Trường ĐHKTQD dự kiến không xét tuyển điểm thi tốt nghiệp, thí sinh lo lắng

22/06/2022 06:30
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều ý kiến cho rằng, cách xét tuyển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ gây khó khăn hơn cho những em ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Vừa qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố Đề án tuyển sinh đại học năm 2022. Điều được nhiều thí sinh đặc biệt quan tâm đó là dự kiến, từ năm 2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ không tuyển sinh theo phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và các phương thức khác, mà chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp/ xét tuyển sớm với 100% chỉ tiêu sau khi trừ đi số thí sinh diện tuyển thẳng theo quy chế.

Nhà trường cho biết có thể vẫn sẽ dành khoảng 40% chỉ tiêu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển nhưng không dùng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là một phương thức xét tuyển độc lập mà sẽ kết hợp cùng với việc xét học bạ, các chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEIC, TOEFL) hay có giải ở các cuộc thi học sinh giỏi...

Với những dự kiến thay đổi này, đã có không ít ý kiến lo ngại phương thức tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Kinh tế quốc dân sẽ không tạo được sự công bằng cho thí sinh vùng nông thôn, vùng khó khăn vì các em ít có cơ hội tuyển sinh bằng những phương thức khác.

Phóng viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với một số thí sinh có nguyện vọng thi vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2023 để nghe các em chia sẻ về cảm xúc, suy nghĩ của mình.

Em Đặng Lan Chi (học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông Việt Trì – Phú Thọ) cho rằng, nếu nhà trường đổi sang phương thức này thì cũng sẽ gây khó khăn cho không ít một thí sinh. Tuy nhiên bản thân Chi đã học và chuẩn bị tham gia thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS) để xét tuyển kết hợp, nên nếu có đổi phương thức xét tuyển thì điều đó cũng không phải là quá khó khăn với em.

Cũng đồng tình với ý kiến này, Hoàng Thị Yến Nhi (học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Trì – Phú Thọ) cho rằng phương thức tuyển sinh mới (dự kiến) trên sẽ giúp cho nhà trường nâng cao chất lượng sinh viên khi tuyển vào.

Tuy nhiên, Yến Nhi cũng cho rằng phương thức này cũng sẽ gây ra những khó khăn nhất định, bởi thường những thí sinh ở thành phố có thể có nhiều cơ hội được tiếp cận với các cuộc thi đánh giá năng lực, thi chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT, IELTS,… thì đó đã là một lợi thế rất lớn để đăng ký xét tuyển không chỉ vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mà cả những trường đại học khác.

Theo dự kiến, tới tháng 01/2023, Nhi sẽ tham gia cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh và sẽ chuẩn bị cho kì thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, làm tiền đề để xét tuyển vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Em Bùi Hương Khuê - học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: NVCC)

Em Bùi Hương Khuê - học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: NVCC)

Khác với Lan Chi hay Yến Nhi thì Bùi Hương Khuê (học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Hòa Bình) là một học sinh đến từ khu vực dân tộc miền núi.

Chia sẻ với phóng viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Hương Khuê nói: “Đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023 của Trường đại học Kinh tế Quốc dân khi mới được thông báo đã được lan truyền với tốc độ mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội.

Khi đọc thông tin này, em hiểu rằng, từ năm 2023, trường sẽ dành toàn bộ chỉ tiêu cho việc xét tuyển theo nhiều hình thức kết hợp hoặc tuyển thẳng chứ không còn căn cứ theo kết quả kỳ thi trung học phổ thông để xét tuyển như trước nữa.

Như vậy, nếu các bạn học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, đạt được chứng chỉ tiếng Anh, hay có một học bạ đẹp ở các trường chuyên… thì sẽ đỡ áp lực.

Vì không phải học sinh trường chuyên nên nếu dự kiến này được chính thức phê duyệt thì Khuê sẽ cảm thấy rất áp lực. Em khá lo lắng không biết bản thân có đủ năng lực cũng như điều kiện để xét tuyển vào trường hay không.

Đồng tình với quan điểm này, em Bùi Ngân Hạ Khuê (học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Hòa Bình) cho biết: “Em dự định sẽ để nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và xét tuyển thông qua hình thức là dựa vào kết quả của kỳ thi Trung học phổ thông (tổ hợp xét tuyển là Toán, Văn, Tiếng Anh).

Khi nghe được thông tin này em rất lo lắng và thấy điều kiện xét tuyển năm sau khá khó. Vì thế, em đang tìm hiểu và tính chuyển hướng để tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc đánh giá năng lực, vì em vẫn rất mong muốn được học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân”.

Không chỉ những thí sinh mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ, mà ngay khi thông tin dự kiến tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được công bố, trên các diễn đàn, đặc biệt là các diễn đàn mạng xã hội, rất nhiều bài viết đã và đang bàn luận về vấn đề này.

Nhiều ý kiến cho rằng, cách xét tuyển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ gây khó khăn hơn cho những em ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc các trường trung học phổ thông không chuyên, vì những thí sinh này ít cơ hội tiếp xúc và thi SAT, ACT, IELTS và thường chỉ tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; bên cạnh đó, kể cả là những thí sinh thi học sinh giỏi thì số lượng giải cũng không phải là quá nhiều.

Kim Minh Châu