Trường THPT Đông Đô tổ chức hội thảo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với giáo dục VN”

29/10/2023 08:37
Kim Ngân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hội thảo được tổ chức để bày tỏ lòng tri ân của các thế hệ người Việt Nam đối với những công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngày 28/10, Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Viện Trí Việt – Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục và Trường Trung học phổ thông Đông Đô, Trung tâm Sáng tạo Việt đã tổ chức Hội thảo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với giáo dục Việt Nam”, kỷ niệm 112 năm ngày sinh và tưởng nhớ 10 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hội thảo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với giáo dục Việt Nam” được tổ chức tại Trường Trung học phổ thông Đông Đô.

Hội thảo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với giáo dục Việt Nam” được tổ chức tại Trường Trung học phổ thông Đông Đô.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam; Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Trí Việt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Sáng tạo Việt; Tiến sĩ Võ Thế Quân – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Trung học phổ thông Đông Đô đồng chủ tọa Hội thảo.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Mậu Bành phát biểu khai mạc Hội thảo.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Mậu Bành phát biểu khai mạc Hội thảo.

Khai mạc Hội thảo, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Mậu Bành chia sẻ: Hội thảo được tổ chức để tìm hiểu về cuộc đời, hoạt động phong phú của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bày tỏ lòng tri ân của các thế hệ người Việt Nam đối với những công lao to lớn của Đại tướng – Nhà Chính trị - Quân sự kiệt xuất.

Hội thảo cũng là dịp để chúng ta tìm hiểu, học tập tư tưởng và quan điểm sâu sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về giáo dục và vận dụng vào công cuộc đổi mới, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

Đại tướng và nhiều kỷ niệm đẹp với Trường Trung học phổ thông Đông Đô

Tại hội thảo, Tiến sĩ Võ Thế Quân đã chia sẻ bài tham luận: “Nhà giáo - Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911- 2013) - Một sự nghiệp vĩ đại, Một nhân cách cao thượng, mẫu mực”.

Tiến sĩ Võ Thế Quân khẳng định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh hùng dân tộc, nhà quân sự thiên tài. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Nhà chỉ huy quân sự với tài thao lược kiệt xuất, bậc Thầy về chiến lược, nghệ thuật quân sự. Thế giới khâm phục và suy tôn Đại tướng là một trong những danh tướng trong lịch sử nhân loại, Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà cách mạng kiệt xuất, một nhân cách cao thượng, mẫu mực.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại diện xuất sắc của thế hệ vàng cách mạng Việt Nam. Đại tướng là tấm gương Đức-Trí-Dũng-Liêm, Tài-Đức vẹn tròn, văn võ song toàn; sống thanh bạch, giản dị, trọn đời vì nước vì dân.

Tiến sĩ Võ Thế Quân chia sẻ tại hội thảo.

Tiến sĩ Võ Thế Quân chia sẻ tại hội thảo.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương sáng ngời những phẩm chất, nhân cách cao thượng, mẫu mực về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; giản dị, khoan dung, nhân hậu.

Đại tướng là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã mẫu mực thực hành lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng” nghĩa là phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết; coi đó là phương châm sống và phấn đấu trong suốt cuộc đời.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu cao tấm gương sáng của người chiến sỹ cách mạng kiên trung, tuyệt đối trung thành, suốt đời tận tụy hy sinh, một lòng một dạ phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng của Đảng.

Hơn hết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà giáo, một người có nhiều đóng góp cho giáo dục Việt Nam,

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Nếu không có chiến tranh, tôi vẫn là nhà giáo”.

Đại tướng khi đảm nhiệm trọng trách Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách khoa học và giáo dục đã dành nhiều tâm huyết, chỉ đạo sự phát triển khoa học, công nghệ và giáo dục của đất nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất chú trọng phát triển hệ thống các trường sư phạm.

Đại tướng luôn nhấn mạnh giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ phải thực sự là quốc sách hàng đầu trong thời đại kinh tế trí thức, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam, trong lịch sử Việt Nam”, thầy Quân khẳng định.

Chia sẻ kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Trường Trung học phổ thông Đông Đô, Tiến sĩ Võ Thế Quân cho biết, ngày 17/12/1999 nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (22/12/1944 - 22/12/1999), đoàn đại biểu giáo viên và học sinh Trường phổ thông Đông Đô gồm 36 thầy giáo, cô giáo và học sinh ưu tú đại diện cho hơn 1000 cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường đã đến thăm và chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng ở địa chỉ số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội).

“Sau lần được Đại tướng và phu nhân tiếp ngày 17/12/1999, thầy và trò nhà trường rất vinh dự đã được đến thăm Đại tướng nhiều lần nữa. Mỗi lần đến thăm đều được Đại tướng ân cần thăm hỏi và chỉ bảo, đó là những kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên đối với mỗi thầy giáo, cô giáo và học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Đô”, thầy Quân xúc động chia sẻ.

Nhân dịp đón năm mới 2000, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết vào Sổ vàng truyền thống của Nhà trường những dòng chữ quý giá:

“Trường phổ thông Trung học dân lập Đông Đô

Hãy phấn đấu tiến lên

Thầy giáo và cô giáo dạy thật tốt

Các cháu học sinh gái trai học thật tốt

Làm cho Trường ta trở thành

Một trong những trường

Trung học gương mẫu trong cả nước”

“Lời dạy bảo ân cần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là động lực cho Trường phổ thông Đông Đô phấn đấu trong những năm qua và thời gian tới. Trong các năm học vừa qua trường đều đạt danh hiệu Tập thể lao động Tiên tiến, Tập thể lao động xuất sắc, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng nhiều Bằng khen, được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tặng nhiều Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc năm học 2012-2013. Những thành tích trên đây thể hiện tình cảm kính trọng và sự tri ân của thầy, trò nhà trường kính dâng lên Bác Giáp kính yêu.

Thầy và trò Trường trung học phổ thông Đông Đô quyết tâm thực hiện những lời căn dặn ân tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi tại Sổ vàng truyền thống và trong bức thư đặc biệt Đại tướng gửi cho nhà trường, quyết tâm xây dựng Trường trung học phổ thông Đông Đô Hạnh phúc - Thông minh - Chất lượng cao - Phát triển bền vững, xứng đáng với tình cảm yêu quý của Bác Giáp dành cho thầy và trò nhà trường”, thầy Quân chia sẻ.

Đại tướng với nhiều đóng góp cho giáo dục Việt Nam

Trò chuyện tại buổi Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo đã có bài chia sẻ: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Nhà giáo làm tướng quân, rồi một vị tướng làm giáo dục và tâm thư gửi Bộ Chính trị”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo chia sẻ những đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với giáo dục Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo chia sẻ những đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với giáo dục Việt Nam.

Thầy Bảo cho biết, trong một tâm thư gửi Bộ Chính trị ngày 15/06/2009, Đại tướng viết: “Giáo dục và đào tạo là mục đích cuộc sống, vì con người và vì cuộc sống, không chỉ có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài mà còn có sứ mệnh tạo ra những định hướng giá trị văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ và tinh thần có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội".

Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh đến ba việc cần làm trong đổi mới giáo dục.

Thứ nhất là rèn luyện người học “Học – hỏi – hiểu – hành” và “Khỏe – sáng khôn – khiêm cung”.

Thứ hai là quán triệt “Cần – kiệm – tình – nghĩa” trong nhân cách và được vận động theo tinh thần tam lập.

Thứ ba là rèn luyện người Thầy thực hiện Huấn đức của Bác Hồ phấn đấu là “Sư hinh” - người thầy cao quý.

Đặc biệt, thầy Bảo cho biết, mỗi nhà trường cần trang bị cho học sinh trong tiến trình đổi mới 10 loại tư duy, đó là: Tư duy logic; Tư duy hình tượng; Tư duy biện chứng; Tư duy ngôn ngữ; Tư duy thuật toán; Tư duy khoa học chứng nghiệm; Tư duy kỹ thuật công nghệ; Tư duy kinh tế; Tư duy chính trị; Tư duy quản lý.

Khi là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cũng có nhiều kỷ niệm đẹp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ nhiều kỷ niệm về Đại tướng.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ nhiều kỷ niệm về Đại tướng.

Vào năm 1982, thầy Nhĩ khi đó là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình xin Chính phủ quyết định cho một ngày kỉ niệm các nhà giáo Việt Nam để huy động toàn xã hội chăm sóc tinh thần đối với nhà giáo, tạo điều kiện cho họ vượt qua những khó khăn trước mắt.

Đề nghị của Bộ Giáo dục đã được Đại tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp kí Quyết định 167/QĐ ngày 26/09/1982 lấy ngày 20/11 hàng năm làm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ đó đến nay ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 luôn luôn được hơn 20 triệu học sinh, sinh viên cùng các bậc cha mẹ và toàn xã hội tổ chức kỉ niệm rất long trọng. Tất cả giáo viên vô cùng phấn khởi, vượt mọi khó khăn để thực hiện việc dạy tốt, học tốt như Bác Hồ mong muốn.

Đại diện Nhà xuất bản Đại học Sư phạm tặng sách cho các đại biểu tham dự Hội thảo.

Đại diện Nhà xuất bản Đại học Sư phạm tặng sách cho các đại biểu tham dự Hội thảo.

Cũng trong năm 1982, Đại tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã kí quyết định 126/CP ngày 29/03/1982 về giáo dục hướng nghiệp và sử dụng hợp lí học sinh ra trường, chỉ đạo toàn ngành giáo dục thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp.

“Nhờ quyết định này, ngành giáo dục đã xây dựng được một hệ thống Trung tâm Kĩ thuật tổng hợp hướng nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện để học sinh thực hành. Các nhà trường phổ thông đều có vườn trường và xưởng trường để học sinh tham gia sản xuất.

Đặc biệt ngành giáo dục đã phối hợp với ngành lâm nghiệp xây dựng đề án “10 năm trồng 150 triệu cây” theo hướng từ nhà trường ra đường, lên đồi, phủ xanh đất trống, đồi trọc”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.

Đại tướng cũng là người quan tâm đến giáo dục, đời sống đồng bào dân tộc miền núi, Đại tướng đã chỉ đạo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phải hết sức quan tâm đến việc xóa mù chữ và xây dựng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú cho con em dân tộc.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo trình lên đề án củng cố và phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú thì được Chính phủ ưu tiên cấp tiền để đề án triển khai.

Trong những năm thập niên cuối của thế kỷ 20, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chương trình mục tiêu củng cố và phát triển xây dựng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, đã chỉ đạo các địa phương xây dựng được một hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú từ trung ương đến tận cơ sở.

Bên cạnh đó, Đại tướng cũng là một trong những người đóng góp cho sự ra đời của Hội Khuyến học Việt Nam để hỗ trợ cho ngành giáo dục.

“Ngày 2/10/1996 đại hội lần thứ nhất Hội Khuyến học Việt Nam được tiến hành. Đại hội bầu giáo sư Nguyễn Lân làm Chủ tịch và suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch danh dự của Hội. Đại tướng đã góp nhiều công sức vào điều lệ, phương hướng hoạt động của Hội”, thầy Nhĩ chia sẻ những kỷ niệm về Đại tướng.

Kim Ngân