Trường ĐH Quảng Nam: Theo dõi SV diện NĐ 116 ra trường trong 8 năm là không dễ

09/01/2024 06:40
Phương Lan
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thời gian SV sư phạm công tác theo yêu cầu phải tối thiểu 8 năm là vấn đề với nhà trường trong việc theo dõi, xác minh để đòi bồi hoàn kinh phí...

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt, việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Để hiểu rõ hơn về việc Trường Đại học Quảng Nam đào tạo sinh viên sư phạm khi địa phương triển khai thực hiện Nghị định 116, phóng viên đã có trao đổi với cô Phạm Nguyễn Hồng Ngự, Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên nhà trường.

Cô Phạm Nguyễn Hồng Ngự, Trưởng phòng Đào tạo và công tác sinh viên cho hay, nhà trường đang đào tạo ngành sư phạm với sinh viên có hộ khẩu tại địa phương.

Nhà trường hiện có 5 khu kí túc xá đáp ứng quy mô cho khoảng 2000 sinh viên. Vì vậy, các em sinh viên ngành sư phạm đa số đều chọn ở ký túc xá.

“Sinh viên của nhà trường đa phần ở vùng miền núi, vùng khó khăn nên các em đa số đều chọn ở ký túc xá”, cô Ngự chia sẻ.

Sinh viên Trường Đại học Quảng Nam. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Sinh viên Trường Đại học Quảng Nam. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Trưởng phòng Đào tạo và công tác sinh viên Trường Đại học Quảng Nam cho hay, mỗi sinh viên ở ký túc xá hết chi phí khoảng 60 nghìn đồng/tháng, ngoài ra sinh viên nếu đi làm thuê trên địa bàn thành phố Tam Kỳ cũng đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy, với mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng/sinh viên là đủ để sinh viên không phải bươn chải, yên tâm học hành.

Trong năm học 2023-2024, nhà trường tuyển được 399 sinh viên sư phạm K23. Theo nội dung văn bản hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, các em này sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ học phí (khoảng 14 triệu đồng/năm học, sinh viên được đào tạo tín chỉ), bên cạnh đó là phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng.

Còn đối với sinh viên sư phạm K22 (350 sinh viên), K21 (308 sinh viên), các em sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ học phí, còn việc hỗ trợ chi phí sinh hoạt sẽ chi khi được cấp ngân sách từ Bộ Tài chính.

“Nghị định 116 ra đời từ năm 2020, nhưng đến nay địa phương mới triển khai do còn nhiều vướng mắc. Vì vậy, trong những năm học qua, nhà trường cũng đắn đo chưa thu học phí đối với sinh viên sư phạm, còn nếu thu học phí cũng trái với Nghị định”, cô Ngự chia sẻ.

Hiện tại, các bộ phận chuyên môn của nhà trường đang rà soát đối tượng, xây dựng quy trình, hướng dẫn cụ thể và cho sinh viên ký cam kết để chi trả chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116 trong thời gian tới. Nhà trường đã được nhận ngân sách hỗ trợ chi phí học phí và sinh hoạt cho sinh viên của đơn vị.

Về “cái khó” trong việc thực hiện Nghị định 116, cô Ngự cho hay, Nghị định 116 chỉ quy định ràng buộc là sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp công tác trong ngành giáo dục (đối với sinh viên sư phạm diện đào tạo theo nhu cầu xã hội) nhưng không nêu rõ về nơi công tác.

Bên cạnh đó, thời gian sinh viên sư phạm công tác theo yêu cầu tối thiểu 8 năm cũng là vấn đề với nhà trường trong việc theo dõi, xác minh để đòi bồi hoàn kinh phí nếu sinh viên không thực hiện cam kết.

Việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm ở Quảng Nam ra sao?

Theo như nội dung văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt, việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đã quy định cụ thể về việc bồi hoàn kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.

Cụ thể, sinh viên sư phạm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, trong 2 năm nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc sinh viên chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo, bị kỷ luật buộc thôi học sẽ phải bồi hoàn toàn bộ kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người học.

Đối với trường hợp không đủ thời gian công tác tối thiểu 2 lần thời gian đào tạo (2 lần thời gian đào tạo tại trường đại học thường là 8 năm - phóng viên) tính từ ngày sinh viên sư phạm tốt nghiệp được tuyển dụng, sẽ phải bồi hoàn một phần kinh phí hỗ trợ.

Lớp học của sinh viên Trường Đại học Quảng Nam. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Lớp học của sinh viên Trường Đại học Quảng Nam. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Cách tính chi phí bồi hoàn theo công thức sau: S = (F / T1) x (T1 - T2). Trong đó, S là chi phí bồi hoàn; F là khoản học phí và chi phí sinh hoạt được nhà nước hỗ trợ; T1 là tổng thời gian làm việc trong ngành giáo dục theo quy định tính bằng số tháng làm tròn; T2 là thời gian đã làm việc trong ngành giáo dục được tính bằng số tháng làm tròn.

Kể từ khi sinh viên sư phạm nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí, sẽ phải thực hiện bồi hoàn trong tối đa là 4 năm.

Trường hợp sinh viên hoặc gia đình chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn quá thời hạn quy định, sẽ phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn.

Trường hợp Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn, sẽ phải chịu lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn.

Sinh viên sư phạm hoặc gia đình không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định pháp luật.

Với trường hợp sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách nhưng không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp sẽ được xem xét khi:

"Nếu thuộc đối tượng chính sách, khó khăn thì căn cứ vào điều kiện cụ thể, đặc thù của sinh viên sư phạm, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam quyết định phương thức thu hồi, chính sách miễn, giảm hoặc xóa kinh phí bồi hoàn".

Phương Lan