Tại thời điểm giữa tháng 5 này, học sinh lớp 9 ở nhiều địa phương đã bước sang tuần học thứ 35 (tuần học cuối cùng của năm học). Ngay sau khi kết thúc chương trình, các em lại bắt đầu bước vào thời kỳ tăng tốc ôn tập để dự kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10.
Nhiều trường học đã lên lịch dạy ôn tập, nhiều giáo viên những môn thi vào lớp 10 cũng tăng tốc ôn tập. Lịch học ôn, học thêm kín mít, hết học ôn tập ở trường, đến học thêm ở nhà thầy cô, có em còn tham gia cả học trực tuyến nữa.
Học sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 (Ảnh: Báo Bình Thuận) |
Mục tiêu càng cao (như thi vào lớp chuyên, thi vào trường điểm) thì càng phải học nhiều. Điều này cũng dễ hiểu, bởi những trường điểm, trường có danh tiếng tỉ lệ chọi sẽ rất cao.
Học sinh có lực học bình thường hoặc không được ôn tập kỹ càng sẽ khó có cơ hội chen chân vào những trường học ấy.
Bên cạnh những trường có tỉ lệ chọi cao, vẫn có một số trường trung học phổ thông, tỉ lệ chọi khá thấp hoặc gần như không có.
Vì thế, có nhiều năm số lượng cần tuyển còn cao hơn số lượng học sinh đăng ký thi nên em dù chưa thi cũng biết chắc chắn rằng mình sẽ đỗ. Mặc dù, đã học hết chương trình thì vẫn phải tham gia đủ các lớp ôn tập do nhà trường tổ chức hoặc do cha mẹ thúc ép.
Điều này không chỉ tạo áp lực thi cử cho nhiều học sinh, phụ huynh còn phải tốn thêm một khoản tiền đóng cho con ôn tập, ngân sách nhà nước cũng phải chi một khoản tiền không nhỏ để tổ chức kỳ thi mà gần ai thi cũng đỗ.
Nhiều trường học điểm chuẩn rất thấp
Kỳ thi vào lớp 10 năm học 2021-2022 tại tỉnh Bình Thuận ngoài một trường có điểm chuẩn trên 30 điểm và 9 trường có điểm chuẩn từ 20 điểm trở lên thì có tới 12 trường điểm chuẩn chỉ trên 10, đặc biệt có 2 trường Trung học phổ thông Ngô Quyền lấy điểm chuẩn 9,25 và Trung học phổ thông Hàm Tân điểm chuẩn 9,5.
Điều đáng lưu ý là, điểm chuẩn khá thấp thế này đã được nhân hệ số (Toán, Văn x 2 + Tiếng Anh). Có thể nói, 5 môn thi chưa đạt 10 điểm và thực chất mỗi môn thi các em chỉ đạt chưa tới 2 điểm.
Có giáo viên chia sẻ với người viết, có những năm chỉ tiêu lấy vào trường còn cao hơn chỉ tiêu học sinh đăng ký dự thi. Nghĩa là chưa thi đã biết ai cũng sẽ đỗ.
Có cần tổ chức kỳ thi cho những điểm trường có điểm chuẩn khá thấp?
Người viết đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo một trường trung học phổ thông về việc có nên tổ chức thi vào 10 khi chưa thi đã biết mình đỗ? Tổ chức một kỳ thi như thế có lãng phí quá không?
Thầy giáo M. (đề nghị không nêu tên) cho biết, dù không có sự cạnh tranh khi thi vào trường, dù tỉ lệ học sinh bị rớt khá ít thì theo quan điểm riêng vẫn rất cần phải tổ chức kỳ thi.
Bởi, học sinh ở vùng quê này vốn đã lơ là học, cũng vì có kỳ thi vào 10, thầy cô giáo bậc trung học cơ sở cũng sẽ tổ chức ôn luyện kỹ hơn, nhiều em cũng chú ý học hơn.
Nếu như không còn kỳ thi vào 10, cứ tốt nghiệp trung học cơ sở là vào thẳng lớp 10 chắc chắn nhiều em sẽ lơ là học tập và chất lượng sẽ còn tệ hơn nhiều.
Ngược lại, có khá nhiều giáo viên cũng cho rằng chỉ nên thi tuyển đối với những trường có tỉ lệ chọi cao, những trường có tỉ lệ chọi thấp thì nên bỏ thi đổi qua hình thức xét tuyển. Áp dụng hình thức này sẽ có nhiều điều lợi cho cả học sinh, phụ huynh và chính địa phương ấy.
Kỳ thi vào lớp 10 thường được tổ chức đúng quy trình và rất nghiêm ngặt. Để phục vụ cho vài trăm học sinh thi an toàn thì khâu chuẩn bị, tổ chức thi luôn được thực hiện một cách chu đáo.
Vì thế, chi phí cho một hội đồng thi là không hề nhỏ. Nhưng chỉ vì sợ học sinh không học mà phải tổ chức cả một kỳ thi vào 10, vừa tốn tiền phụ huynh cho con đi ôn luyện mà ngân sách địa phương cũng phải bỏ ra một khoản không hề nhỏ cho công tác tổ chức kỳ thi, áp tải đề thi, coi thi và chấm thi thì thật là lãng phí.
Muốn học sinh chú ý học hơn vẫn còn khá nhiều cách mà không nhất định phải tổ chức cả một kỳ thi lớn. Ví như làm tốt khâu ra đề kiểm tra 1 tiết, cuối kỳ, cuối năm ở lớp 9.
Tổ chức xét tuyển học bạ, làm thật gắt, thật nghiêm. Học sinh nào có kết quả học tập chưa tốt vẫn thẳng tay loại. Làm như thế, học sinh cũng sẽ không dám lơ là học mà chất lượng học tập chắc chắn cũng được nâng lên đáng kể.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.