học phí). Nhà trường đã sử dụng có hiệu quả các nguồn thu để đầu tư phát triển các điều kiện phục vụ người học, nâng cao chất lượng đào tạo và thực sự, người học tại trường đã nhận được những giá trị tương xứng.

Việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế trong thời gian qua đã nằm trong kế hoạch chung để thực hiện chiến lược phát triển Trường. Nhà trường có kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn và hàng năm trong đó nguồn kinh phí đảm bảo cho các hoạt động để đạt được các mục tiêu đề ra đều được tính toán một cách hiệu quả, phù hợp với khả năng tài chính của trường.

Anh Trang