Trường học mời chuyên gia tập huấn cho GV cách tổ chức cho HS chủ động học tập

24/07/2023 08:49
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực hiện Chương trình GDPT 2018, giáo viên không chỉ cần được tập huấn để cập nhập kiến thức mà còn có kỹ năng như tổ chức cho học sinh chủ động học tập.

Năm học 2023 – 2024 là năm thứ hai cấp trung học phổ thông thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Với mục tiêu giáo dục hoàn toàn mới là phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, việc tập huấn để trang bị các phương pháp, kỹ thuật dạy học cho giáo viên ở cấp học này là một trong hoạt động được ưu tiên hàng đầu của các cơ sở giáo dục.

Nhằm tạo cơ hội cho giáo viên được tiếp cận với những phương pháp giáo dục hiệu quả cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học, trong 3 ngày 20 – 22/7, Trường Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi (quận Dương Kinh, Hải Phòng) đã mời diễn giả Tô Thuỵ Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu tham gia tập huấn cho toàn bộ cán bộ, giáo viên nhà trường.

Diễn giả Tô Thuỵ Diễm Quyên (đứng thứ hai từ phải sang) tập huấn cho toàn bộ cán bộ, giáo viên Trường Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi (Ảnh: Phạm Linh)

Diễn giả Tô Thuỵ Diễm Quyên (đứng thứ hai từ phải sang) tập huấn cho toàn bộ cán bộ, giáo viên Trường Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi (Ảnh: Phạm Linh)

Trao đổi cùng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Tô Thuỵ Diễm Quyên cho biết: “Ở thế kỷ 21, kiến thức có ở khắp mọi nơi cho nên trường học không phải là nơi duy nhất cung cấp kiến thức.

Đặc biệt, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi thực hiện Chương trình ciáo dục phổ thông 2018, việc dạy học hướng tới phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh chứ không chỉ chuyển giao kiến thức.

Để phát triển năng lực của học sinh, người thầy phải có rất nhiều kỹ năng về giảng dạy để thúc đẩy học sinh học tập chủ động; tổ chức những hoạt động phát triển năng lực tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề và rất nhiều kỹ năng khác mà một công dân toàn cầu cần phải có ở thế kỷ 21.

Và để thầy, cô giáo có được phương pháp và kỹ năng như vậy, chúng ta cần thay đổi phương thức tập huấn. Không chỉ tập huấn để truyền tải những kiến thức, nội dung theo chương trình mới cho giáo viên nữa mà làm sao để giáo viên tiệm cận với giáo viên quốc tế về phương pháp giảng dạy.

Khi giáo viên có phương pháp giảng dạy tốt thì bất kỳ bộ môn nào cũng có thể dạy tốt vì họ không chỉ chuyển giao kiến thức mà là người tổ chức cho người học tự học.

Đó là một kỹ năng quan trọng hàng đầu và cần thiết cho học sinh ở thế kỷ 21, học tập suốt đời và học tập chủ động”.

Trong 3 ngày tập huấn, giáo viên được tiếp cận nhiều chủ đề như về bối cảnh toàn cầu, trong đó giáo viên sẽ hiểu được tổng quan trên toàn cầu những điều gì đang xảy ra và tại sao chúng ta phải thay đổi mục tiêu giáo dục cũng như phương thức giảng dạy.

Giáo viên nhà trường cũng được tập huấn về chuyển đối số từ việc đưa toàn bộ các dữ liệu như hồ sơ, sổ sách, văn bản,…trong nhà trường đều được lưu trữ trên không gian mạng. Việc sắp xếp tài liệu một cách khoa học trên không gian mạng sẽ làm giảm thiểu tối đa thời gian của giáo viên.

Bên cạnh đó, giáo viên được tập huấn về các công cụ trí tuệ nhân tạo hỗ trợ hiệu quả cho giáo dục, dạy học và các hoạt động trong trường học.

Giáo viên được truyền tải động lực để yêu nghề hơn, ý thức được sứ mệnh của mình và có những phương thức giao tiếp với phụ huynh, học sinh tốt hơn (Ảnh: Phạm Linh)

Giáo viên được truyền tải động lực để yêu nghề hơn, ý thức được sứ mệnh của mình và có những phương thức giao tiếp với phụ huynh, học sinh tốt hơn (Ảnh: Phạm Linh)

Đặc biệt, giáo viên được học về 10 hiệu ứng tâm lý quan trọng giúp tạo động lực học tập cho học sinh; 12 quy luật của trí não giúp giáo viên có phương pháp khai thác sức mạnh của não bộ, tối ưu hoá việc học tập của cả thầy cô và học sinh.

Từ đó, quá trình học tập của học sinh ngày càng chủ động hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời, tạo động lực để các thầy cô yêu nghề hơn, ý thức được sứ mệnh của mình và có những phương thức giao tiếp với phụ huynh, học sinh tốt hơn.

Giáo viên tìm hiểu về 12 quy luật của trí não (Ảnh: Phạm Linh)

Giáo viên tìm hiểu về 12 quy luật của trí não (Ảnh: Phạm Linh)

Diễn giả Tô Thuỵ Diễm Quyên nhấn mạnh: “Xuyên suốt quá trình tập huấn, các thầy cô luôn hợp tác, hứng thú và chăm chỉ đến quên cả thời gian. Đồng thời, các thầy cô luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau rất nhiệt tình.

Điều này cho thấy các thầy cô thực sự mong muốn thay đổi và ý thức được rằng việc học tập để phát triển năng lực giảng dạy của mình là một yếu tố quan trọng ở thế kỷ 21 này”.

Giáo viên được trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục để tích luỹ kinh nghiệm trong việc tổ chức dạy học cho học sinh (Ảnh: Phạm Linh)

Giáo viên được trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục để tích luỹ kinh nghiệm trong việc tổ chức dạy học cho học sinh (Ảnh: Phạm Linh)

Chia sẻ cảm xúc khi tham gia tập huấn về kỹ năng dạy học, cô Nguyễn Thị Hương – giáo viên môn Công Nghệ, Trường Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi cho biết: “Thông qua buổi tập huấn, bản thân tôi cũng như đồng nghiệp được khơi gợi nguồn cảm hứng yêu nghề, đổi mới và sáng tạo.

Đặc biệt, mặc dù tôi luôn ý thức được việc phải thay đổi hoàn toàn tư duy, phương pháp giảng dạy và đã trau dồi, học hỏi để cải thiện nhưng vẫn chưa có cách làm hiệu quả. Bởi vậy, điều quan trọng nhất mà tôi nhận được sau khi tập huấn là có được một định hướng đúng.

Tôi cũng được cập nhập nhiều kiến thức mới ví dụ như cách vận dụng các bộ công cụ trong dạy học, những tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh kiến thức, cách thức tổ chức các hoạt động trong buổi tập huấn của diễn giả cũng sẽ là kinh nghiệm tích luỹ để tôi có thể tổ chức hoạt động giáo dục hiệu quả cho học sinh sau này.

Khi đã có định hướng đúng, bản thân tôi dự định sẽ ứng dụng nhiều kỹ thuật dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh.

Tôi cũng sẽ cập nhập thường xuyên, nhất là khi bộ môn tôi giảng dạy có sự gắn kết chặt chẽ với thời đại công nghệ số để học sinh yêu thích, có sự tò mò, mong muốn tìm hiểu thêm về môn học này”.

Cô Nguyễn Thị Hương (đứng thứ hai từ trái sang) chia sẻ cảm xúc vui mừng cùng đồng nghiệp khi trở thành nhóm xuất sắc nhất (Ảnh: Phạm Linh)

Cô Nguyễn Thị Hương (đứng thứ hai từ trái sang) chia sẻ cảm xúc vui mừng cùng đồng nghiệp khi trở thành nhóm xuất sắc nhất (Ảnh: Phạm Linh)

Còn theo Thầy Bùi Anh Tuấn – giáo viên môn Hoá học, Trường Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi chia sẻ, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc bỡ ngỡ hay băn khoăn, vướng mắc là điều không thể tránh khỏi đối với mỗi giáo viên.

Theo đó, bên cạnh những buổi tập huấn chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, giáo viên mong muốn được tập huấn, trau dồi những nội dung cụ thể về phương pháp, kỹ năng giảng dạy để có cho mình định hướng đúng với mục tiêu giáo dục là phát triển năng lực, phẩm chất của người học.

“Khi được truyền cảm hứng từ diễn giả, bản thân tôi cũng biết cách truyền cảm hứng cho học sinh. Tôi cũng trau dồi thêm được cách tiếp cận và giải quyết các vấn đề liên quan đến các hoạt động giáo dục.

Đồng thời, có cách thức tổ chức các hoạt động để thực hiện quan điểm giáo dục “Lấy học sinh làm trung tâm”.

Khi được trao đổi, trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục theo phương thức mới, sáng tạo của diễn giả, tôi sẽ có cái nhìn tổng quan hơn.

Đây cũng là cơ sở để tôi định hướng, thay đổi phương pháp giảng dạy giúp học sinh hứng thú, vui vẻ khi tiếp cận những kiến thức có phần khô khan của môn Hoá học” thầy Bùi Anh Tuấn chia sẻ.

Thầy Bùi Anh Tuấn (thứ hai từ trái sang) cùng đồng nghiệp hoàn thành bài thuyết trình của nhóm (Ảnh: Phạm Linh)

Thầy Bùi Anh Tuấn (thứ hai từ trái sang) cùng đồng nghiệp hoàn thành bài thuyết trình của nhóm (Ảnh: Phạm Linh)

Thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi chia sẻ: “Để thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần phải có sự thay đổi rất lớn từ đội ngũ thầy cô giáo.

Thay đổi từ nhận thức về mục tiêu của giáo dục phổ thông, đến phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá,…và thầy cô cần được bổ sung các kiến thức về tâm lý và các kỹ năng cần có của người thầy.

Chứng kiến các thầy cô say sưa học tập quên cả ra chơi, không để ý đến thời gian kết thúc mà tôi thấy rất xúc động, tôi tin rằng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi chắc chắn ngôi trường Mạc Đĩnh Chi sẽ phát triển mạnh mẽ mang lại những điều tốt đẹp nhất cho các thế hệ học sinh và thầy cô nhà trường”.

Phạm Linh