Ngành Luật Kinh tế là ngành học đào tạo về các quy phạm pháp luật, điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình sản xuất, trao đổi, hay phân phối và tiêu dùng của các chủ thể kinh tế. Ngành này được đào tạo theo hướng ứng dụng, trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc trong lĩnh vực kinh tế - pháp luật.
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu nhân lực của ngành này rất lớn. Do đó, trong những mùa tuyển sinh gần đây, ngành Luật Kinh tế đã thu hút rất nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển.
Ngành học đòi hỏi tư duy logic, kỹ năng phản biện sắc bén
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng, Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra những tố chất, kỹ năng cần có của sinh viên ngành Luật Kinh tế, trong đó thầy nhấn mạnh đến tư duy logic và kỹ năng phản biện.
“Để theo học ngành Luật nói chung, sinh viên cần sở hữu một số tố chất nền tảng như khả năng ghi nhớ tốt, đọc hiểu nhanh, kỹ năng giao tiếp và thuyết phục hiệu quả. Ngoài ra, sự cẩn thận, tỉ mỉ, tư duy phản biện sắc bén cùng với sự kiên nhẫn và khả năng chịu áp lực cũng là những yếu tố không thể thiếu.
Riêng đối với ngành Luật Kinh tế, ngoài những tố chất trên, sinh viên cần có thêm năng lực nắm bắt và hiểu được cơ chế vận hành của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi một nền tảng nhất định về tư duy logic, đặc biệt là khả năng về toán học, nhằm tiếp cận hiệu quả các vấn đề liên quan đến hoạt động doanh nghiệp và các khía cạnh kinh tế - tài chính. Những yếu tố này sẽ giúp thí sinh xác định rõ hơn liệu mình có thực sự phù hợp với ngành Luật Kinh tế hay không”, thầy Tiến cho hay.

Cũng theo Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có thế mạnh đào tạo trong ba khối ngành: Kinh tế, Quản trị và Luật. Tại trường, sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức chuyên sâu về pháp luật mà còn được học vững về kinh tế và quản trị - yếu tố giúp họ khác biệt so với sinh viên luật của nhiều trường khác.
Với chương trình đào tạo chú trọng thực tiễn, sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế có khả năng hòa nhập nhanh vào môi trường doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến kinh tế, thương mại.
Ngoài ra, trường có đặc điểm tuyển sinh riêng biệt: không xét tuyển theo tổ hợp Ngữ văn – Lịch sử – Địa lý, mà tất cả tổ hợp đều bắt buộc có môn Toán. Điều này phản ánh định hướng đào tạo gắn liền với tư duy logic và ứng dụng thực tiễn, phù hợp với yêu cầu của các ngành kinh tế - luật trong thời đại hiện nay.
Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức bày tỏ: “Ngành Luật Kinh tế không chỉ yêu cầu sinh viên nắm vững kiến thức pháp luật, mà còn đòi hỏi khả năng phân tích và xử lý các tình huống pháp lý trong môi trường kinh doanh. Do đó, thí sinh cần phát triển tư duy logic, kỹ năng giao tiếp hiệu quả và khả năng làm việc nhóm.
Bên cạnh đó, việc trang bị kiến thức nền tảng về kinh tế, tài chính và thương mại quốc tế là rất cần thiết, nhằm giúp sinh viên áp dụng pháp luật một cách linh hoạt và thực tiễn trong công việc sau này.
Đối với những học sinh đang có ý định theo đuổi ngành Luật Kinh tế, tôi khuyên các em nên chuẩn bị sẵn sàng cả về tâm lý lẫn kỹ năng học tập. Hãy chủ động tham gia các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ học thuật hay nghề nghiệp để rèn luyện kỹ năng mềm và mở rộng mối quan hệ với những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đây sẽ là hành trang quý giá cho các em trên con đường chinh phục ngành học đầy thử thách nhưng cũng rất tiềm năng này”.

Tại Trường Đại học Hồng Đức, chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế tại có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, đặc biệt chú trọng đào tạo các kiến thức pháp lý chuyên sâu trong lĩnh vực kinh tế, thương mại quốc tế và quản lý doanh nghiệp. Điểm nổi bật là các môn học được thiết kế để đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc trong môi trường kinh tế toàn cầu.
Để hỗ trợ hoạt động thực tập và tăng cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Luật kinh tế, nhà trường có nhiều cơ chế hỗ trợ người học thông qua các chương trình thực tập tại doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các tổ chức dịch vụ pháp lý như công ty luật, văn phòng công chứng… và các cơ quan nhà nước như toà án, viện kiểm sát,...
Chiến lược đặt nguyện vọng thông minh cần kết hợp nhiều yếu tố
Trưởng phòng, Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tư vấn chiến lược đặt nguyện vọng dành cho các thí sinh đam mê ngành Luật Kinh tế. Trong đó, thầy Tiến nhấn mạnh tính phù hợp về năng lực là yếu tố tiên quyết.
“Khi lựa chọn ngành học, điều quan trọng đầu tiên là các em cần xác định rõ đam mê, sở thích của bản thân và đánh giá xem chúng có phù hợp với năng lực học tập hiện tại hay không. Trình tự nên là: chọn nghề phù hợp trước, sau đó mới chọn ngành học tương ứng, và cuối cùng là chọn trường đào tạo phù hợp.
Với những em quan tâm đến ngành Luật Kinh tế, sau khi xác định được sự phù hợp, hãy cân nhắc chọn trường dựa trên năng lực học tập, điều kiện gia đình và các yếu tố cá nhân khác. Tiếp đó, việc sắp xếp nguyện vọng cần thực hiện theo một chiến lược cụ thể, dựa trên thông tin tuyển sinh chính thức của các trường”, thầy Tiến nhận định.
Đối với ngành Luật Kinh tế, theo Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, thí sinh cần có chiến lược rõ ràng trong việc đăng ký nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển. Trước hết, việc lựa chọn nguyện vọng số một rất quan trọng, bởi đây là nguyện vọng được ưu tiên xét tuyển cao nhất. Do đó, thí sinh cần căn cứ vào năng lực học tập thực tế của bản thân để đưa ra lựa chọn phù hợp, tránh đặt nguyện vọng quá xa so với khả năng.
Ngoài ra, thí sinh nên chủ động theo dõi kỹ thông tin tuyển sinh của các trường. Những thông tin này sẽ cung cấp cách thức quy đổi điểm, yêu cầu hồ sơ và các phương thức tuyển sinh cụ thể, từ đó giúp thí sinh sắp xếp nguyện vọng một cách hợp lý theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc sắp xếp nguyện vọng vẫn theo thứ tự từ trên xuống dưới và không giới hạn số lượng, vì vậy bên cạnh những nguyện vọng mang tính “ước mơ”, thí sinh cũng cần xây dựng các phương án dự phòng. Nếu yêu thích ngành Luật Kinh tế, các em nên chọn thêm một vài trường khác có ngành này nhưng có mức điểm phù hợp hơn với năng lực, để đảm bảo cơ hội trúng tuyển và có lựa chọn an toàn hơn.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng, Phòng Tuyển sinh của một trường đại học có đào tạo ngành Luật Kinh tế tại Hà Nội cho biết: “Khi lựa chọn ngành nghề, điều cốt lõi mà thí sinh cần cân nhắc chính là niềm yêu thích và sự phù hợp với năng lực, tính cách của bản thân. Việc chọn một ngành học không phù hợp sẽ khiến các em dễ rơi vào trạng thái mất động lực, chán nản trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, yếu tố về nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động cũng đóng vai trò quan trọng. Những ngành có nhu cầu tuyển dụng cao sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn sau khi người học tốt nghiệp.
Trong mùa tuyển sinh năm nay, các phương thức xét tuyển được thực hiện đồng thời. Vì vậy, để tăng cơ hội trúng tuyển và đỗ vào đúng ngành học mơ ước, thí sinh nên cân nhắc sử dụng đa dạng các phương thức xét tuyển cho cùng một ngành yêu thích. Riêng với ngành Luật Kinh tế, thí sinh có thể ưu tiên lựa chọn một trong các tổ hợp môn như C00, C03, D01 hoặc C14 để đăng ký xét tuyển, tùy theo thế mạnh và định hướng cá nhân”.
Bên cạnh những yếu tố trên, điều kiện kinh tế, sức khỏe và khoảng cách địa lý cũng là những yếu tố cần được thí sinh cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu mức học phí vượt quá khả năng chi trả của gia đình, trong khi học sinh không đủ điều kiện tiếp cận các chương trình học bổng - vốn có tiêu chí xét chọn nghiêm ngặt thì nguy cơ phải tạm dừng việc học giữa chừng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Thực tế cho thấy, không ít học sinh đăng ký vào các chương trình quốc tế, chương trình liên kết đào tạo bằng tiếng Anh với mức học phí lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính, việc nghỉ học vì áp lực chi tiêu là điều rất đáng tiếc.
Ngoài ra, yếu tố sức khỏe và môi trường sống cũng cần được tính đến. Việc học xa nhà, hoặc theo học tại các trường quốc tế, trường ở nước ngoài sẽ không phù hợp nếu học sinh gặp khó khăn trong việc thích nghi về thể chất hay tâm lý.
Vì vậy, thí sinh nên cân nhắc lựa chọn những chương trình học phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, cũng như đảm bảo yếu tố sức khỏe và khả năng thích nghi với môi trường học tập để có thể theo đuổi hành trình đại học một cách bền vững và hiệu quả.