Tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo về "định hướng, giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặc biệt lưu ý về một số nội dung.
Trong đó có nội dung về việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học. Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, những bất cập, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn vướng mắc, bài học kinh nghiệm, lựa chọn phương án tốt, đề xuất, kiến nghị giải pháp cụ thể với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Quản lý nhà nước về giáo dục đang bị phân tán nguồn lực, gây nhiều khó khăn
Trước nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sỹ Trần Phương – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao cho hay, hiện nay, việc chưa thống nhất quản lý nhà nước trong hệ thống giáo dục đã và đang gây ra nhiều khó khăn.
Thứ nhất, làm mất sự đồng bộ và liên thông hệ chính quy. Học sinh tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang gặp nhiều khó khăn khi muốn tiếp tục học lên các bậc học cao hơn ở hệ đại học chính quy thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các chương trình học, tiêu chuẩn đầu vào, quy trình tuyển sinh khác nhau khiến quá trình chuyển tiếp trở nên phức tạp và mất nhiều thời gian.
Thứ hai, làm phân tán nguồn lực, giảm hiệu quả quản lý. Việc quản lý giáo dục bị phân tán dẫn đến sự lãng phí nguồn lực, khó khăn trong việc xây dựng chính sách thống nhất đã dẫn đến thiếu sự phối hợp, các bộ, ngành khó khăn trong việc phối hợp để giải quyết các vấn đề chung của ngành giáo dục.
Thứ ba, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Không cùng một cơ quan quản lý nhà nước, dẫn tới chất lượng đào tạo không đồng đều, chất lượng đào tạo giữa các trường có sự khác biệt lớn.
Đặc biệt, các trường trung cấp, cao đẳng giáo dục nghề nghiệp đang gặp phải những khó khăn trong tuyển sinh khi học sinh và phụ huynh khó tiếp cận thông tin.
Vậy nên, thầy Phương cho rằng, việc thống nhất quản lý nhà nước trong giáo dục và đào tạo không chỉ là một bước tiến quan trọng trong cải cách giáo dục mà còn là một yếu tố then chốt trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục hiện đại, công bằng và hiệu quả. Đồng thời, đây là một tín hiệu tích cực cho hệ thống giáo dục Việt Nam. Từ đó, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.
Trước hết, việc thống nhất quản lý nhà nước sẽ tạo ra một khung pháp lý và quy trình làm việc đồng bộ cho tất cả các cấp học. Điều này giúp giảm thiểu sự chồng chéo, lãng phí và đảm bảo rằng mọi cấp học đều tuân thủ các tiêu chuẩn giáo dục chung.
Bên cạnh đó, nhờ thống nhất quản lý nhà nước, sự liên thông giữa giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học sẽ giúp học sinh có thể dễ dàng chuyển tiếp giữa các cấp học. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho học sinh mà còn giúp hệ thống giáo dục hoạt động hiệu quả hơn, đảm bảo rằng chương trình giảng dạy và phương pháp giảng dạy được liên kết chặt chẽ.
Mô hình quản lý thống nhất sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc thiết lập các tiêu chuẩn giảng dạy và đánh giá chung. Nhờ đó, người học sẽ được hưởng một nền giáo dục có chất lượng cao, đồng nhất trên toàn quốc.
Một hệ thống giáo dục thống nhất và liên thông sẽ giúp đào tạo ra nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa, nơi mà yêu cầu về kỹ năng và kiến thức ngày càng cao.
Đặc biệt, sự thống nhất quản lý giúp đảm bảo rằng tất cả học sinh dù có điều kiện kinh tế hay địa lý ra sao đều có cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng. Qua đó góp phần giảm khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền và giữa các nhóm xã hội.
Chính vì vậy, theo thầy Phương, cần xây dựng một cơ quan quản lý giáo dục thống nhất. Bởi, sự tập trung các chức năng quản lý giáo dục vào một cơ quan duy nhất nhằm tăng cường sự phối hợp và hiệu quả quản lý.
Bên cạnh đó, cần đưa ra một khung chương trình đào tạo thống nhất cho tất cả các cấp học, các ngành nghề để đảm bảo sự liên thông và chất lượng đào tạo. Xây dựng cơ chế chuyển đổi tín chỉ linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên chuyển đổi tín chỉ giữa các trường, các hệ thống giáo dục.
Trước ý kiến cần sớm chuyển các trường trung cấp, cao đẳng nghề trở về Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Phương cho rằng, việc làm này sẽ mang lại nhiều lợi ích tiềm năng vì điều này giúp tăng cường tính thống nhất. Việc tập trung quản lý giáo dục vào một đầu mối sẽ giúp tăng cường tính thống nhất trong các chính sách, quy định, chương trình đào tạo, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên thông giữa các cấp học.
Hơn nữa, giúp nâng cao hiệu quả quản lý. Việc làm này góp phần giảm thiểu tình trạng chồng chéo, phân tán trách nhiệm trong quản lý, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Không những vậy, việc thống nhất quản lý nhà nước về Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giúp đơn giản hóa quy trình tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và nhà trường.
Đặc biệt, dưới sự quản lý tập trung, việc đảm bảo chất lượng đào tạo sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn, đồng thời tạo điều kiện để các trường nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tín hiệu đáng mừng
Cùng bàn về nội dung trên, Thạc sỹ Nguyễn Quang Khải – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang bày tỏ, việc Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo bàn và nêu ý kiến về việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo là một tín hiệu rất đáng mừng. Bởi, đây là cơ sở quan trọng bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học.
Theo thầy Khải, việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học là ý kiến đề xuất của nhiều nhà giáo, nhà quản lý giáo dục và nhiều nhân sĩ trí thức trong những năm qua.
Đó cũng là sự kỳ vọng của đông đảo các bậc phụ huynh quan tâm đến sự nghiệp giáo dục - đào tạo.
Việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo sẽ giúp hệ thống giáo dục quốc dân của chúng ta thoát ra khỏi những bất cập trong thực hiện chủ trương xây dựng hệ thống giáo dục mở, linh hoạt và liên thông, tạo điều kiện cho người học đạt được mục tiêu học tập bằng nhiều hình thức và con đường khác nhau.
Thầy Khải cho hay, trên thực tế, việc được học hành bằng nhiều hình thức, nhiều con đường khác nhau để lập thân, lập nghiệp, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ cộng đồng vừa là nguyện vọng, quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mỗi công dân Việt Nam.
Tuy nhiên, việc chưa thống nhất về mặt quản lý nhà nước trong hệ thống giáo dục hiện nay của nước ta (các trường trung cấp, cao đẳng (trừ cao đẳng sư phạm) thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý trong khi các bậc học khác đều thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) đang gây ra những khó khăn, bất cập đối với việc thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhiều người.
Thứ nhất, đào tạo liên thông giữa các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Học sinh trung cấp nghề học chương trình văn hóa trung học phổ thông rút gọn (4 môn) chỉ được liên thông học lên đến cao đẳng giáo dục nghề nghiệp.
Thứ hai, vấn đề phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông bất cập dẫn đến hạn chế nguồn tuyển đào tạo nghề trình độ trung cấp, sơ cấp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu thống nhất quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo về một Bộ chủ quản thì vấn đề phân luồng sau trung học cơ sở phải được thực hiện trên cơ sở chủ trương và chỉ tiêu phân luồng do Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025").
Bên cạnh đó, theo thầy Khải, việc chưa thống nhất về mặt quản lý nhà nước trong hệ thống giáo dục hiện nay của nước ta cũng gây ra những khó khăn cho các trường trung cấp, cao đẳng khi không được chung về hệ thống tuyển sinh, khó liên thông.
Trên thực tế, trường trung cấp, cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp có đội ngũ giáo viên văn hóa, có cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy các môn văn hóa (do trước đây là các trường thuộc ngành Giáo dục nên vừa dạy nghề kết hợp dạy văn hóa nhưng từ khi về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội những cơ sở này không được chủ trì quản lý hồ sơ học sinh và hoạt động giảng dạy do không được chung về hệ thống tuyển sinh của ngành Giáo dục nên phải hợp đồng liên kết quản lý với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên trên cùng địa bàn. Tình trạng này đã gây nên khó khăn, bất cập trong nhiều năm qua.
Cũng theo thầy Khải, việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo sẽ giúp hệ thống giáo dục quốc dân của chúng ta thoát ra khỏi những bất cập trong thực hiện chủ trương xây dựng hệ thống giáo dục mở, linh hoạt và liên thông, tạo điều kiện cho người học đạt được mục tiêu học tập bằng nhiều hình thức và con đường khác nhau.
“Tôi tán thành chủ trương chuyển các trường trung cấp, cao đẳng nghề về lại Bộ Giáo dục và Đào tạo để thống nhất về mặt quản lý nhà nước trong hệ thống giáo dục nước nhà. Việc làm này sẽ giải quyết những bất cập và tháo gỡ những khó khăn không đáng có trong quản lý nhà nước về phân luồng học sinh, về liên thông, về xây dựng hệ thống giáo dục mở và linh hoạt, về hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nhà giáo và học sinh sinh viên, về sự đồng bộ trong hệ thống đảm bảo chất lượng và kiểm tra đánh giá người học”, thầy Khải bày tỏ.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nông nghiệp Thanh Hóa bày tỏ, quan điểm thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo là rất đúng đắn. Bởi, trên thực tiễn, các bậc học từ phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đều có sự gắn bó, liên quan mật thiết với nhau.
Đơn cử như việc dạy văn hóa trong trường nghề cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa trường nghề và trường phổ thông hay việc liên thông giữa các từ cao đẳng lên đại học cần sự phối hợp chặt chẽ, phù hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học.
Do đó, rất cần sự thống nhất quản lý nhà nước để đồng bộ về các quy định đối với tất cả các bậc học. Từ đó, đảm bảo tinh thần học tập suốt đời, cơ hội học tập rộng mở cả ngang lẫn dọc cho người học.